Tại hội nghị này, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đề nghị làm rõ có hay không tình trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kiểu "Đánh trống ghi tên để chi tiền"- Ảnh: Văn Duẩn |
Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức Hội nghị toàn quốc về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đến nay đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 3,5 triệu lao động nông thôn đào tạo theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp.
“Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm việc làm mới nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản từ chỗ tham gia học nghề với mục tiêu hỗ trợ tiền ăn chuyển sang học để nắm bắt khoa học, ứng dụng sản xuất, kỹ năng để nâng cao đời sống, thu nhập”- ông Dung khẳng định.
Theo ông Dung, Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1-7-2015 của Thủ tướng đã chỉ ra chủ trương, quan điểm, yêu cầu: “Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau học nghề”.
Ông Đào Ngọc Dung đề nghị hội nghị cần phải tập trung đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua, những gì là thế mạnh, thành công, đâu là hạn chế. “Nhất là những câu nói cửa miệng mà một số người vẫn đang nói: Lao động nông thôn gặp gì đào tạo nấy, đánh trống ghi tên để chi tiền”- ông Dung yêu cầu.
Bộ trưởng Dung cho biết tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, khi thảo luận về công tác đào tạo nghề nông thôn thì cũng có nhiều đại biểu nói với ông như vậy. Thậm chí có những ý kiến còn nói rằng mục tiêu của Đề án 1956 đặt ra lớn nhưng tổ chức thực hiện còn nhiều chuyện.
“Xin lỗi các đồng chí, có những đại biểu nói trong kỳ họp Quốc hội, đó là có xã đào tạo tập trung vào khoảng 600 người chuyên một nghề, đó là nghề hoạn lợn. Tôi bảo là nếu là đào tạo nghề thật, đi làm việc thật thì còn được, nhưng nếu chỉ là đánh trống ghi tên, một xã mà 600 người làm nghề hoạn lợn thì sao? Mục tiêu ghi vậy là để chi tiền”- ông Dung dẫn chứng.
“Tôi muốn hôm nay chúng ta bàn thực trạng đi, có hay không có việc đó, nó là cá biệt hay phổ biến?. Khách quan mà nói, chúng ta đào tạo nghề nhiều, nhất là ngành nông nghiệp đang muốn đào tạo nông nghiệp công nghệ cao, không đào tạo, tập huấn kỹ thuật sao có thể làm được. Do đó đề nghị đánh giá thẳng thắn cái được, chưa được, nguyên nhân vấn đề là gì”- ông Dung đề nghị.