CTCP Đầu tư Con Cưng vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính trong kỳ báo cáo 1/1 - 30/6 năm 2020, cho thấy lợi nhuận sau thuế tăng 25 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 25 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng gần 10 lần, ở mức 6,02.
Doanh nghiệp không công bố thông tin về doanh thu trong kỳ.
Tính đến hết ngày 30/6/2020, vốn chủ sở hữu của Con Cưng là 416 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Đầu năm nay, CTCP Đầu tư Con Cưng cũng đã huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Với hơn 41.000 trái phiếu được phát hành, với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, đã mang về cho Con Cưng 41 tỷ đồng.
Trong đợt phát hành lần này, theo công bố, nhà đầu tư trong nước đã mua 12.804 trái phiếu, chiếm 31,32%, số còn lại thuộc về nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 68,77% tổng lượng trái phiếu phát hành.
Tính đến thời điểm hiện tại, CTCP Đầu tư Con Cưng đang sở hữu 3 công ty con là: CTCP Con Cưng - đơn vị trực tiếp quản lý chuỗi cửa hàng Con Cưng, CTCP Thương mại Liam và và CTCP Tập đoàn Sakura.
Trong đó, cổ đông lớn nhất của chuỗi Con Cưng là hai tổ chức: Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II (Daiwa-SSIAM II) do SSIAM (một đơn vị thuộc SSI) đồng quản lí với Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities - Nhật Bản).
Nhóm này đổ tiền vào Con Cưng từ rất sớm, cuối năm 2016 và sở hữu gần 40% cổ phần, 35% cổ phần thuộc về Ban giám đốc, còn lại là các nhà đầu tư khác.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng Con Cưng, năm 2019 chuỗi này ghi nhận doanh thu đạt gần 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận 24,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 88% so với năm trước đó.
Đến nay, nếu xét về số lượng cửa hàng, Con Cưng đang chiếm thị phần lớn nhất trong ngành hàng này, với 485 siêu thị trên toàn quốc. Theo sau là Bibo Mart với 137 cửa hàng, Kids Plaza 56 cửa hàng, và Shoptretho là 39 cửa hàng,…
Theo ước tính của Nielsen, trong thời gian tới, doanh thu của thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho mẹ và bé tại Việt Nam có thể đạt quy mô 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng tới 30-40%.