Chủ tịch GVR: 'Thị trường đang hiểu sai rằng GVR còn sở hữu quá nhiều cơ sở nhà đất'

Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Cao su đã có những trình bày trước cổ đông và báo chí để thị trường hiểu rõ hơn và yên tâm trước thông tin liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
GVR nói gì trước thông tin sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai? - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị GVR phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 26/2. (Ảnh: Minh Hằng).

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR), ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã phản hồi về một số thông tin liên quan đến sai phạm đất đai theo kết luận Thanh tra Chính phủ.

Ông Thuận cho biết, một số cơ quan báo chí đã đưa không rõ và không chính xác về việc tập đoàn đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định; thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định pháp luật. Ông Thuận khẳng định 12 vụ việc này không liên quan đến GVR.

Theo kết luận Thanh tra, tính đến ngày 31/12/2017, các đơn vị thuộc tập đoàn còn để hơn 10.710 ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và để diện tích đất chồng lấn giữa các công ty thuộc tập đoàn với những đối tượng khác, chủ yếu là người dân lên tới 1.737 ha.

Về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, GVR quản lý, sử dụng 759 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 1.200,39 ha, diện tích nhà là 1.176.187 m2 thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, Tập đoàn mới chỉ trình cơ quan chức năng phê duyệt xử lý 43 cơ sở; 716 cơ sở còn lại hiện chỉ mới hoàn tất công tác kiểm tra hiện trạng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho biết việc GVR cho thuê một phần diện tích văn phòng chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật và cho mượn đất làm nhà ở để bị lấn, chiếm chưa thu hồi được.

Ông Thuận cho biết tập đoàn đã gửi báo cáo chính thức tới Ban Tư tưởng văn hóa thành ủy, Sở văn hóa truyền thông và cả Ban Tuyên giáo Trung ương...Ông cho biết việc đưa tin chưa đúng của báo chí sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của tập đoàn.

"Thị trường đang hiểu sai rằng GVR còn sở hữu quá nhiều cơ sở nhà đất"

Kết luận thanh tra nêu rõ GVR có 759 khu vực đất đai thuộc khu vực phải xử lý sắp xếp.

Ông Thuận chia sẻ, trong số khu đất phải sắp xếp đó thì có trên 500 là chòi và trạm lấy mủ cao su và hoàn toàn nằm trong lô đất cao su.

Điều này "khác với những gì chúng ta đang hiểu là cơ sở nhà đất, trụ sở này, tòa nhà nọ hoặc khu đất thuộc trung tâm thị trấn", trích lời của vị Chủ tịch.

Ông Thuận cho biết, những trạm lấy mủ cao su đó mang tính lịch sử, có nơi hình thành từ thời Pháp, hơn 123 năm, và dễ thấy nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ.

Quá trình khai thác mủ tất nhiên phải có các trạm trú mưa nắng, nơi tập trung,...Chủ tịch HĐQT GVR cho biết đây chính là cơ sở nhà đất mà theo khái niệm của luật là chưa được rạch ròi.

"Chúng tôi là những người quản lý các khu đất này đã trao đổi rất nhiều với cơ quan thanh tra nhưng họ cho rằng quy định như vậy thì cứ ghi như vậy, sau này giải thích sau". Do đó, ông Thuận cho rằng thị trường đang hiểu sai rằng GVR còn sở hữu quá nhiều cơ sở nhà đất.

Thực ra, GVR chỉ sở hữu nhà đất đếm trên đầu ngón tay, chỉ vài ba cơ sở ở khu vực Hà Nội và TP HCM, còn lại là các trạm lấy mủ, lô, nhà máy chế biến thậm chí là nơi quản lý trực tiếp vườn cây gắn với người lao động, ông Thuận khẳng định.

2.000 ha đất chồng lấn chưa thể giải quyết được vì "mang tính lịch sử"

GVR nói gì trước thông tin sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: GVR.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su còn để hơn 10.710 ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và để diện tích đất chồng lấn giữa các công ty thuộc tập đoàn với những đối tượng khác, chủ yếu là người dân lên tới 1.737 ha.

Người đứng đầu GVR chia sẻ, thứ nhất, các mảnh đất mà GVR nhận về từ nông lâm trường để chủ trương phát triển cao su là trường hợp không được chuyển đổi rừng và không phù hợp để trồng cao su, "đất đó chúng tôi gọi là đất rừng".

Thứ hai, GVR không có chức năng quản lý rừng, do đó theo thời gian người dân đã xây dựng, trồng trọt trên các thửa đất này và chính trạng thái đã khiến cơ quan chức năng gọi là lấn chiếm, ông Thuận chia sẻ.

Tính đến thời điểm diễn ra Đại hội, GVR đã trả lại cho địa phương hơn 8.000 ha đất, trên dưới 2.000 ha đất còn lại này vẫn chưa thể giải quyết được.

Lý do ông Thuận đưa ra là các mảnh đất này "mang tính lịch sử", người dân đã ở đây vài chục năm, trước khi tập đoàn trồng cao su, dù trên giấy tờ pháp lý đây là đất của GVR. Ông cho rằng diện tích này không quá lớn so với 400.000 ha chồng lấn trên cả nước.

Ông Thuận đồng thời cũng khẳng định "không có ngụ ý là cơ quan thanh tra sai, nhưng ở đây tôi muốn giải thích nội hàm để các cổ đông hiểu rõ hơn và yên tâm".

Kết luận lại, phương án mà tập đoàn đưa ra là trả lại cho địa phương để địa phương hợp thức hóa cho người dân. Như vậy "vừa có đạo lý, vừa có trước vừa có sau, vừa đảm bảo tính pháp lý", ông Thuận nhấn mạnh.

chọn
Thói quen M&A bất động sản của nhà đầu tư đang thay đổi
Thị trường bất động sản 2024 đã chứng kiến xu hướng M&A mới. Thay vì chỉ tập trung vào dự án đã hoàn thành pháp lý, có giấy phép xây dựng, nhà đầu tư dần chấp nhận dự án chưa đủ thủ tục pháp lý.