Ông Đoàn Văn Cường, chủ tiệm Internet Victory (tại khu phố Tân Lập, P.Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) phản ảnh gia đình ông có một tiệm Internet khoảng 50 máy, đã đăng ký kinh doanh. Theo quy định thì sau 22h tiệm Internet phải đóng cửa. Tối 22/8, do vẫn còn một số khách đang chơi dở dang nên tiệm của ông Cường đóng cửa, không nhận thêm khách mới. Gần 23h cùng ngày, một người mặc sắc phục công an và dân phòng tới trước cửa tiệm đập cửa rồi tự tay cạy cửa cuốn để xâm nhập vào nhà.
Hình ảnh từ camera cho thấy khi vào trong, người mặc sắc phục công an không đưa ra bất cứ một văn bản nào về việc khám xét nhà mà bắt mọi người ngồi im.
Sau đó, người này lập biên bản ghi nội dung tiệm Internet của ông Cường hoạt động quá giờ quy định và tịch thu 10 màn hình máy tính, 1 CPU.
“Nếu chúng tôi có sai thì cũng chỉ là vi phạm về hành chính, cơ quan chức năng có thể xử phạt và không thiếu biện pháp khác để chế tài. Đằng này họ lại tự tiện cạy cửa và thu giữ tài sản...”, ông Cường bức xúc.
Hình cắt từ Clip công an P. Đông Hoà tự ý phá cửa nhà dân |
Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo Công an phường Đông Hòa cho biết sẽ xác minh làm rõ. "Nếu xác định công an khu vực vi phạm quy trình, cạy cửa vào nhà dân thì sẽ báo cáo cấp trên và có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, tiệm internet trên vẫn còn một số người chơi nên đã vi phạm thời gian mở cửa", đại diện Công an P.Đông Hòa thông tin.
Luật sư Trương Minh Tuỳ - Công ty Luật TNHH Đại Việt Luật cho biế, công an khu vực P.Đông Hòa đã có dấu hiệu lạm quyền. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì nhắc nhở là chính, tùy mức độ vi phạm mới ra quyết định xử phạt.
Trong tình huống này vi phạm không lớn. Việc công an khu vực sử dụng biện pháp mang tính chất trấn áp để xử lý hành chính là quá cứng nhắc.
Hơn nữa, ở đây không có dấu hiệu của tội phạm hình sự, công an không có lệnh khám xét nhà, không có sự chứng kiến của tổ trưởng dân phố mà cho người cạy cửa là đã xâm phạm chỗ ở hợp pháp của công dân, vi phạm quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Luật sư Tùy cho biết thêm: Theo Luật Cư trú thì việc đăng ký thường trú và tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trách nhiệm của mọi công dân. Nghị định 31/2014 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú) và Thông tư 35/2014 của Bộ Công an quy định công an xã, phường, thị trấn có thẩm quyền kiểm tra việc cư trú của công dân.
Cụ thể, khoản 1 Điều 26 Thông tư 35/2014 quy định: Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.
Khoản 4 điều này quy định về thẩm quyền: Công an được giao quản lý cư trú tại địa bàn (tức CSKV) có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.
Trong đó, công an được quyền huy động lực lượng bảo vệ dân phố đi cùng để kiểm tra mà không cần phải có người khác như tổ trưởng hay khu phố trưởng làm chứng. Điều này được quy định tại các điểm 3.1, 3.2. Mục III và điểm 2.2 Mục VI Thông tư liên tịch 02/2007 của Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính (hướng dẫn thực hiện Nghị định 38/2006 về bảo vệ dân phố).
Luật không quy định về giờ kiểm tra đột xuất nhưng cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép. Như vậy, nếu cần kiểm tra đột xuất thì khi cử người đi công an phải có giấy tờ nêu rõ lý do vì sao phải thực hiện việc này. Khi đó, người kiểm tra mới đủ tư cách và căn cứ để kiểm tra đột xuất.
Như vậy, theo luật định thì hành động trên của công an P. Đông Hoà hoàn toàn bất hợp lý và có dấu hiệu lạm quyền để làm khó người dân.