Con trai hoạ sĩ Bùi Xuân Phái khẳng định tranh bán 2 tỷ là giả

Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương - con trai của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái khẳng định bức tranh vừa được bán đấu giá với mức 102.000 USD là tranh giả, không phải tranh do cha ông vẽ. Ông cũng sốc và ngạc nhiên khi biết người đưa bức tranh này ra bán đã không nói rõ với mọi người.

Chỉ là một bức tô màu sao chép vụng về?

Ngay sau buổi đấu giá một số tác phẩm nghệ thuật nhằm gây quỹ từ thiện cho trẻ em khiếm khuyết cơ quan sinh dục tại TP. HCM tổ chức hôm 22/10, nhiều ý kiến đã lên tiếng chứng minh bức tranh được giới thiệu là “Phố cổ Hà Nội” của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái được bán với giá 102.000 USD (gần 2,3 tỉ đồng) là tranh giả.

Được biết, bức “Phố cổ Hà Nội” trong cuộc bán đấu giá được giới thiệu là bức tranh có khổ to nhất mà danh hoạ Bùi Xuân Phái từng vẽ, với kích thước 55 cm x 72 cm, chất liệu sơn dầu trên bố, nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh (tên thật Bùi Đình Thản). Nhà sưu tập Đức Minh vốn chơi rất thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Theo một số nhà phân tích, tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái trên thị trường đang nằm ở ngưỡng trung bình là 200.000 USD/bức. Vì vậy, giá 102.000 USD được bán ra là sự đầu tư “hời” với người mua khi đạt được hai mục đích, tiền để chữa bệnh cho 1000 trẻ em khuyết tật bộ phận sinh dục và hoàn toàn có thể là “vốn” tốt cho việc đưa bức tranh khổ lớn hiếm hoi của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái ra thị trường tranh trong nước và quốc tế.

con trai hoa si bui xuan phai khang dinh tranh ban 2 ty la gia

Bức tranh vừa đem ra đấu giá tại TP.HCM và bán được với giá 102.000 USD bị cho là giả. Ảnh: TB.

Tuy nhiên, hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình chia sẻ rằng, những người đem bức tranh này đi đấu giá và người mua nó đã bị “hố”.

Anh phân tích: “Bức tranh này không cần anh Bùi Thanh Phương (con trai danh hoạ Bùi Xuân Phái) lên tiếng, những ai trong nghề lâu năm đều thấy nó là giả. Dễ thấy nhất là các nét "contour" của bác Phái không bao giờ "đều đặn”, “thẳng thớm" như thế. Người nhái bức tranh này hoàn toàn không hiểu tình cảm và bút pháp của bác Phái khi vẽ những mái nhà "xiêu vẹo"... Cái xiêu vẹo, lô xô của bác Phái là ngẫu hứng có chủ ý bằng tay nghề điêu luyện, đường "contour" (đường viền quanh hình) của bác dày dặn và tình cảm. Làm thế nào để nhận ra một nét vẽ tình cảm?

Nét vẽ tình cảm không "tô", không "kẻ" nó "đi" một cách tự nhiên, "luyến láy" tự nhiên nhưng có chủ đích. "Mái ngói thâm nâu..." của phố cổ Hà Nội in sâu trong tâm hồn người Hà Nội, nó là màu thời gian đi theo người nghệ sĩ, vì vậy nó không phải là màu nâu đỏ.

con trai hoa si bui xuan phai khang dinh tranh ban 2 ty la gia
con trai hoa si bui xuan phai khang dinh tranh ban 2 ty la gia

Hai bức tranh vẽ phố của danh hoạ Bùi Xuân Phái. Ảnh: BTP.

Người nhái bức tranh này chẳng những không có tình cảm gì với Hà Nội mà còn không hiểu gì về bút pháp của nghệ sĩ.

Bác Phái thường vẽ tranh nhỏ (thậm chí rất nhỏ) một phần vì điều kiện vật chất, một phần vì tái hiện cảm xúc trên diện tích nhỏ nhanh hơn, dễ hơn và một điều hiển nhiên bác "vẽ" chứ không "tô màu". Việc phủ màu lên, chạy theo cảm xúc nên thường diễn ra nhanh, lấy màu từ pallette nhanh, do đó màu trên từng nhát cọ chẳng những không giống nhau mà còn "chồng lấn" lên nhau một cách tự nhiên, tạo ra một hòa sắc rất tình cảm.

Rõ ràng, bức được mang ra đấu giá chỉ là một bức tô màu sao chép vụng về. Người mang nó ra đã thiếu hiểu biết, người mua nó về cũng thiếu hiểu biết...”.

“Đó không phải là tranh của cha tôi”

Họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái cũng chắc nịch rằng, đó không phải là tranh do cha ông là hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ dù bên góc phải bức tranh có chữ ký “Phái”.

“Nếu nhìn vào bức tranh để mà diễn giải bằng ngôn ngữ cho người khác hiểu rằng đó không phải là tranh cha tôi vẽ quả là rất khó. Tôi lại không phải là nhà Lý luận - phê bình mỹ thuật nên càng khó. Nhưng nếu là người trong nghề, rồi lại là con trai ruột nữa... thì nét vẽ của cha tôi cũng như là nét chữ. Chẳng hạn như con trai nhận được một bức thư của cha nhưng phong bì rách nát thì chỉ cần cầm bức thư lên nhìn nét chữ là nhận ra ngay đó là thư cha mình.

Tranh của cha tôi cũng thế, chẳng cần phải đưa đi giám định hoặc dùng các biện pháp phân tích gì cả, nhìn tranh cha tôi là tôi nhận ra ngay. Còn chữ ký ở tranh chẳng nói lên được điều gì cả mà phải nhìn toàn bộ bức tranh… Sinh thời, cha tôi hay nói câu “Vẽ cho hả” và vẽ như tâm sự nỗi niềm riêng tư của ông nhưng ông đầy trách nhiệm khi ký tên vào bức tranh khi nó đã hoàn thành”, hoạ sĩ Bùi Thanh Phương nói.

con trai hoa si bui xuan phai khang dinh tranh ban 2 ty la gia

Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương (đeo kính) con trai của danh hoạ Bùi Xuân Phái khẳng định bức trang vừa bán được trong phiên đấu giá với số tiền 2 tỷ là giả. Ảnh: BTP.

Theo con trai của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái, với những người có chuyên môn chỉ cần nhìn vào bức tranh là nhận ra được ngay tranh thật - tranh giả. Vì mỗi bức tranh đều chứa đựng phong cách, tâm hồn của người vẽ chứ không đơn giản chỉ là những nét vẽ.

“Bức tranh chứa đựng tâm hồn của tác giả mà mình yêu mến thì chỉ cần nhìn cái là nó sẽ ùa vào tâm hồn mình, còn không phải của tác giả thật thì sẽ bật ra ngay, không tiếp nhận được. Tương tự như tranh của danh hoạ Van Gogh ấy, nó gờn gợn và đầy chất lửa. Tranh của ông được chép lại hoặc vẽ giả hàng ngày trên khắp thế giới. Mỗi ngày có đến hàng trăm bức tranh được vẽ và được ký tên là Van Gogh nhưng không ai tranh cãi chuyện đấy vì người ta thừa biết đó là tranh chép lại của những người yêu mến ông.

Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ, hay nhiều người đang chuyển mình đến giai đoạn người ta chép lại tranh của những danh hoạ bậc thầy như: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn...”, ông Phương chia sẻ.

Hoạ sĩ Bùi Xuân Phương cho biết thêm, ông cảm thấy hơi bị sốc và ngạc nhiên khi người đem tranh đi đấu giá và người mua đều thiếu hiểu biết. “Tôi cho đó là một sự liều lĩnh vì thách thức dư luận như thế là rất nguy hiểm. Tôi biết người gửi bức tranh đó là bạn mình. Tôi rất sốc về điều này. Nhưng tôi không thể tha thứ được, người ta hỏi thì tôi phải nói chứ không thể vì chỗ quen biết mà im lặng được”, hoạ sĩ Phương bộc bạch.

con trai hoa si bui xuan phai khang dinh tranh ban 2 ty la gia

"Mái ngói thâm nâu" trong trang phố Phái. Ảnh: BTP.

Ông không muốn thưa kiện gì về chuyện này vì mức độ nghiêm trọng chưa đến mức “thưa - gửi”. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu những người đem bức tranh này ra đấu giá có tình yêu với tranh Bùi Xuân Phái thì đáng ra họ nên nói rõ để những người có mặt trong sự kiện hôm đó hiểu đúng về nghệ thuật đích thực.

Thực tế, khi tìm kiếm dữ liệu về tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội trên mạng internet, nhiều người phát hiện thấy một bức tranh gần giống như bức tranh vừa đem ra đấu giá. Bức tranh đó được đặt tên là tác phẩm “Phố Hàng Bạc”. Bức này được vẽ vào năm 1968, khổ 47cm x 57cm, sơn dầu trên vải và đã lên sàn “Phiên đấu giá mùa Thu” của Larasati (Singapore) thuộc Những nhà đấu giá liên hiệp châu Á tại Trung tâm Triển lãm Hong Kong năm 2010. Tại phiên đấu giá, bức này đã được bán với mức là 19.900 USD, cùng một vài bức về Hàng Bạc khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hà Tùng Long

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.