Fed và khối trái phiếu 117 tỷ USD đẩy Silicon Valley Bank vào cảnh sụp đổ

Mua trái phiếu khi lãi suất thấp rồi phải bán vào lúc lãi suất cao chắc chắn sẽ dẫn tới thua lỗ, từ các ngân hàng trung ương của Mỹ và Thụy Sỹ tới ngân hàng thương mại như Silicon Valley Bank (SVB) đều không thể thoát khỏi quy luật bất biến này.

Fed đã tăng lãi suất 8 lần liên tiếp từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2023.

Chiến dịch nâng lãi suất mạnh tay nhất 40 năm

Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) hôm 6/3 chính thức công bố khoản lỗ 132,5 tỷ franc, tương đương 141,5 tỷ USD, khớp với ước tính đã thông báo hồi tháng 1. Đây là khoản lỗ lớn chưa từng thấy trong lịch sử 115 năm của ngân hàng trung ương này.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng thua lỗ liên tục từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023. Tính đến ngày 8/3 vừa qua, tổng số lỗ của Fed là 40 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu của các khoản lỗ này là Fed và nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) khác cùng tăng mạnh lãi suất kể từ tháng 3/2022 để chống lạm phát, khiến cho giá trái phiếu đi xuống. Bảng cân đối kế toán của các NHTW lại đầy trái phiếu được mua thời kỳ đại dịch, giờ đây giá giảm dẫn tới thua lỗ nặng.

Lãi suất tăng làm cho mẫu số trong công thức định giá trái phiếu tăng lên, kéo theo giá trái phiếu giảm xuống.

Một ngân hàng thương mại như Silicon Valley Bank (SVB) trụ sở ở Santa Clara, bang California cũng không tránh khỏi thiệt hại khi lãi suất tăng.

Làn sóng rút tiền

Việc Fed nâng lãi suất khiến cho thị trường cổ phiếu trở nên ảm đạm. Nhà đầu tư tránh xa những cổ phiếu bị cho là mạo hiểm như nhóm công nghệ, các doanh nghiệp startup chưa làm ra lợi nhuận. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite lao dốc 33,5% trong năm 2022, tiêu cực hơn nhiều so với các chỉ số thị trường khác như S&P 500 hay Dow Jones.

Sự lạnh nhạt của nhà đầu tư làm cho số thương vụ chào bán cổ phiếu để huy động vốn (bao gồm IPO) sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp không thể trông chờ vào việc bán cổ phần nên đã phải rút bớt tiền gửi trong ngân hàng để trang trải chi phí.

Trong số những công ty này có nhiều khách hàng của Silicon Valley Bank (SVB). Chỉ riêng trong ngày 9/3/2023, các nhà đầu tư và người gửi tiền của SVB đã rút 42 tỷ USD, tương đương 20% tổng tài sản của ngân hàng này vào ngày cuối năm 2022.

Lỗ nặng vì trái phiếu

Khi có quá nhiều khách hàng đến rút tiền, Silicon Valley Bank (SVB) đã phải bán 21 tỷ USD trái phiếu vào ngày 8/3 để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

(Minh họa: Song Ngọc).

Số trái phiếu này chủ yếu do Kho bạc Mỹ phát hành, được SVB mua trong thời kỳ đại dịch 2020 – 2022 khi tiền còn rẻ và mặt bằng lợi suất đang thấp.

Khi lợi suất tăng lên, giá trái phiếu giảm đi nhưng nhiều ngân hàng không hạch toán khoản lỗ này vào báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý. Chỉ đến khi bán trái phiếu, các ngân hàng mới phải ghi nhận mức chênh lệch trong giá trái phiếu. Không ít nhà đầu tư giật mình hoảng hốt khi ngân hàng của mình đột ngột thông báo khoản lỗ khổng lồ, dù làn sóng tăng lãi suất đã diễn ra được một năm.

Theo báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2022, SVB đang nắm giữ 117 tỷ USD trái phiếu các loại, bao gồm 26 tỷ USD trái phiếu sẵn sàng để bán (available for sale, AFS) với lợi suất trung bình 1,56%; và hơn 91 tỷ USD trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn (held to maturity, HTM) với lợi suất bình quân 1,66%.

Đầu tháng 3 này, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm đã vượt ngưỡng 5%, kỳ hạn 10 năm vượt 4%. Mua trái phiếu với lợi suất thấp và bán khi lợi suất đã lên cao khiến SVB thua lỗ 1,8 tỷ USD trong ngày 8/3.

 

SVB hiểu rõ sự nguy hiểm khi nắm giữ trái phiếu trong môi trường lãi suất tăng. Báo cáo thường niên 2022 của SVB có đoạn viết: “Giá trị hợp lý của danh mục trái phiếu sẵn sàng để bán (AFS) của chúng tôi giảm 2,4 tỷ USD, phản ánh việc lãi suất đi lên”. 

Ở danh mục trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), SVB ghi nhận khoản lỗ chưa thực hiện tính đến ngày 31/12/2022 là hơn 15,2 tỷ USD.

Trái phiếu có kỳ hạn càng dài thì giá càng biến động mạnh khi lãi suất thay đổi.

Silicon Valley Bank không phải trường hợp cá biệt

Trong hai năm 2021 và 2022, Mỹ không có ngân hàng thương mại nào đổ vỡ, cần Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) can thiệp. Nói cách khác, SVB là ngân hàng đầu tiên sụp đổ kể từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, SVB không phải là nhà băng duy nhất gặp khó trong môi trường lãi suất tăng.

Báo cáo ngày 28/2/2023 của Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho thấy các ngân hàng và tổ chức nhận tiền gửi được FDIC bảo hiểm đang ghi nhận khoản lỗ chưa thực hiện 620 tỷ USD trong danh mục chứng khoán đầu tư tại ngày 31/12/2022, như biểu đồ dưới đây cho thấy.

Trước đó vào quý III, số lỗ chưa thực hiện (unrealized losses) lên tới 690 tỷ USD, kỷ lục trong ít nhất 15 năm.

Tại ngày cuối năm 2022, các định chế tài chính được FDIC bảo hiểm ghi nhận lỗ chưa thực hiện 620 tỷ USD trong danh mục chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) cũng như nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).

“Các khoản lỗ chưa thực hiện này có thể biến thành lỗ thật nếu các ngân hàng cần phải bán chứng khoán để đáp ứng nhu cầu thanh khoản”, Chủ tịch FDIC cảnh báo hôm 28/2, đúng một tuần trước khi Silicon Valley Bank phải bán 21 tỷ USD trái phiếu vì khách hàng rút tiền nhiều, chịu lỗ 1,8 tỷ USD rồi sau đó sụp đổ và FDIC bước vào tiếp quản.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.