Công nghệ có thể thay đổi thế giới nhưng lựa chọn nằm trong tay con người

"Công nghệ là thứ gần gũi nhất với ma thuật còn tồn tại trên thế giới này" - tỷ phú công nghệ Elon Musk.

"Work from home"

Từ giữa tháng 5 năm ngoái, Tố Uyên (25 tuổi) - nhân viên sáng tạo nội dung tại một công ty truyền thông ở Hà Nội, bắt đầu công việc ngày mới bằng cách mở laptop ngay trên giường ngủ vào 6h30 mỗi sáng. Uyên đã làm online toàn thời gian trong suốt 3 tháng, kể từ khi đại dịch bùng phát dữ dội và việc đi đến trụ sở công ty trở nên khó khăn.

Không riêng Uyên, nhiều người đã chọn cái bàn, góc giường ở nhà làm "văn phòng làm việc" trong những tháng ngày chống dịch. Xa hơn, "work from home" không chỉ còn có nghĩa là làm việc ở nhà, mà đã trở thành thuật ngữ cho phép người lao động có thể làm việc ở bất cứ đâu, quán ăn, tiệm cà phê, nhà hàng, quán nhậu, công viên, nhà sách... miễn là đảm bảo tiến độ.

Sự trợ giúp của công nghệ đã giúp cuộc sống trong đại dịch trở nên bớt khó khăn hơn với nhiều người. Các phần mềm trò chuyện trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Facebook Workplace,... đã biến những việc tưởng như phải gián đoạn vì dịch như làm việc, cưới xin, tổ chức sự kiện,... nay một bước "lên mây".

Bùng nổ các hoạt động trực tuyến đã giúp Zoom - một ứng dụng gọi video, trở thành một trong những công ty có giá trị vốn hóa tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào tháng 5/2020, đạt 48,8 tỷ USD - vượt qua tổng giá trị 46,2 tỷ USD trong cùng thời điểm của 7 hãng hàng không hàng đầu lúc đó. Ông Eric Yuan - người sáng lập kiêm chủ tịch Zoom cho biết vào những giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, đã có hơn 300 triệu người sử dụng mỗi ngày.

Tương tự, học tập vốn là hoạt động đòi hỏi phải đến trường lớp thực nghiệm thì nay cũng được số hóa bằng hình thức trực tuyến. Hàng triệu học sinh, sinh viên đã trải qua những năm học chỉ có màn hình laptop làm bạn.

Tại Việt Nam, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc cũng tiếp cận hình thức học tập từ xa, chủ yếu qua Zoom và Zalo - một nền tảng trò chuyện trực tuyến nội địa, bắt đầu từ giữa năm 2020. Ngoài ra, trên kênh truyền hình cũng phát các bài giảng để phục vụ cho việc học tại nhà.

Siêu ứng dụng

"Cà phê mang đi", “Đồ ăn mang về”, "Chỉ bán online"... đó là hàng loạt thông báo của các nhà hàng, quán ăn trong những ngày dịch diễn biến phức tạp. Dịch bệnh đã khiến dịch vụ giao đồ ăn tận nơi được ưa chuộng và đạt được những con số đáng kinh ngạc.

Khảo sát từ Nielsen Vietnam cho thấy trong thời điểm dịch bệnh, chỉ riêng lĩnh vực đặt đồ ăn online, có đến 62% khách hàng Việt Nam có xu hướng muốn mua đồ về nhà ăn. Khảo sát của Kantar thực hiện năm 2020 cũng cho kết quả tương tự khi 43% người dân TP HCM và 34% người dân Hà Nội đặt đồ ăn trực tuyền ít nhất một lần mỗi tuần. Đặc biệt, vì mối lo ngại dịch bệnh, người dân sẽ có hai lựa chọn mua đồ ăn là mua mang đi và đặt giao tận nhà, nhưng tỷ trọng đặt đồ ăn giao tận nhà lại cao gấp đôi so với mua mang đi.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng Grab trong mảng giao đồ ăn đã có trên 100.000 đối tác là nhà hàng, quán ăn tính đến giữa năm 2020, tương đương với hơn 800.000 lựa chọn món ăn được cung cấp. Do đó, chỉ cần ngồi nhà mở ứng dụng trên điện thoại thông minh, khách hàng có thể tiếp cận với số lượng món ăn như trên - thế mạnh mà các nhà hàng truyền thống không làm được.

Không chỉ đặt đồ ăn, trên cùng một ứng dụng, khách hàng cũng có thể sử dụng các dịch vụ khác như gọi xe, giao hàng, thanh toán hóa đơn điện nước, đặt vé tàu xe, vay tiêu dùng,... qua vài thao tác lướt chạm trên màn hình điện thoại.

Thuật ngữ siêu ứng dụng dùng để chỉ nền tảng tất cả trong một - những ứng dụng này thường được tích hợp nhiều công nghệ khác nhau, từ thanh toán điện tử, nhắn tin, tìm kiếm, giao nhận, đặt xe, đi chợ hộ đến kết bạn, tra cứu thông tin hành chính... Xuất hiện từ trước Covid-19, nhưng đại dịch mới là chất xúc tác để những siêu ứng dụng này bùng nổ.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Lựa chọn là của con người

Tỷ phú "ngông" nhất thế giới Elon Musk từng nhận xét:  "Công nghệ là thứ gần gũi nhất với ma thuật còn tồn tại trên thế giới này". Đúng là ma thuật nếu nhìn vào những gì công nghệ đã làm được trong đại dịch.

Chỉ hơn một thập kỷ trước, những bộ óc mơ mộng nhất cũng khó lòng hình dung viễn cảnh hàng tỷ người có thể kết nối với nhau thông qua màn hình điện thoại, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, sắc tộc.

Thế nhưng, có lẽ từ khi công nghệ phát triển, chưa lúc nào trong lịch sử của mình, con người lại cảm thấy cô đơn đến thế. Những lượt like trên Facebook, Instargram,... những kho phim, ứng dụng khổng lồ khiến người ta dễ dàng đắm chìm trong một thế giới riêng trên chiếc smartphone. Nhiều người lệ thuộc vào công nghệ đến mức sẽ không tìm được đường đi nếu thiếu Google Maps, không thể ngủ ngon nếu không nghe một bản nhạc trên Sportify, hoặc không thể có một bữa ăn tử tế nếu không dùng GoFood.

Và khi công nghệ giúp người ta có thể làm việc ở bất cứ đâu, nó vô tình khiến đời sống cá nhân bị lẫn lộn với công việc nơi công sở. Chủ tịch Zoom, ông Eric Yuan đã phải thốt lên rằng: "Trong một ngày, tôi phải tham gia 19 cuộc họp trên Zoom. Tôi ngán họp online lắm rồi".

Công nghệ quả thực đã góp phần kiến tạo cuộc sống ngày một tiện lợi và dễ dàng hơn, song để cuộc sống bị công nghệ chi phối từ tiếng chuông báo thức mỗi sớm mai đến dòng tin nhắn chúc ngủ ngon mỗi tối thì lại là lỗi của con người. Và người dùng, như thường lệ vẫn giữ quyền chủ động - bạn có thể lựa chọn đặt smartphone xuống hoặc không.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.