Chủ tịch VARS: Nhà nước nên đứng ra tạo lập các dự án NOXH, doanh nghiệp chỉ tham gia nhận thầu

Theo Chủ tịch VARS, muốn thị trường bất động sản phát triển đường dài thì vai trò làm nhà ở xã hội nên thuộc về Nhà nước, doanh nghiệp chỉ tham gia với tư cách đơn vị nhận thầu.

Tại buổi tọa đàm do Báo Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc CTCP G-Home nhận định thời gian qua, thị trường bất động sản nhiều nơi đã quá chú trọng phát triển các dự án du lịch, nghỉ dưỡng mà coi nhẹ những phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên không hẳn chỉ ở phía địa phương mà còn từ các yếu tố khác tác động như do tâm lý nhà đầu tư, do diễn biến thị trường địa ốc, do sự phát triển của ngành du lịch,...

 Một dự án nhà ở xã hội đang triển khai (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

“Nhìn nhận lại mức độ tăng trưởng của ngành du lịch, có thể thấy trong hơn 10 năm, chỉ số tăng trưởng ngành đều đạt 2 con số. Đến năm 2019, lượng du khách quốc tế tới Việt Nam đạt gần 19 triệu lượt khách, đây là con số hết sức ấn tượng.

Tuy nhiên, trải qua giai đoạn bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 thì chỉ số này đã bị sụt giảm. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu thu hút khoảng 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế, song theo tôi, để quay lại mức phát triển như năm 2019 cũng phải mất khoảng 2 - 3 năm nữa mới dần hồi phục.

Thời gian qua, bất động sản du lịch ở một số nơi đã phát triển quá nóng (xuất phát từ sự kỳ vọng quá cao vào tăng trưởng du lịch), điển hình như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn,... Trong khi đó, bất động sản nhà ở thực vẫn luôn là một trong nhu cầu cấp thiết nhất của người dân thị lại chưa được chú trọng.

“Đoàn tàu” bất động sản du lịch lao nhanh, chúng ta muốn phanh lại cũng không kịp. Khi thị trường địa ốc còn "ấm áp", các chủ đầu tư đã bị cuốn vào những dự án lớn với hy vọng bán được sản phẩm với giá cao. 

Chưa kể làm ở xã hội còn khó hơn nhà ở thương mại, khó hơn cả bất động sản du lịch. Trong khi các dự án nghỉ dưỡng chỉ cần triển khai trên đất thương mại dịch vụ là được, thì nhà ở xã hội lại phải nằm trong vùng quy hoạch đất ở, thậm chí trong vùng quy hoạch riêng về nhà ở xã hội.

Do đó, dẫn đến việc doanh nghiệp có xu hướng chọn phần dễ để làm trước. Điều này giống với chu kỳ trước của thị trường bất động sản. Giai đoạn khó khăn khi ấy, thị trường đã sống lại nhờ việc có các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp (điển hình như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng).

Vậy nên tôi nghĩ trong giai đoạn này, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ tập trung vào mảng nhà ở xã hội, vào phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực sẽ giúp thị trường sớm hồi phục”, ông Nam cho hay.  

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, với tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, mỗi năm trên cả nước thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở do phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới. Sự thiếu hụt nguồn cung đang tiếp tục đẩy giá nhà tăng cao hơn nữa, đặc biệt là loại hình nhà ở phục vụ nhu cầu thực

Đề xuất giải pháp cải thiện thực trạng này, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị trước hết, cần quy hoạch các quỹ đất dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, cần lưu ý chính sách phải phù hợp với nhu cầu riêng của từng khu vực, tránh tình trạng nơi cần không có, nơi không có nhu cầu thì lại triển khai nhiều dự án. 

“Phải coi nhà ở xã hội là dòng sản phẩm đặc biệt với cơ chế phát triển đặc biệt. Nguồn vốn và lãi suất cần được xem xét lại, chứ như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện tại, lãi suất dành cho các dự án vẫn rất cao. Cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà đều phải dè chừng khi tính toán số tiền trả lãi nếu đi vay vốn.

Đồng thời, quy trình thủ tục tiếp cận vốn cần đơn giản hoá hơn, đối tượng vay vốn cần mở rộng hơn. Dự án ở nhiều đang bị tắc nghẽn vì các vướng mắc liên quan đến đối tượng người mua nhà ở xã hội, chính sách của chúng ta cần thông thoáng, cởi mở hơn nữa.

Xét về dài hạn, tôi cho rằng vai trò làm nhà ở xã hội phải là của Nhà nước, đây sẽ là bên đứng ra tạo lập các dự án. Doanh nghiệp chỉ tham gia với tư cách đơn vị nhận thầu của Nhà nước để phát triển dự án. Khi đó, thị trường này mới bền vững và các bên đảm nhận đúng với vai trò.

Bên cạnh đó, với các dự án nhà ở công nhân, chủ các khu công nghiệp cũng phải có trách nhiệm lên phương án nhằm đảm bảo nhu cầu đời sống tối thiểu người lao động. Điều này cũng giống như việc họ phải đảm bảo đầy đủ các phương án về phòng cháy chữa cháy, về môi trường,... trước khi được giao và vận hành khu công nghiệp", vị chuyên gia đề xuất. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.