Mỗi lần đến năm học mới, con công nhân đang làm việc tại các KCN trong cả nước rất háo hức, phấn khởi. Cùng với nỗi mừng vui của các con là nỗi lo của cha mẹ.
Trước cổng Trường Tiểu học Phú Qưới A (xã Phú Qưới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) các em học sinh cùng cha mẹ nô nức đến trường. Xúng xính trong bộ đồng phục mới tinh, thơm phúc, các em được cha mẹ dắt tay đến trường trong niềm hân hoan, vui sướng. Những anh chị công nhân phải đi làm ca sáng cũng tranh thủ dậy sớm để đưa con đến trường, được dắt tay con vào lớp học để cùng con trải nghiệm không khí đến trường, đến lớp…
![]() |
Một nữ công nhân đưa con đến lớp. Ảnh: Nguyễn Nga. |
Giữa không khí đầy náo nhiệt, cha mẹ là CNLĐ nhắn nhủ các con: “Con bắt đầu đi học rồi, phải nghe lời thầy cô, chơi vui vẻ với bạn bè…”.
Với vẻ mặt rạng ngời, bé Nguyễn Phương Trang (Trường Tiểu học Phú Qưới A) vui vẻ cho biết: “Con học lớp 1 rồi, con vui lắm vì có nhiều thầy cô, bạn bè cùng chơi và được học nhiều chữ. Mẹ đưa con tới cổng trường, nhưng mẹ về luôn rồi vì còn phải đi làm Cty nữa. Mấy bữa trước, mẹ đi làm về rồi chở con ra chợ, mua quần áo mới để cho con đi học có quần áo đẹp.
Con sẽ học thật giỏi để cha mẹ vui lòng”. Bé Trần Tuấn Anh (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Phú Qưới A) thì hào hứng: “Con rất vui vì được lên lớp mới, được gặp lại bạn bè và thầy cô. Nghỉ hè con không được gặp các bạn con buồn lắm. Con lên lớp mới, vui vì được đi học và gặp các bạn”.
Tiếng trống trường vang lên, các em học sinh nhanh chóng xếp hàng; bố, mẹ học sinh - những người công nhân lại nhanh chóng lên xe đi làm cho kịp giờ điểm danh.
KCN Hòa Phú nằm trên địa bàn xã Hòa Phú (huyện Long Hồ) là một trong những KCN lớn của tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây thu hút hàng nghìn công nhân trên khắp cả nước đến làm việc. Bởi vậy, công nhân thường đưa con họ lên đây ở cùng, đi học cho tiện.
Tuy nhiên, con đi học, khó khăn cuộc sống, những vấn đề cần trang trải luôn là nỗi lo, là gánh nặng và sự trăn trở của nhiều bậc phụ huynh làm công nhân. Lương tháng vài ba triệu, không đủ để họ tồn tại và nuôi con học hành nếu như không biết chắt chiu, dành dụm.
Chị Lê Mai (quê Nghệ An, đang làm việc tại Cty Tỷ Xuân, KCN Hòa Phú) tâm sự: “Tôi làm việc ở đây được 5 năm rồi. Cuộc sống cũng khó khăn lắm, hai vợ chồng rồi hai đứa con, chăm sóc chúng khiến tôi cũng “chóng mặt”. Trước kia các con còn bé, thì chỉ tốn tiền ăn uống, sinh hoạt thôi. Giờ chúng lớn đi học rồi, khó khăn nhiều hơn, hằng tháng, còn tiền học, tiền ăn của con ở trường, rồi tiền phát sinh thêm...”.
Để có tiền cho con đi học, vợ chồng chị Mai đi bán sữa chua túi ở quanh chợ, trước cổng KCN, kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy. Chị Mai chia sẻ: “Tuy vất vả và rất mệt, nhưng nhìn các con lớn lên từng ngày, được đi học, tôi cũng vui”.
“Con tôi năm nay học lớp 1, rõ ràng là nó đi học mà tôi cứ ngỡ mình đang đi học. Cũng hồi hộp và lo lắng lắm. Vì là đứa con đầu tiên, lại xa nhà nên tôi cố gắng chăm cho con không thiếu thốn thứ gì, bằng bạn bè cả. Mấy bữa trước, tôi đi sắm quần áo mới cho con, dù nhà trường có đồng phục rồi, nhưng tôi vẫn mua như là quà động viên cháu học tốt. Con bé vui lắm, hôm nay khai giảng, mà đêm qua tôi trằn trọc khó ngủ” - chị Vân (quê Thanh Hóa, đang làm việc tại KCN Hòa Phú) chia sẻ.
![]() | 'Cái thiếu của Bảng xếp hạng ĐH là tỷ lệ SV ra trường có việc làm' Theo PGS.TS Lưu Văn An, tỷ lệ sinh viên ra trường sau một năm có việc làm và đúng chuyên ngành là yếu tố quan ... |