Tham dự có sự hiện diện của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đại diện các Sở, Ban ngành tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo tập đoàn IPPG và các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước Viện Qui hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia – VIUP, KPMG và Boston Consultanting Group (BCG).
Thông qua việc kí kết này, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý đề xuất của IPPG về việc tài trợ chi phí tổ chức lập chiến lược tổng thể phát triển; lập, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong; tham gia cùng Ban Quản lí KKT Vân Phong xây dựng đề án xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phát triển khu vực này và hỗ trợ Tỉnh trong quá trình thu hút các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, KKT Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2006 và phê duyệt Qui hoạch chung tại Quyết định số 380 ngày 14/3/2014. Tổng diện tích KKT rộng khoảng 1.500 km² trong đó phần trên biển rộng tới 800 km².
KKT Vân Phong đã thu hút khoảng 158 dự án đầu tư (129 dự án trong nước và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng kí khoảng 4,1 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 1,15 tỉ USD đạt 29% vốn đăng kí. Trong đó đã có 91 dự án đi vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Khánh Hòa.
Theo ông Tuân, vừa qua Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 783/TTg-QHĐP ngày 23/6/2020 về việc đồng ý cho UBND tỉnh Khánh Hòa tạm dừng triển khai lập Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Đồng thời ban thường vụ tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương xã hội hóa kinh phí lập qui hoạch khu vực này.
"Với những nội dung hợp tác, hỗ trợ về nghiên cứu đề xuất chiến lược phát triển tổng thể và tài trợ công tác tổ chức lập qui hoạch, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ xúc tiến đầu tư của IPPG, tỉnh Khánh Hòa kì vọng KKT Vân Phong sẽ phát huy được tiềm năm và thế mạnh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực", ông Tuân cho biết.
Theo IPPG, sau lễ kí kết, các bên thống nhất cùng phối hợp nghiên cứu và hoàn thiện Đề án theo định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên ngày 3/8/2020 vừa qua.
Theo đó, việc xây dựng Đề án phải đảm bảo tính đồng bộ thống nhất của các quy hoạch có liên quan, đặc biệt có tính tới việc liên kết các vùng giữa Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa trong việc phát triển kinh tế, du lịch, đầu tư hạ tầng chung, tránh chồng chéo và cạnh tranh trong vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh giữa 2 tỉnh.
Đồng thời, KKT Vân Phong sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vào nhóm các KKT ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư.
Cùng với các công ty tư vấn uy tín trong và ngoài nước, việc rà soát và điều chỉnh chiến lược, định hướng kinh tế sẽ bám sát vào các nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư, các cơ chế chính sách đề xuất sẽ đánh giá tới yếu tố cạnh tranh, thu hút đầu tư so với các nước khu vực lân cận.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước đang nỗ lực mở cửa để bắt kịp sự thay đổi của kinh tế toàn cầu hiện nay, và thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia đang có kế hoạch chuyển dịch định hướng đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đề án cần đảm bảo việc thu hút đầu tư sau này sẽ đạt được yếu tố hấp dẫn, thuận lợi và đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn sau khi Qui hoạch chung được xem xét và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết, IPPG không xin giao đất, không xin ân nghĩa chỉ xin bỏ tiền làm qui hoạch và sẽ tham gia đấu giá cùng các doanh nghiệp khác.
Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, IPPG sẽ tài trợ khoảng 5 triệu USD để lập qui hoạch toàn KKT Vân Phong rộng khoảng 155.000 ha. Dự kiến quí II/2021 sẽ hoàn thành qui hoạch.
"Qui hoạch KKT Vân Phong có sự liên kết với khu vực Nam Phú Yên nên chúng tôi đã làm việc và kêu gọi được khoảng 200 nhà đầu tư trên thế giới với số vốn lên đến 60 tỉ USD. Sau khi thăm dò, các nhà đầu tư rất phấn khởi nhưng chúng ta cần có những cơ chế, đặc thù để thu hút đầu tư", ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết.