"Cuộc đua" ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đang diễn ra khá quyết liệt. Không lâu sau khi ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Vingroup trở về vị trí số 1, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn FLC lại "đánh bật" ông Vượng khỏi ngôi "quán quân" này.
Ông Trịnh Văn Quyết một lần nữa trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau khi cổ phiếu "họ" FLC đông loạt tăng rất mạnh trong nhiều phiên trở lại đây.
Đóng cửa phiên giao dịch 19/10, bộ ba cổ phiếu thuộc "họ" FLC là FLC, HAI và ROS đồng loạt tăng mạnh. HAI tăng trần, tăng 750 đồng/CP lên 11.900 đồng/CP. Dư mua trần HAI là con số rất cao, lên tới hơn 10 triệu đơn vị. ROS tăng trần, tăng 1.950 đồng/CP lên 132.100 đồng/CP. Dư mua trần ROS đạt gần 2,3 triệu đơn vị.
Không tăng trần như "anh em" HAI và ROS nhưng FLC cũng duy trì được sắc xanh. Chốt phiên, FLC tăng 160 đồng/CP lên 7.620 đồng/CP. Dư cầu FLC không quá lớn như hai mã kể trên.
Cổ phiếu "họ" FLC bứt phá giúp khối tài sản của ông Quyết tăng vọt, từ đó ông Quyết vượt qua ông Vượng trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
Cụ thể, trong phiên 19/10, giá trị cổ phiếu ROS thuộc sở hữu của ông Quyết tăng 621 tỷ đồng lên 42.076 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu FLC của ông Quyết tăng gần 25 tỷ đồng lên 1.183 tỷ đồng.
Trong danh sách các cổ phiếu của ông Quyết, ART là mã duy nhất chốt phiên trong sắc đỏ. ART giảm 1.000 đồng/CP xuống 22.500 đồng/CP. Tuy nhiên, do sở hữu số lượng cổ phiếu ART không quá lớn nên tài sản của ông Quyết không bị ảnh hưởng nhiều. Lượng cổ phiếu đó giảm 2,6 tỷ đồng xuống 59 tỷ đồng.
Như vậy, theo thị giá cổ phiếu ROS, FLC và ART ngày 19/10, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết đạt 43.318 tỷ đồng (khoảng 1,9 tỷ USD). Mặc dù vậy, cho tới nay, ông Quyết vẫn chưa lọt vào danh sách những người giàu nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.
Hôm qua, cổ phiếu VIC của duy trì sắc xanh nhưng tốc độ tăng của VIC chậm hơn nhiều so với ROS và FLC nên ông Phạm Nhật Vượng đã lùi về vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
Đóng cửa phiên giao dịch 19/10, VIC tăng 100 đồng/CP lên 55.000 đồng/CP. Nhờ đó, tài sản của ông Vượng tăng 42,4 tỷ đồng lên 39.818 tỷ đồng. Hiện tại, ông Vượng ít hơn ông Quyết 3.500 tỷ đồng. Đây là con số không dễ vượt qua.
Ông Quyết lại là người giàu nhất là thông tin được chú ý trong phiên 19/10. Bên cạnh đó, việc cổ phiếu "nóng" VPB của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Sau 9 ngày tăng liên tiếp, chốt phiên 19/10, VPB giảm 200 đồng/CP xuống 41.100 đồng/CP. Dù suy giảm nhưng VPB vẫn đang là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất trên cả 2 sàn TP.HCM và sàn Hà Nội.
Đà giảm hôm qua của VPB khiến vốn hóa thị trường VPBank hao hụt 299 tỷ đồng xuống 61.543 tỷ đồng. Trong các cổ đông, các đại gia VPBank là những người mất mát nhiều nhất.
Là "người" VPBank giàu nhất sàn chứng khoán, hôm qua, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank chứng kiến khối tài sản khổng lồ giảm 14 tỷ đồng xuống 2.888 tỷ đồng. Ông Dũng đang đứng ở vị trí thứ 13.
Giá trị cổ phiếu VPB thuộc sở hữu bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Dũng giảm 13,6 tỷ đồng xuống 2.791 tỷ đồng. Bà Minh đang đứng ở vị trí 15 ngay sau ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Bà Vũ Thị Quyên, mẹ ông Dũng cũng là cổ đông sở hữu lượng cổ phiếu VPB rất lớn. Hôm qua, lượng cổ phiếu này giảm 13,3 tỷ đồng. Với 2.736 tỷ đồng, bà Quyên đứng ở vị trí 16.
Bà Kim Ngọc Cẩm Ly và bà Trần Ngọc Lan cũng nằm trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhờ nắm giữ cổ phiếu VPB. Giá trị cổ phiếu VPB của 2 nữ đại gia này lần lượt là 2.726 tỷ đồng và 2.619 tỷ đồng.