Công nghệ, thuế và cuộc chiến thương mại giữa đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh Covid-19 gây tổn thất nặng cho nền kinh tế, thuế đang trở thành nguồn cơn gây mâu thuẫn lớn không chỉ giữa chính phủ các nước mà còn giữa các tập đoàn công nghệ lớn với chính quyền sở tại.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, chính phủ Mỹ đã cảnh báo họ sẽ áp mức thuế 100% đối với hàng hóa từ Pháp, bao gồm rượu sâm banh và pho mát, nhằm trả đũa việc nước này dự kiến đánh thuế 3% doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ lớn tại đây. 

Sau đó, Pháp chấp nhận hoãn lệnh áp mức thuế mới đến cuối năm 2020 để tránh chiến tranh thương mại, đồng thời hy vọng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ đưa ra một giải pháp đa phương phù hợp.

Đáng tiếc, cuộc chiến không có hồi kết. Thay vào đó, thế giới thay đổi chóng mặt và ngày càng trở nên phức tạp hơn. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dường như đã biến thành cuộc chiến quốc tế không thể tránh khỏi. 

Các chính phủ trên toàn thế giới phải thực hiện những nỗ lực đối phó với Covid-19 trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thuế. Nếu trước đây tìm điểm chung đã khá khó thì giờ đây, việc đó trở nên bất khả thi. Cách giải quyết duy nhất chính là sự hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới và những cường quốc đang bành trướng tầm ảnh hưởng.

Các trùm công nghệ, thuế và cuộc chiến thương mại giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ đang là thách thức với rất nhiều chính phủ. Ảnh: HBR

Những tình thế khó khăn

Ngân hàng Thế giới ước tính GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 5,2% và đây sẽ là cuộc suy thoái sâu nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỉ

Trong khi đó, Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến thu nhập quốc gia trong vài năm tới do đầu tư thấp, suy giảm nguồn nhân lực do mất việc làm và giáo dục, chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu bị gián đoạn và đình trệ. 

Nhiều chính phủ phải nỗ lực phi thường để giảm thiểu suy thoái và cung cấp chính sách hỗ trợ tài khóa cũng như tiền tệ cho người dân và các tập đoàn quốc doanh.

Từ lâu, những tập đoàn công nghệ như Google, Apple, Facebook và Amazon đã tìm ra vô số cách thức sáng tạo để giảm khoản thuế phải nộp cho chính phủ nước ngoài. Không như nhóm doanh nghiệp địa phương, họ không cần cơ sở hạ tầng vật chất, nhà máy hoặc nhà kho để kinh doanh. 

Việc họ không có "cơ sở thường trú" khiến mọi chính phủ sở tại gặp khó khăn khi khoanh vùng hoặc xác định hoạt động kinh tế của họ, chưa tính tới việc dự đoán lợi nhuận và thu thuế. 

Ngoài ra, chi phí chính của một công ty công nghệ là phát triển tài sản trí tuệ, không phải lao động, nguyên liệu thô hoặc năng lượng. Loại sản phẩm đặc biệt như vậy có thể dễ dàng chuyển chi phí và, do đó, cả lợi nhuận từ quốc gia có thuế cao sang quốc gia có thuế thấp. 

Vì thế, những tập đoàn công nghệ hiện là một trong những đối tượng sử dụng nhiều nhất các dịch vụ và kế hoạch chuyển đổi giá thành và thu nhập vô cùng sáng tạo.

Các tập đoàn công nghệ nằm trong tầm ngắm

Quá trình thay đổi hoạt động kinh doanh của các tập đoàn công nghệ đã đưa họ vào tầm ngắm thay cho nhóm doanh nghiệp địa phương trong hơn một thập kỉ qua nhưng đại dịch đã khiến tình hình thêm nghiêm trọng. 

Điều trớ trêu là trong giai đoạn bùng nổ đại dịch, khi các quốc gia đang phải gánh chịu nhiều tổn thất, những tập đoàn công nghệ vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường và ngày càng lấn át về doanh thu cũng như thị phần so với các doanh nghiệp địa phương. 

Các tập đoàn công nghệ đã tăng trưởng rất nhanh trong cuộc khủng hoảng bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi thuế toàn cầu. Ví dụ, Amazon đã chiếm phần lớn lợi nhuận mà lẽ ra sẽ được tích lũy cho các nhà bán lẻ địa phương để đóng thuế cho chính quyền. 

Các tờ báo địa phương và doanh thu quảng cáo của họ hiện cũng dần sang tay những đế chế khổng lồ như Facebook và Google. Do đó, các chính phủ phải đối mặt với một trong hai thách thức: buộc phải tài trợ cho sự phục hồi và phúc lợi địa phương trong khi không nhận đủ thuế từ những tập đoàn công nghệ đang gián tiếp chiếm đoạt nguồn thuế của họ. 

Vì vậy, nhiều chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài hướng tới nhóm tập đoàn lớn để bù đắp phần nào thâm hụt ngân sách.

Nhiều cuộc thảo luận về cách đánh thuế công bằng hơn với những tập đoàn công nghệ cũng đã diễn ra trong hơn một thập kỉ. Liên minh châu Âu (EU) và khoảng 137 quốc gia trong OECD ngày đêm nỗ lực để tìm ra một giải pháp chung xoay quanh việc đánh thuế dựa trên doanh thu. Mỹ đã tham gia vào các cuộc đàm phán và thảo luận đến tháng 6/2020, khi họ tuyên bố rút lui.

Việc Mỹ ngừng hợp tác và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia buộc phải thực hiện giải pháp đơn phương của riêng họ, làm trầm trọng thêm nguy cơ tranh chấp thuế và căng thẳng thương mại. 

Áo đã quyết định áp mức thuế 5% đối với doanh thu từ quảng cáo công nghệ. Ấn Độ và Vương quốc Anh ban hành mức thuế 2% có hiệu lực hồi tố. Tây Ban Nha và Canada đang xây dựng luật thuế 3%. Italy đã ban hành mức thuế 3% có hiệu lực hồi tố.

Gánh nặng của các loại thuế dựa trên doanh thu mới chắc chắn đã gây thiệt hại phần nào cho các tập đoàn của Mỹ và, tất nhiên, Nhà Trắng đã đe dọa sẽ trả đũa bằng các hạn chế thương mại và mức thuế quan riêng. 

Đồng thời, Washington tiến hành hàng loạt các cuộc điều tra thương mại để xác định những động thái áp thuế mới có phải là hành vi thương mại bất công hay không. Các nền kinh tế chịu ảnh hưởng bao gồm: Áo, Brazil, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ , Liên minh châu Âu. 

Nếu sự cố của Pháp là dấu hiệu đầu tiên thì cuộc điều tra của Mỹ hứa hẹn sẽ là một "quả bom nguyên tử thương mại gây thiệt hại nặng nề. Khi Mỹ áp thuế với Pháp, người tiêu dùng và nhà hàng Mỹ mua pho mát và rượu vang của Pháp cũng chịu thiệt hại không nhỏ. 

Vì vậy, bất mức thuế nào do Mỹ đặt ra không chỉ ảnh hưởng đến các công ty mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ và các công ty Mỹ mua hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài. Trong khi đó, đòn đáp trả từ các quốc gia khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất khẩu của Mỹ.

Tương lai ảm đạm 

Một cuộc chiến thương mại như vậy thực sự có hại cho tính ổn định và tiến bộ kinh tế toàn cầu và đặc biệt khủng khiếp khi thế giới đang cần phục hồi sau suy thoái lịch sử do đại dịch gây ra. 

Nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với chiến tranh lạnh kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu. Hơn nữa, cách tiếp cận đối đầu sẽ cản trở tiến bộ công nghệ của toàn nhân loại. 

Các chính phủ nước ngoài đang giải quyết mối lo ngại mới bằng cách ngăn cản việc mở rộng dịch vụ công nghệ và ban hành thêm nhiều quy định và điều luật mới. Cách tiếp cận này không chỉ gây hại cho sự phục hồi kinh tế mà còn khiến các gã khổng lồ công nghệ bỏ lỡ doanh thu tiềm năng và tăng trưởng thị trường.

Rõ ràng đây là thời điểm cần những cái đầu lạnh và bình tĩnh. Các chuyên gia HBR khuyến khích Mỹ tiếp tục tham gia và đóng vai trò định hướng trong cuộc thảo luận đa phương của OECD thay vì chỉ đe dọa làm trật bánh tiến trình chung. 

Bất cứ động thái áp thuế nào từ các quốc gia khác hiện nay có thể là quá vội vàng bởi OECD đã cam kết sẽ có một giải pháp tốt hơn. Trong khi đó, những tập đoàn công nghệ khổng lồ đang chuẩn bị sẵn sàng hơn để đóng góp cho nền kinh tế thế giới - điều rất cần thiết cho sự tăng trưởng và lợi nhuận của chính họ. 

Mới đây tỉ phú Mark Zuckerberg đã bày tỏ thiện chí hỗ trợ cải cách chính sách thuế ở châu Âu và thừa nhận rằng Facebook "có thể phải trả nhiều tiền hơn". Cách tiếp cận cởi mở và hợp tác sẽ là một giải pháp có lợi cho tất cả mọi bên.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.