Trong Đại hội đồng cổ đông bất thường của Tập đoàn Công nghiệp Cao su (Mã: GVR) diễn ra ngày 26/2 vừa qua, ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco), đã có những chia sẻ về kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2021 - 2015 cũng như những khó khăn đối với ngành cao su phải đối mặt.
Ông Tuấn cho biết, theo kế hoạch vừa được thông qua năm 2021 - 2025, Donaruco đặt tiêu chí tăng quy mô hoạt động, với doanh thu cả giai đoạn tăng 170% so với 5 năm trước, rơi vào khoảng 17.141 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đại diện Donaruco cho biết công ty đã thông qua các đề án tái cơ cấu theo kế hoạch của GVR. Cụ thể theo kế hoạch, công ty sẽ phát triển cụm công nghiệp trong ngành gỗ và mở showroom tại Đồng Nai.
Ngoài ra, công ty cũng đã thông qua đề án phát triển sản phẩm mới về công nghiệp như chế tạo thiết bị khai thác mủ tự động.
Đây là giải pháp mới nhất mà Tổng Giám đốc Donaruco thông tin trước báo chí khi ngành cao su nói chung và Donaruco nói riêng đang đứng trước vấn đề về thiếu hụt lao động.
Theo chia sẻ của ông Tuấn, trong cơ cấu doanh thu của đơn vị, hằng năm khai thác và chế biến mủ cao su đóng góp khoảng 70 - 75% giá trị sản xuất.
Dự kiến 5 năm tới, tỷ trọng đóng góp của khai thác, sơ chế mủ cao su chỉ còn khoảng 40 - 50% tổng giá trị, cùng với đó là nâng dần tỷ lệ đóng góp của các lĩnh vực như chế biến gỗ, dịch vụ bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, hướng phát triển được chú trọng trong thời gian tới là dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp. Dự kiến đến năm 2025, tổng công ty sẽ chuyển đổi 2.000 ha đất cao su sang đầu tư khu công nghiệp, một lĩnh vực có doanh thu, lợi nhuận tốt.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2030, ngành cao su cũng sẽ đề xuất chuyển đổi tổng cộng hơn 18.000 ha từ quỹ đất cao su sang trồng cây nông nghiệp ngoài cây cao su; phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu dân cư và công trình hạ tầng xã hội tại các địa phương.
Ông Đỗ Minh Tuấn nêu quan điểm, "theo đánh giá thì môi trường hoạt động của các công ty trong ngành cao su sẽ thay đổi, đặc biệt là ở những địa điểm có tốc độ đô thị hóa nhanh như Bình Dương, Đồng Nai hay Bình Phước. Điều này sẽ dẫn tới diện tích cao su thu hẹp lại".
Đơn cử như việc sân bay Long Thành được xây dựng kéo theo các khu công nghiệp mọc lên, diện tích đất cao su theo đó cũng sẽ bị thu hẹp lại do sử dụng đất cao su để đền bù.
Do vậy, để thực hiện được những đề án phát triển trong 5 năm tới, Donaruco cũng có những mong muốn trước GVR cũng như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC).
Trong đó, Donaruco đề nghị CMSC cũng như GVR cho phép các công ty con được sử dụng nguồn lực, lợi nhuận còn lại để tài trợ các dự án và thực hiện đề án tái cơ cấu.
Về cơ chế đất đai, đại diện Donaruco đề nghị công ty được làm chủ các dự án đầu tư khi chuyển dự án đất trên đất cao su của mình.
Hơn nữa, ông Tuấn cho biết công ty đang có khoảng 215 ha đất dưới đồn điền, là đất ko đc phép khai thác nhưng lại buộc phải quản lý, buộc thu tiền sử dụng đất. Do đó Donaruco đề nghị được phép chuyển giao diện tích này cho địa phương và mong muốn có cơ chế để xử lý đất đai đang bị chồng lấn.
Điểm đáng chú ý là Tổng Giám đốc Donaruco cho biết số dư quỹ khoa học công nghệ của công ty đang rất lớn, nhu cầu cũng lớn nhưng chưa biết cách để nghiên cứu phát triển những ngành nghề mới. Công ty đề nghị GVR cũng như CMSC có cơ chế hướng dẫn công ty.