Sau phiên lao dốc hơn 1.000 điểm, Dow Jones giảm tiếp gần 900 điểm, thổi bay 1.700 tỉ USD vốn hóa sau hai ngày

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đà giảm sâu trong phiên 25/2, sau khi xuất hiện thêm thông tin đáng ngại liên quan tới dịch virus corona (SARS-CoV-2), hàng nghìn tỉ USD vốn hóa đã bị thổi bay khỏi thị trường.

Theo CNBC, nhiều nhân tố kết hợp đã làm nhà đầu tư hoảng loạn, và đẩy chỉ số Dow Jones từ xanh sang đỏ. Trong đó phải kể đến việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm rơi xuống đáy lịch sử, và phát biểu của quan chức y tế cảnh báo khả năng dịch bệnh bùng phát tại Mỹ.

Kết phiên 25/2, Dow Jones sụt 879,44 điểm, tương đương 3,15%, còn 27.081 điểm. Đầu phiên có lúc chỉ số này tăng hơn 180 điểm. Trước đó vào phiên 24/2, Dow Jones đã giảm hơn 1.030 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này có hai phiên liên tiếp giảm trên 800 điểm.

Chỉ số S&P 500 cũng sụt trên 3% phiên thứ hai liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,8% và đóng cửa dưới ngưỡng 9.000 điểm và dưới mức khởi đầu năm 2020.

Theo thống kê của S&P Dow Jones Indices, chỉ số S&P 500 đã mất 1.700 tỉ USD vốn hóa sau hai ngày bán tháo 24-25/2.

Sau phiên lao dốc hơn 1.000 điểm, Dow Jones sụt tiếp gần 900 điểm, 1.700 tỉ USD vốn hóa bay hơi sau hai ngày - Ảnh 1.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 25/2. Nguồn: Bloomberg.

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán National Securities, nhận định: "Biến động là chuyện bình thường của thị trường. Điều đáng sợ ở đây là sự lao dốc từ đỉnh lịch sử này xảy ra quá nhanh và đột ngột".

"Cộng thêm tâm lí 'chúng ta không biết tình hình sẽ tồi tệ đến đâu', nhà đầu tư có thể có cảm giác thị trường giảm không biết khi nào mới là đáy", ông Hogan nói thêm.

Giữa tháng 2 này, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn còn đồng loạt lập đỉnh lịch sử mới. Hiện nay, Dow Jones và S&P 500 đã thấp hơn khoảng 8% so với đỉnh mấy ngày trước. Chỉ số Nasdaq Composite hiện ở dưới đỉnh ngày 19/2 khoảng 8,9%.

Các cổ phiếu công nghệ như Apple và Facebook đã rơi hơn 10% khỏi đỉnh, và hiện ở trong vùng điều chỉnh.

Trong phiên 25/2, thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu đi xuống khi các quan chức của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) cảnh báo người dân Mỹ hãy chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch virus corona bùng phát trong nước.

"Chúng tôi mong toàn thể người dân Mỹ hãy hợp tác với chúng tôi, để chuẩn bị cho kịch bản tình hình dịch bệnh xấu đi", Tiến sĩ Nancy Messonnier, một quan chức cấp cao của CDC nói với các phóng viên qua điện thoại.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định virus corona đến nay vẫn đang được kiểm soát tốt ở Mỹ, và tăng trưởng kinh tế chưa bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhưng chứng khoán vẫn đi xuống, nhà đầu tư còn lo ngại khi diễn biến trên thị trường trái phiếu cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới có nguy cơ chậm lại. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm còn 1,33%, mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Lợi suất kì hạn 30 năm cũng rơi xuống đáy. Lợi suất giảm đồng nghĩa với giá trái phiếu tăng.

Lợi suất đi xuống cũng tạo áp lực lên cổ phiếu ngân hàng. Bank of America mất 5% trong khi JP Morgan giảm 4,5%; Citigroup và Wells Fargo sụt lần lượt 4,3% và 2,7%.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.