Bình Dương rục rịch tính giá đất theo thị trường

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành các cấp để xác định giá đất tại địa phương này.

Một góc Bình Dương. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương đưa tin, sáng 19/2, lãnh đạo địa phương vừa có buổi làm việc về vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định giá đất và những vướng mắc, khó khăn trong việc xác định giá đất.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tính đến ngày 9/2, có 73 hồ sơ xác định giá cụ thể tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo 4 phương pháp (so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư) đang trong giai đoạn thực hiện.

Về tiến độ cụ thể, có 3 hồ sơ Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh trước ngày Nghị định số 12/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 5/2/2024) và kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định giá đất cụ thể theo phương án đã trình.

Có 70 hồ sơ chưa trình UBND tỉnh về phương án giá đất. Trong đó có, 23 hồ sơ đơn vị tư vấn chưa bàn giao chứng thư; 30 hồ sơ đã thông báo tìm đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể nhưng chưa có đơn vị tư vấn tham gia xác định giá.

17 hồ sơ đơn vị tư vấn đã bàn giao kết quả định giá để Sở TN&MT trình Hội đồng thẩm định giá đất tổ chức thẩm định. Tuy nhiên, kết luận của Hội đồng yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh chứng thư xoay quanh các nội dung như tiêu chuẩn, định mức hướng dẫn phương pháp định giá tại Thông tư, Nghị định còn quy định chung, chưa cụ thể, các yếu tố ước tính tổng doanh thu và tổng chi phí phát triển giả định của dự án không có tiêu chuẩn, định mức cụ thể. 

Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương giao cơ quan này chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh quy định cụ thể về một số tiêu chí nhằm áp dụng thống nhất trong phương pháp thặng dư theo thể thức văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng bằng quy trình rút gọn, trong đó quy định các yếu tố khác hình thành doanh thu bao gồm thời gian​ bán hàng, tỷ lệ bán hàng, tỷ lệ lấp đầy…; quy định cụ thể thời gian xây dựng, tiến độ xây dựng, chi phí quảng cáo, bán hàng, chi phí quản lý vận hành, lợi nhuận của nhà đầu tư… 

Lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo khẩn trương thành lập Tổ công tác liên ngành các cấp để xác định giá đất. Sở TN&MT rà soát, củng cố nhân sự giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện các nhiệm vụ.

Các sở, ngành, địa phương phối hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể theo hình thức Hội đồng hoạt động thường xuyên hoặc Hội đồng hoạt động theo vụ việc phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời giải quyết sớm các hồ sơ đơn vị tư vấn đã bàn giao kết quả định giá trình Hội đồng thẩm định giá đất tổ chức thẩm định.

Chiều cùng ngày tiếp tục diễn ra phiên họp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các dự án bất động sản trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với từng kiến nghị liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án, hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa đối với doanh nghiệp Nhà nước, thuê đất công, chuyển từ thuê đất hàng năm sang thuê đất một lần...  

Đơn cử như kiến nghị của CTCP Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa đối với dự án mở rộng hoa viên nghĩa trang Bình Dương; kiến nghị của CTCP Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương về việc xin gia hạn thời gian thực hiện dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo.

Kiến nghị chuyển từ thuê đất hàng năm sang thuê đất một lần cho cả thời gian thuê của CTCP Đầu tư và Phát triển Trí Việt, Công ty TNHH Tân Minh Trung…; kiến nghị liên quan đến dự án Cảng An Sơn của Tổng Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP.  

Trước đó, theo thông tin từ phiên họp diễn ra hồi tháng 8/2023, các doanh nghiệp bất động sản tại tỉnh này gặp khó khăn liên quan việc xác nhận số tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện dự án mà các tổ chức kinh tế được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.

Một số dự án bất động sản vướng mắc trong việc được chấp nhận chủ trương đầu tư do chưa có giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa được giao đất do chưa ký quỹ vì chưa có chủ trương đầu tư; xin phép được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án để được cấp giấy chứng nhận đầu tư; các dự án có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư để bổ sung mục đích kinh doanh chuyển nhượng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở.

Đối với lĩnh vực đất đai, tồn tại vướng mắc trong việc gia hạn sử dụng đất của doanh nghiệp; cũng như việc gia hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân.

Tháng 5/2023, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn. Một trong số những nội dung cần tập trung thực hiện là các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có liên quan tích cực, chủ động tái cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, giá cả, thời hạn và phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực. 

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến bắt đầu có doanh thu hàng nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.