Theo Tiền phong thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đơn vị này đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm nay, tổng vốn thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp cả năm đạt khoảng 400 triệu USD (tăng 28,8% so với năm 2021).
Đồng thời, Hà Nội sẽ triển khai thành lập một khu công nghiệp mới và hoàn thành thủ tục đầu tư 2 - 3 khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý thu hút đầu tư 4 dự án mới vốn đăng ký một triệu USD và 450 tỷ đồng; 12 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 60 triệu USD và 30 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư 81 triệu USD quy đổi.
Số dự án thứ phát đang hoạt động hiện tại là 707 dự án; trong đó, có 305 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD; 402 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là 4.869 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước 238,5 triệu USD; xuất khẩu 3.124 triệu USD.
Theo đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội xác định hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn này, gồm: Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn 302,8 ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân, huyện Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh 300 ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín 112 ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương, huyện Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng 389 ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ; Khu công nghiệp Phụng Hiệp gần 175 ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi, huyện Thường Tín.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm. Thành phố còn thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).