Cổ đông lớn yêu cầu Thăng Long GTC rút khỏi dự án trên đất vàng cạnh hồ Giảng Võ

Hanoitourist - cổ đông nhà nước góp vốn vào Thăng Long GTC vừa đề nghị doanh nghiệp này thoái toàn bộ vốn góp tại Khu phức hợp Giảng Võ 15-17 Ngọc Khánh để bảo toàn vốn do dự án không triển khai đã nhiều năm.

Khu vực mặt tiền dự án trên đường Ngọc Khánh. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Vừa qua, CTCP Thăng Long GTC đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tại đại hội, ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện cổ đông nhà nước là Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đã đề nghị Thăng Long GTC thoái toàn bộ vốn góp tại dự án 15-17 Ngọc Khánh, Hà Nội.

Tính đến cuối năm 2017, Thăng Long GTC có vốn điều lệ 1.228 tỷ đồng, trong đó Hanoitourist nắm 45,19% tỷ lệ sở hữu.

Theo ông Dũng, dự án không triển khai đã nhiều năm, trạm điện xây dựng sai quy hoạch, quận Ba Đình yêu cầu tháo dỡ nhưng không giải quyết được.

Để bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Công ty, Hanoitourist đề nghị Thăng Long GTC thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Pacific Thăng Long, chủ đầu tư dự án 15-17 Ngọc Khánh.

Trước đề xuất này, lãnh đạo Thăng Long GTC cho biết sẽ tiếp thu ý kiến từ Hanoitourist và chỉ đạo Ban Tổng Giám đốc công ty giải quyết các công việc còn vướng mắc, tồn đọng.

Khu đất vàng bỏ hoang nhiều năm 

Theo tìm hiểu của người viết, dự án 15-17 Ngọc Khánh còn được biết đến với tên là Khu phức hợp Giảng Võ hay Giảng Võ Complex, có diện tích 12.066 m2, chủ đầu tư dự án là Pacific Thăng Long.

Pacific Thăng Long được thành lập vào tháng 12/2007, có trụ sở tại 15-17 Ngọc Khánh, tính đến  tháng 10/2018 có vốn điều lệ khoảng 17 triệu USD. Trong đó, Thăng Long GTC sở hữu 29% vốn điều lệ (94 tỷ đồng), 71% còn lại (tương đương 246 tỷ đồng) thuộc sở hữu của Công ty Janakpur Limited (Ireland).

Vào tháng 10/2007, Thăng Long GTC đã thỏa thuận hợp đồng liên doanh với Janakpur Limited để đầu tư Khu phức hợp Giảng Võ.

Thông tin từ chủ đầu tư, Khu phức hợp Giảng Võ sẽ bao gồm khu thương mại, dịch vụ bán lẻ, khu văn phòng, khu khách sạn. Trong đó, khối khách sạn cao 9 - 10 tầng, văn phòng cao 18 tầng. Tổng mức đầu tư dự án là 70 triệu USD.

Đơn vị thiết kế dự án HD E&C cho biết thêm, hạng mục chính dự án là hai toà nhà hình cong, mặt tiền hướng ra phía hồ Giảng Võ.

Khối khách sạn dự án bao gồm 300 phòng ngủ, 50 căn hộ cho thuê, một thính phòng có diện tích 1.050 m2 và một khu spa có diện tích 2.000 m2 và 3 nhà hàng hạng sang, trong đó có ít nhất một nhà hàng được bố trí tại tầng mái. Khối nhà văn phòng - thương mại cao 18 tầng, gồm 3 tầng thương mại là khu mua sắm.

Khu phức hợp Giảng Võ. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

UBND TP Hà Nội cho biết, giai đoạn 1 dự án được phê duyệt vào tháng 10/2002, hạng mục chính là xây dựng khu nhà ở cao cấp bán và kinh doanh.

Đến tháng 4/2003, thành phố đã giao 5.800 m2 đất cho Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC (chủ đầu tư ban đầu dự án) xây dựng ba tòa chung cư cao 12, 15 và 18 tầng, sau đó đã đưa vào sử dụng ổn định. Đây cũng chính là dự án chung cư 15-17 Ngọc Khánh.

Tháng 9/2009, thành phố tiếp tục giao 12.066 m2 đất cho Pacific Thăng Long thuê để thực hiện khu phức hợp Giảng Võ.

Vào năm 2015, Khu phức hợp Giảng Võ từng bị đề xuất xem xét thu hồi phần diện tích bỏ hoang sau nhiều năm để tạo điều kiện cho mở rộng trường Tiểu học Kim Đồng hoặc xây dựng công trình công cộng. 

Sau đó, dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 2 cho Pacific Thăng Long, gia hạn tiến độ triển khai, hoàn thành tới tháng 12/2017.

Ngoài ra, thành phố có giao chủ đầu tư 2.077 m2 đất để xây dựng đường dạo sử dụng chung ven hồ Giảng Võ và mở rộng lối vào khách sạn, song chủ đầu tư chưa thực hiện. 

Báo cáo kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố năm 2018 của HĐND TP Hà Nội cho thấy, dự án Khu phức hợp Giảng Võ đã được thanh, kiểm tra, chỉ đạo xử lý, song chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo chủ trương phê duyệt. Đối với dự án này, phía địa phương đề nghị xử lý thu hồi.  

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.