Trong phiên giao dịch ngày 15/3, cổ phiếu của Credit Suisse có thời điểm giảm 31% xuống mức thấp kỷ lục mới. Giá trái phiếu cũng tụt xuống mức cho thấy Credit Suisse đang bị căng thẳng tài chính trầm trọng. Đây là điều hiếm khi xảy ra tại một ngân hàng lớn trên toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cùng lúc, các ngân hàng giao dịch với Credit Suisse đã nhanh chóng mua các hợp động hoán đổi rủi ro tín dụng. Trong trường hợp cuộc khủng hoảng của Credit Suisse trở nên tồi tệ hơn, các ngân hàng đối tác sẽ được bồi thường.
BNP Parisbas của Pháp lo xa hơn khi thông báo cho khách hàng rằng họ sẽ không chấp nhận yêu cầu tiếp quản hợp đồng phái sinh nếu Credit Suisse là phía đối tác, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho hay.
Trong suốt nhiều tháng qua, nhiều ngân hàng Mỹ đã thực hiện các bước để giảm dần mức độ tiếp xúc với gã khổng lồ ngân hàng Thụy Sỹ do lo ngại rủi ro từ một loạt bê bối của Credit Suisse.
Khi cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, các nhà chức trách Thụy Sỹ đã tìm cách ngăn chặn thiệt hại. Họ đưa ra một tuyên bố vào buổi tối, cam kết cung cấp tài chính khẩn cấp cho Credit Suisse nếu cần.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Mark Heppenstall - Chủ tịch của Penn Mutual Asset Management - nhận định: “Mức độ bán tháo đã phần nào cho thấy một cuộc khủng hoảng niềm tin vào Credit Suisse. Mọi người đang tìm các cách khả thi để bảo vệ mình”.
Tâm lý hoảng loạn hôm 15/3 được châm ngòi bởi một tuyên bố từ cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi. Khi Chủ tịch ngân hàng là ông Ammar Al Khudairy được hỏi liệu ông có muốn bơm thêm tiền vào Credit Suisse hay không, ông trả lời “rõ ràng là không”.
Thông tin trên không mới, bởi Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi đã duy trì lập trường đó một thời gian. Song, nó đủ sức khiến các nhà đầu tư vốn đã bất an càng thêm lo lắng sau khi ba ngân hàng khu vực của Mỹ sụp đổ chỉ trong vài ngày.
Sau đó, cả cổ phiếu và trái phiếu của Credit Suisse cùng lao dốc. Theo các nguồn tin, số lượng yêu cầu mua hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng một năm đã tăng vượt hợp đồng dài hạn hơn, khi các ngân hàng cố gắng tìm cho mình một lá chắn cho tương lai gần.
Các chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Credit Suisse đã hồi phục một phần sau thông báo của chính phủ Thụy Sỹ nhưng vẫn giảm 14% khi kết thúc phiên giao dịch ở New York.
Nỗi đau đã xâm chiếm phần còn lại của lĩnh vực ngân hàng, cổ phiếu của Morgan Stanley và Citigroup đều giảm hơn 5%. Trong khi đó, cổ phiếu của JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Wells Fargo đều mất hơn 3%.
Tất cả diễn biến trên cho thấy nhà đầu tư toàn cầu đang lo lắng không yên như thế nào về số phận của Credit Suisse cũng như rộng hơn là nền kinh tế toàn cầu đang rung lắc dữ dội khi các ngân hàng trung ương tìm cách khắc chế lạm phát.
Nỗi lo sợ suy thoái kinh tế đã khiến giá dầu thô tại Mỹ tụt xuống dưới mức 70 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2021.
Giữa lúc hỗn loạn, nhà đầu tư lại càng bất an hơn trước khả năng bất ổn của hệ thống ngân hàng bắt đầu gây hại cho thị trường vốn đồng USD.
Ông Scott Kimball, Giám đốc bộ phận thu nhập cố định tại Loop Capital Asset Management, cho hay: “Không giống các ngân hàng khu vực đã sụp đổ ở Mỹ, Credit Suisse là một tổ chức ngân hàng rất quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu”.
“Những vấn đề dai dẳng tại Credit Suisse đã gây ra những rắc rối lớn hơn cho thị trường tín dụng. Họ [ban lãnh đạo Credit Suisse] dường như không thể điều khiển con tàu đi đúng hướng”, ông nói thêm