Trong hội nghị đánh giá về công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2016, đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm 2017, rất nhiều ý kiến được đưa ra về những vướng mắc trong công tác đào tạo nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng trên cả nước hiện nay.
Mỗi lĩnh vực đào tạo lại có những vướng mắc khác nhau. Với lĩnh vực đào tạo nghệ thuật, ông Hồ Việt Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du Hà Tĩnh chia sẻ: “Vì là một trường nghệ thuật đặc thù nên công tác tuyển sinh của chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng tuyển sinh không phân biệt độ tuổi, và số lượng cũng rất hạn chế”.
Ông Hồ Việt Anh chia sẻ những khó khăn trong công tác tuyển sinh trường nghệ thuật với phòng viên (Ảnh: Hương Thảo). |
Ông Việt Anh lý giải: “Nhiều học sinh sau khi học xong mẫu giáo, đã có năng khiếu nghệ thuật thì chúng ta cần phải “ươm ầm” hướng nghiệp cho các cháu. Thế nhưng, với đối tượng tuyển sinh như vậy, cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về thời gian đào tạo cũng như văn bằng cấp cho những học sinh này. Bên cạnh đó, vì là loại hình nghệ thuật đặc thù nên việc tìm kiếm việc làm của học sinh cũng rất khó khăn. Bởi một nghệ nhân giỏi đàn bầu có thể cần cho đất nước nhưng không cần cho các doanh nghiệp”.
Theo ông Việt Anh, hiện nay các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc được UNESCO công nhận như điệu hò ví dặm, quan họ Bắc Ninh, Cồng chiêng Tây Nguyên...rất cần bảo tồn và phát huy bởi nó là trí tuệ, lời ăn tiếng nói của nhân dân, là bản sắc riêng, văn hóa riêng của một dân tộc. “Tuy nhiên, thế hệ nghệ nhân cũ đang ngày càng ra đi, mà thế hệ mới tiếp nhận thì quá ít. Chính điều này đã phần nào tạo nên một khoảng trống trong việc bảo tồn di sản”.
“Hơn nữa, việc tham gia đào tạo các nghệ nhân đang gặp nhiều vướng mắc bởi các yếu tố như kinh phí học, kinh phí trang thiết bị. Các giáo viên là nghệ nhân thực thụ có thâm niên công tác nghề nghiệp lâu năm sẽ có thu nhập như thế nào nếu kinh phí chỉ tính trên đầu học sinh? Trong khi, nhiều trường hiện nay đang yêu cầu nâng mức sàn học phí, thì khối các trường nghệ thuật lại đề nghị hạ sàn học phí xuống, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu” ông Việt Anh cho biết thêm.
Trong khi, nhiều trường hiện nay đang yêu cầu nâng mức sàn học phí, thì khối các trường nghệ thuật lại đề nghị hạ sàn học phí xuống. (Ảnh minh họa). |
Ông Việt Anh cũng nhấn mạnh: “Việc “ươm mầm” tài năng nghệ thuật tại các địa phương, góp phần giúp các trường Trung ương tìm kiếm học sinh dễ dàng. Do vậy, một cơ chế liên thông giữa các trường là điều rất cần và quan trọng. Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần tách ra thành từng loại hình nghệ thuật đặc thù để bộ, ngành liên quan cùng tham gia”.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết: “Với những vấn đề mà thầy Hiệu trưởng trưởng CĐ VHTTDL Nguyễn Du Hà Tĩnh nêu ra, chúng tôi đã làm việc với Bộ VHTTDL và đã có những hướng giải quyết. Tuy nhiên còn một vấn đề là liên thông từ trình độ trung cấp lên đại học thì sẽ do Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTBXH biên soạn chương trình đào tạo để trình Chính phủ. Đề án này sẽ được áp dụng sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
Chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Công Nghệ năm 2017 tăng mạnh
Năm 2017, Đại học Công Nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh 1.120 chỉ tiêu, tăng hơn 33% so với năm 2016. |