Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với NOXH tại Bình Dương?

Tại Bình Dương, nhiều chủ đầu tư chưa mặn mà với NOXH do thiếu quỹ đất, khó tiếp cận vốn vay ưu đãi, bị khống chế lợi nhuận... Chưa kể người mua cũng bị ràng buộc về thu nhập, địa chỉ thường trú, thời hạn đóng bảo hiểm.​

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, hội thảo chuyên đề "Nhà ở xã hội - Điểm sáng của bất động sản Bình Dương" vừa diễn ra mới đây. 

Sở Xây dựng tỉnh cho biết, hiện địa phương có 29 khu công nghiệp có tổng diện tích 12.600 ha, tỷ lệ lấp đầy 91% với gần 2 triệu lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước và cả nước ngoài. Do đó, nhu cầu về nhà ở là cực kỳ lớn, đặc biệt đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp. 

Giai đoạn 2011 - 2015, Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội (NOXH) có tổng diện tích sàn nhà ở đạt 3,8 triệu m2; đáp ứng chỗ ở cho hơn 238.000 người; với tổng mức đầu tư 19.034 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bình Dương đã đầu tư 1,33/2 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch. Đồng thời, huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NOXH, nhà ở công nhân, điển hình là Becamex IDC. 

Một dự án NOXH tại Bình Dương (Ảnh: Báo Lao Động). 

Liên quan đến đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", tỉnh được Chính phủ giao chỉ tiêu 86.877 căn so với dự báo nhu cầu là 115.836 căn NOXH.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 46.377/61.836 căn theo dự báo; giai đoạn 2026 - 2030 là 40.500/54.000 căn.

Trên thực tế, việc triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng NOXH tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn và bất cập từ các cơ quan Nhà nước, các chủ đầu tư, đối tượng sở hữu NOXH…

Theo ông Bùi Ngươn Phong - Chủ đầu tư NOXH Tân Đông Hiệp, đến nay NOXH và nhà ở công nhân tại địa phương chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.

Nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với xây dựng các dự án NOXH, xuất phát bởi nhiều lý do từ việc thiếu quỹ đất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục pháp lý kéo dài, chủ đầu tư còn bị khống chế lợi nhuận. Bên cạnh đó, đối tượng mua NOXH cũng rất khó tiếp cận do các ràng buộc về điều kiện thụ hưởng như thu nhập, địa chỉ thường trú, thời hạn đóng bảo hiểm.​

Trước đó, hồi cuối tháng 9, cũng tại một hội thảo về vấn đề phát triển NOXH tại Bình Dương, KTS Nguyễn Hồng Hải - Tổng công ty Becamex IDC (đơn vị thực hiện nhiều dự án NOXH tại TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TX Bến Cát, huyện Bàu Bàng,...) đã đề xuất cần có mô hình tài chính hỗ trợ như một quỹ phát triển NOXH, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chương trình nhà ở Quốc gia,... với việc cho vay khoảng 70% và lãi suất cố định trong vòng 20 - 25 - 30 năm. ‏

‏“Đồng thời, phải có mô hình nhà NOXH phù hợp cho từng địa phương với từng điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên,... và nhất là các nhóm thu nhập. NOXH cũng cần có thị trường để tiếp cận đúng đối tượng và phải là một phân khúc tham gia trực tiếp vào thị trường nhà ở”, ông Hải bổ sung.  

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.