Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu VKC của CTCP VKC Holdings. Lý do mà HNX đưa ra là tổ chức kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của VKC và doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Một trong những nguyên nhân đơn vị kiểm toán, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) từ chối việc đưa ra ý kiến là VKC đã dùng phần tiền huy động được từ trái phiếu không đúng với kế hoạch đề ra.
Đây là lô trái phiếu VKCH2123001 với giá trị 200 tỷ đồng, được công ty phát hành vào tháng 9/2021 với kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào tháng 6 tới đây.
Theo kế hoạch phát hành công bố vào ngày 3/12/2021, việc huy động trên nhằm mua lại toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của CTCP Louis Land (tên hiện tại: CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư, viết tắt: Bidico, mã chứng khoán: BII) tại Công ty TNHH Toccoo Viet Nam (tương đương 85% vốn điều lệ).
Tại ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 8/12/2021, cổ đông VKC cũng thông qua việc góp vốn thêm vào Toccoo với tổng giá trị đầu tư 400 tỷ đồng, nhằm đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
Song, theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán mà VKC vừa công bố, tính đến ngày 31/12/2022, chỉ có hơn 84 tỷ đồng từ lô trái phiếu trên được VKC dùng để mua vốn góp Toccoo từ Louis Land (sử dụng đúng mục đích theo bản công bố thông tin ngày 3/12/2021 và đúng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 8/12/2021).
Đối với số tiền còn lại, 80,8 tỷ đồng được VKC dùng để góp vốn vào Toccoo (thực hiện trong hai tháng 1 - 2/2022) và 34,9 tỷ đồng lại được dùng để chuyển qua các ngân hàng như MBBank, VPBank,..., trả nợ vay, thanh toán tiền hàng, hoàn trả lại tiền nộp đủ đầu tư trái phiếu,... (thực hiện từ tháng 12/2021 - 3/2022).
Việc dùng tiền huy động từ trái phiếu không đúng mục đích như trên từng được VKC đề cập đến trong bản giải trình nguyên nhân mất khả năng thanh toán với các chủ nợ hồi tháng 10/2022.
Khi đó, VKC cho biết, số tiền đầu tư vào Toccoo không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào cho công ty.
Trước đó, theo bản thông báo cuối tháng 9/2022, VKC đã giải trình nguyên nhân của việc mất khả năng thanh toán là Ban điều hành mới nhận thấy nhiều sai phạm của các lãnh đạo cũ trong quản lý tài chính, phát hành lô trái phiếu trên, dẫn đến làm thất thoát tài sản công ty.
Qua đó, VKC thông báo tạm hoãn thanh toán lãi lô trái phiếu này.
Ở diễn biến khác, VKC cũng cho biết, ngay sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, các ngân hàng mà VKC đang có quan hệ tín dụng đánh giá rủi ro của lô trái phiếu VKCH2123001 là rất cao, do đó đã ngưng cung cấp nguồn vốn tín dụng cho VKC, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2022, VKC báo lỗ sau thuế gần 240 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2,3 tỷ đồng. Theo giải trình của VKC, kết quả này chủ yếu do chi phí xử lý hàng tồn kho kiểm kê thiếu không rõ nguyên nhân, chi phí lãi vay và lãi trái phiếu, chi phí xử lý tài sản cố định không được hình thành và chi phí dự phòng phải thu khó đòi.
Trong khi đó, doanh thu cũng giảm mạnh do thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tính tới cuối năm 2022, lỗ lũy kế của công ty là gần 217 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu ở mức 200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản nợ ngắn hạn của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn của VKC với số tiền là gần 116 tỷ đồng, công ty có một số khoản nợ vay ngắn hạn và nợ tiền lãi vay, trái phiếu đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là hơn 178 tỷ đồng.
Do đó, đơn vị kiểm toán, Vietvalues cho rằng có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VKC.