Malaysia là nơi mà người ta tạo ra tài sản lớn trong nhiều năm. Các gia tộc tỉ phú Kuok, Teh và Quek đã lần lượt gây dựng gia tài trong ngành dầu cọ, bất động sản và ngân hàng.
Đại dịch Covid-19 đã biến ngành cao su nói chung và ngành sản xuất găng tay nói riêng - với những sản phẩm có biên lợi nhuận rất thấp ở Malaysia - trở thành ngành hấp dẫn.
Hồi thập niên 80, Wong Teek Son, người sáng lập tập đoàn Riverstone, là một nhà nghiên cứu hóa học. Nhưng vào tháng trước, ông trở thành tỉ phú USD thứ năm của Malaysia trong ngành sản xuất găng tay cao su, theo Bloomberg.
Hiện tại, gia sản của Wong có giá trị 1,2 tỉ USD do giá cổ phiếu của công ty tăng gần 6 lần từ mức rất thấp hồi tháng 3. Giá cổ phiếu Rivestone tăng nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hộ tăng vọt trong đại dịch Covid-19.
Tốc độ và cường độ bùng nổ của ngành găng tay cao su đã vượt quá khả năng tưởng tượng của nhiều người, song một số dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ ấy có thể đảo chiều rất nhanh trong bối cảnh nỗ lực nghiên cứu cách điều trị và vắc xin ngừa Covid-19 đang tiến triển.
Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên chính phủ đã phê duyệt việc sử dụng một loại vắc xin ngừa Covid-19. Ở Mỹ, tập đoàn Johnson & Johnson và công ty Moderna đã kí thỏa thuận với chính phủ để cung cấp các loại vắc xin ngừa Covid-19. GIá cổ phiếu của Rivestone đã giảm 13% trong tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3.
Mặc dù sự xuất hiện của một vắc xin ngừa Covid-19 sẽ không thể làm giảm nhu cầu đối với găng tay cao su, có thể các nhà đầu tư vẫn bán cổ phiếu của ngành găng tay vì họ dự đoán số ca nhiễm nCoV sẽ giảm. Đó là nhận định của Alan Lim, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu RHB tại Malaysia.
Trong ngành sản xuất găng tay cao su, Malaysia là "vua". Hiện tại, Malaysia sản xuất khoảng 65% găng tay cao su của thế giới, và giới chức ước tính sản lượng găng tay xuất khẩu của Malaysia sẽ tăng 45% trong năm nay.
Hartalega và Top Glove, hai nhà sản xuất găng tay ở Malaysia, đang thuộc nhóm 5 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Malaysia. Giá cổ phiếu của cả hai tập đoàn đã tăng hơn 192% trong năm nay, khiến giá trị tài sản của các nhà sáng lập tăng vọt.
Sự trỗi dậy của ngành găng tay cao su ở Malaysia tạo ra nhu cầu rất lớn đối với người lao động nước ngoài, dẫn tới nhiều tranh cãi về cách đối xử với họ. Tháng trước, Mỹ cấm nhập khẩu găng tay từ hai công ty con của Top Glove do họ phát hiện bằng chứng về việc sử dụng lao động cưỡng bức.
Ban lãnh đạo Top Glove tuyên bố rằng, trong khi họ đang thảo luận với giới chức Mỹ về lệnh cấm, nhu cầu mua găng tay cao su ở những nước khác tiếp tục tăng do đại dịch tái bùng phát.