Cơ cấu cổ đông Kienlongbank có thay đổi sau đám cưới của con trai bầu Thắng và con gái Chúa đảo Tuần Châu?

Hơn 100 triệu cổ phiếu Kienlongbank đã được các nhà đầu tư trong nước giao dịch trong những ngày gần đây. Giao dịch được thực hiện trước và sau thời gian đám cưới của anh Võ Quốc Lợi, con trai của bầu Thắng – nguyên Chủ tịch Kienlongbank và chị Đào Thụy Phương Thảo, con gái ''Chúa đảo Tuần Châu''.
dam-cuoi-con-bau-thang-2.jpg

Đám cưới của con trai bầu Thắng và con gái Chúa đảo Tuần Châu. (Nguồn: Báo Gia đình & Xã hội)

Theo dữ liệu giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 10 phiên giao dịch gần nhất (30/10 – 10/11) đã có tổng cộng gần 103,2 triệu cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) được các nhà đầu tư trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch gần 1.403 tỉ đồng. Đây hoàn toàn là giao dịch nội khối của các nhà đầu tư trong nước.

Trong đó, hơn 99,8% lượng cổ phiếu trên (tương đương hơn gần 103 triệu cổ phiếu với giá trị đạt hơn 1.401 tỉ đồng) được giao dịch thỏa thuận và chỉ có vỏn vẹn hơn 188.000 cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trên sàn.

Các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu diễn ra đều đặn trong 7/10 phiên giao dịch gần đây với mức bình quân 10,3 triệu đơn vị/phiên, đỉnh điểm là ngày 30/10 khi có xấp xỉ 26,2 triệu cp KLB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức này.

Như vậy, khối lượng giao dịch chỉ trong 10 phiên gần nhất đã bằng hơn 32% tổng số cổ phần đang lưu hành trên thị trường của Kienlongbank. Mặc dù điều này chưa đủ để khẳng định gần 1/3 cổ phiếu KLB tự do chuyển nhượng đã đổi chủ nhưng nó cho thấy sự biến động về cơ cấu cổ đông Kienlongbank trong những ngày gần đây.

Bên cạnh đó, các giao dịch thỏa thuận đột biến cổ phiếu KLB diễn ra khá trùng hợp với một sự kiện được giới kinh doanh chú ý khi con trai của ông Võ Quốc Thắng – nguyên Chủ tịch Kienlongbank (giai đoạn 2013 – 2018) Võ Quốc Lợi kết hôn với Đào Thụy Phương Thảo, con gái Chúa đảo Tuần Châu - Đào Hồng Tuyển vào ngày 7/11/2020.

Mặc dù đã từ nhiệm từ năm 2018, đồng thời không sở hữu cổ phần trước và sau khi rời ghế Chủ tịch Kienlongbank nhưng ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn khi những người liên quan đều là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016, ông Võ Quốc Lợi, con trai đầu của ông Thắng, người vừa kết hôn với con gái doanh nhân Đào Hồng Tuyển, sở hữu tới 14,05 triệu cổ phiếu, tương đương 4,68% vốn điều lệ Kienkongbank.

Đồng thời, ông Phạm Trần Duy Huyền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) nắm giữ 14,2 triệu cổ phần KLB (4,72%). Ông Huyền được liệt kê là người có liên quan với ông Võ Thành Phan – anh trai của ông Võ Quốc Thắng.

Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2016 đến nay, Kienlongbank chưa công bố bất kì thông tin nào liên quan đến giao dịch cổ phiếu của hai cổ đông lớn nhất này. Vì vậy, đồng nghĩa nhóm cổ đông liên quan đến ông Thắng đang nắm giữ ít nhất 28,25 triệu cổ phần tại Kienlongbank, tương đương 9,4% quyền chi phối tại nhà băng có vốn điều lệ hơn 3.200 tỉ đồng này

Không những vậy, ông Mai Hữu Tín, một người bạn và đối tác kinh doanh lâu năm của 'bầu' Thắng hiện cũng đang đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch HĐQT Kienlongbank. Năm 2019, ông Thắng và ông Tín từng bắt tay, tạo ra thương vụ sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh vào CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu KLB trên diễn ra, Kienlongbank là một trong những ngân hàng có cơ cấu cổ đông rất cô đặc.

Theo biên bản cuộc họp Đại hội đồng thường niên 2020 diễn ra vào ngày 27/3, ngân hàng này chỉ có hơn 1.000 cổ đông tại thời điểm chốt quyền. Ban đầu, tham dự cuộc họp chỉ có 13 người nhưng sở hữu tới 77,73% tổng số cổ phần. Đến cuối phiên họp, số lượng cổ đông tham dự tăng lên 28 người, đại diện cho gần 89,8% tổng số cổ phần có quyền tham dự.

Bên cạnh đó, các báo cáo tờ trình của ngân hàng cũng được đại hội thông qua với tỉ lệ ủng hộ đều xấp xỉ hoặc bằng 100%, mức tán thành gần như tuyệt đối.

Thành lập vào năm 1995 tại Kiên Giang, Kienlongbank ban đầu có tên gọi Ngân hàng TMCP Nông thôn Kiên Long, vốn điều lệ là 1,2 tỉ đồng và số nhân sự tổng cộng 10 người. Năm 2006, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Kiên Long qua việc chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên thành thị.

Cũng như các ngân hàng nông thôn lên thành thị khác, KienLongBank có cuộc chuyển đổi mạnh về vốn vào năm 2010, từ mức 1.000 tỉ đồng trước đó lên 3.000 tỉ đồng, bằng mức vốn pháp định tối thiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Song từ đó tới nay, đã qua nhiều năm, khi các ngân hàng khác lần lượt tăng vốn lên 5.000 tỉ đồng, 10.000 tỉ đồng và hơn thế thì KienLongBank mới chỉ tăng vốn được thêm được hơn 200 tỉ đồng vào năm 2018 thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu theo và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỉ lệ 8%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 144 tỉ đồng, giảm 38,7% so với cùng kì năm 2019 và chỉ gần bằng 20% chỉ tiêu cả năm.

Tính đến 30/9, tổng tài sản Kienlongbank đạt gần 55.592 tỉ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng nhẹ 0,9% lên 33.793 tỉ đồng trong khi đó tiền gửi khách hàng tăng đột biến 21,5% lên mức 39.990 tỉ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng đến cuối tháng 6 ở mức 2.240 tỉ đồng, cao gấp 6,5 lần so với hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,02% lên 6,63%, chủ yếu do đột biến nợ có khả năng mất vốn.

Theo Kienlongbank, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng mạnh do việc hạch toán gần 1.896 tỉ đồng dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank (STB) vào nợ nhóm 5 theo quyết định chỉ đạo của NHNN.

chọn
ĐHĐCĐ Becamex IJC: Quý đầu năm lãi sau thuế 40 tỷ, sắp mở bán Sunflower II và Prince Town II
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Becamex IJC tiết lộ doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất dự kiến quý I đạt 162 tỷ và 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào bán hàng dự án Sunflower II và Prince Town II trong quý III/2024.