Công nhân lao động Thủ đô đề nghị có thêm dự án nhà ở xã hội

Vấn đề nhà ở xã hội là vấn đề nổi cộm, căn cốt nhất trong những kiến nghị của công nhân lao động Thủ đô tại hội nghị đối thoại với công nhân của Chủ tịch TP Hà Nội. Đây cũng là nội dung cả hệ thống chính trị của Thành phố đang vào cuộc nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/TT).

Sáng 23/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024 tổ chức tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, huyện Quốc Oai.

Dự Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; các sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện có KCN đóng trên địa bàn; đại diện một số doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở và gần 300 công nhân lao động đại diện cho 3 triệu công nhân lao động đang làm việc tại Hà Nội.

Đáp ứng tối đa nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động

Tại Hội nghị, Phó tịch LĐLĐ TP Nguyễn Huy Khánh cho biết, Hà Nội có hơn 270.000 doanh nghiệp với khoảng 2,7 triệu lao động. LĐLĐ TP Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, với tổng số 9.208 Công đoàn cơ sở và trên 664.000 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có trên 5.780 Công đoàn cơ sở với 470.024 đoàn viên. 

Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn giữ được ổn định. Số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở… ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn. Các thiết chế về Hội đồng quan hệ lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động Thành phố đã được thành lập và hoạt động hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hội nghị chính là dịp để trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động tại các KCN&CX của Thành phố. 

Hội nghị đã tập trung vào những nội dung theo các nhóm lĩnh vực như: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…

Qua việc lắng nghe các ý kiến, đề xuất của công nhân lao động, vướng mắc nào có thể tháo gỡ, lãnh đạo Thành phố, các sở, ngành, đơn vị sẽ giải đáp ngay tại Hội nghị. Chính quyền Thành phố luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất và đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động, bởi điều đó chính là động lực để cho Thành phố phát triển.

Người lao động CTCP kết cấu thép Bình Phú nêu câu hỏi tại hội nghị đối thoại. (Ảnh: VGP/TT). 

Nhà ở xã hội là vấn đề nổi cộm

Nêu ý kiến tại hội nghị, anh Nguyễn Văn Nam (CTCP Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm), sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm Thành phố đã không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng. Trong khi hiện nay, trên địa bàn có nhiều KCN có nhiều công nhân, các cặp vợ chồng trẻ phải đi thuê nhà trọ. Vì vật, anh Nam đề nghị Thành phố xem xét phương án để có thêm các dự án nhà ở xã hội mới, cũng như các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

Cùng ý kiến về vấn đề nhà ở xã hội, anh Nguyễn Thịnh (CTCP kết cấu thép Bình Phú) cũng đề nghị Thành phố sớm ban hành thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có một số nội dung về giao đất, quyền lợi ưu đãi của chủ đầu tư hay việc xác định đúng đối tượng được mua.

Giải đáp những thắc mắc của công nhân lao động về vấn đề nhà ở, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, hiện có 58 dự án phát triển nhà ở xã hội. Sở Xây dựng Hà Nội đã trình xây dựng 4/5 dự án nhà ở xã hội tập trung. Với tổng 58 dự án, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. 

Đối với huyện Gia Lâm, hiện đang triển khai 1 dự án nhà ở xã hội ở Cổ Bi, với quy mô 22ha đang trình phê duyệt. Sau khi phê duyệt sẽ được triển khai đưa nhà ở xã hội vào phục vụ công nhân lao động. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tạo điều kiện để người lao động mua nhà ở xã hội, có những ưu đãi và trả tiền linh hoạt; vấn đề vay vốn sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vấn đề lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu mất nhiều thời gian; quy định về thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng… UBND Thành phố đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đất đai nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua trong năm 2024.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung và công nhân lao động tại các KCN nói riêng. Trong thời gian qua, Đảng, nhà nước, Thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên, Hà Nội triển khai còn chậm do nhiều nguyên nhân trong bối cảnh, mọi thủ tục, quy trình như thủ tục đầu tư, thủ tục thuê mua nhà đều được các cơ quan, ban, ngành triển khai rất thận trọng. 

Theo Chủ tịch TP Hà Nội, việc triển khai nhà ở xã hội còn chậm, đây là lỗi của Thành phố, của sở, ban, ngành, trong đó cả cả quận, huyện, thị xã liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhu cầu của công nhân lao động về mua, thuê nhà ở xã hội còn cách xa so với cung ứng của Thành phố. 

Vì vậy, UBND Thành phố đề nghị Sở Xây dựng cùng với sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân lao động.Ngoài chính sách của Trung ương, sắp tới khi Luật Thủ đô được thông qua sẽ có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng quà cho công nhân lao động. (Ảnh: VGP/TT). 

Tập trung nguồn lực xử lý ô nhiễm môi trường

Bàn về vấn đề xả thải, ảnh hưởng đến sức khỏe và tài nguyên môi trường, chị Nguyễn Thu Huyền - Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Sơn Tây cho biết, tình trạng xả nước thải dọc tuyến kênh tiêu Tây Ninh từ một số đơn vị sản xuất, chế biến nông sản thuộc xã Hiệp Thuận, của huyện Phúc Thọ xuống huyện Thạch Thất đã làm ô nhiễm nguồn nước mặt và không khí. Từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt cuộc sống của người lao động trên địa bàn các xã: Phú Kim, Hương Ngải, thị trấn Liên Quan, Canh Nậu, Dị Nậu (huyện Thạch Thất). Vì vậy, chị Huyền đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Nam, kênh tiêu Tây Ninh 1 là hệ thống kênh tiêu chính cho vùng sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Phúc Thọ và Thạch Thất, đây cũng là nguồn cung cấp nước tưới cho một số xã hạ lưu kênh: như xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ). Kênh tiêu Tây Ninh 1 do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích giao Xí nghiệp Thủy lợi Thạch Thất quản lý. Các cơ sở phát sinh nước thải trên địa bàn huyện Phúc Thọ xả thải trực tiếp nước thải không qua xử lý ra mương xuống Kênh tiêu Tây Ninh 1, gồm 3 cơ sở sản xuất tinh bột sắn thuộc giới hành chính xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), hiện các cơ sở này đã tạm dừng hoạt động do hết mùa vụ. 

Nội dung này UBND huyện Phúc Thọ đã có Văn bản số 709/UBND-TNMT ngày 29/3/2024 về việc giao Công an huyện, phòng Kinh tế, phòng TN&MT phối hợp với UBND xã Liên Hiệp kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở. Bên cạnh đó, HĐND TP. Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Tây Ninh - Ngòi Núc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội" và dự án "Cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Phùng Xá-Dị Nậu, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội" tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố làm Chủ dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện hai dự án này năm 2024 - 2027.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, Hà Nội là điểm đến lý tưởng nhưng môi trường là vấn đề cần quan tâm nhiều nhất. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực và chấn chỉnh các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; không vì lợi ích một nhóm người mà gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Thành phố hướng tới mục tiêu thực sự xanh và an toàn.

Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, những trao đổi của công nhân lao động tại Hội nghị là những ý kiến rất sát với thực tế đời sống, chính quyền lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của công nhân, những đề xuất từ cụ thể đến vĩ mô.Trước những kiến nghị của công nhân lao động, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao các sở, ban, ngành tiếp tục tháo gỡ; cái gì làm ngay thì phải xác định được thời gian, cái gì cần nghiên cứu thì phải có lộ trình, rõ qua điểm, cách làm.

Vấn đề nhà ở xã hội là vấn đề nổi cộm, căn cốt nhất trong những vấn đề đã nêu tại Hội nghị. Đây cũng là nội dung cả hệ thống chính trị của Thành phố đang vào cuộc nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch. Thành phố phấn đấu năm 2024 sẽ có những dự án khởi công và hoàn thành được, từ đó tạo ra quỹ nhà cho anh chị em công nhân. Đồng thời sẽ thực tế hơn quá trình tiếp cận, hồ sơ, thủ tục quy trình thực hiện; có chính sách hỗ trợ để người đáng được hưởng sẽ được hưởng; quan tâm đến một loạt thiết chế khác như thiết chế văn hóa để công nhân lao động ổn định cuộc sống, trong đó công tác khảo sát phải sâu sát và LĐLĐ Thành phố cần tiếp tục làm tốt công tác này. 

Về chính sách an sinh xã hội, Thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động về tiền lương, tiền công để có những quyết sách trình Hội đồng nhân dân cho phù hợp lộ tình phát triển Thủ đô trong thời gian hiện nay và thời gian tới…Với tinh thần lắng nghe thấu đáo tại Hội nghị hôm nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định đã tiếp thu và sẽ cùng với LĐLĐ Thành phố triển khai công việc bằng trách nhiệm cao nhất, giải quyết kiến nghị nhanh nhất để mong muốn của công nhân lao động.

Tại Hội nghị, UBND Thành phố đã trao 50 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 350.000 đồng. 

chọn
Hình ảnh KCN Sạch rộng gần 145 ha đang xây dựng ở huyện Ân Thi và Khoái Châu, Hưng Yên
Khu công nghiệp Sạch tỉnh Hưng Yên có quy mô 143,08 ha, tổng vốn đầu tư 1.788,59 tỷ đồng, hoạt động đến năm 2071 tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.