11.500 tỷ USD thời Trump bay hơi khỏi thị trường chứng khoán Mỹ

Covid-19 xóa sạch toàn bộ tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump thắng cử hồi tháng 11/2016.

Theo Business Insider, đợt bán tống bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 12/3 đã xóa sạch mọi tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ, từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử hồi tháng 11/2016.

Hôm 12/3, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc tới 8%, do giới đầu tư lo ngại tác động của dịch Covid-19 và và nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái. Chỉ số Dow Jones rơi tự do 10% xuống 21.200,62 điểm, S&P và Nasdaq cũng bay hơi hơn 9%.

Tổng giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ - theo ước tính của Russell 3000 - đã sụt giảm tới 11.500 tỉ, USD từ đỉnh cao 23.800 tỉ USD đạt được hôm 19/2.

Như vậy, quy mô của thị trường chứng khoán Mỹ đã co lại bằng với thời điểm ông Trump chiến thắng trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11/2016.

11.500 tỷ USD thời Trump bay hơi khỏi thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán rơi tự do là mối lo ngại lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: New York Times).

Không lường trước phản ứng của thị trường

Trước đó, Tổng thống Trump và các quan chức nội các Mỹ nhiều lần khẳng định dịch Covid-19 không phải là mối đe dọa với người dân và nền kinh tế Mỹ, dù hiện tượng bán tháo cổ phiếu bắt đầu bùng lên từ cuối tháng 2.

Ngày 25/2, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của ông Trump, thậm chí còn khẳng định dịch Covid-19 đã bị kiềm chế. Khi tình hình trở nên nghiêm trọng, Nhà Trắng mới bắt đầu hối hả tìm giải pháp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.

Mới đây, các nghị sĩ đảng Dân chủ kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp và tung một gói kích thích tài chính. Ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và kêu gọi bơm 1.500 tỉ USD vào thị trường.

Sau khi ông Trump đắc cử, thị trường chứng khoán Mỹ tăng đột biến, khi các nhà đầu tư kì vọng tỉ phú địa ốc New York nới lỏng các hạn chế tài chính, hỗ trợ ngành sản xuất và áp dụng chính sách ngoại giao có lợi cho nền kinh tế.

Năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục cắt giảm thuế, tạo cú hích mới cho thị trường chứng khoán. Trong suốt năm 2019, giá cổ phiếu tăng khoảng 29% bất chấp thương chiến Mỹ - Trung và các cảnh báo về nguy cơ suy thoái.

11.500 tỷ USD thời Trump bay hơi khỏi thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang rơi tự do. (Ảnh: Getty Images).

Tuy nhiên, dịch virus corona chủng mới có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) lây lan nhanh tại châu Âu và Mỹ, cộng với cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, đã xóa sạch mọi tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ chỉ trong vỏn vẹn 20 ngày.

Ngày 9/3, giá dầu trải qua ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1991, khi sụt giá tới 32%. Cú sốc này khiến thị trường chứng khoán đỏ rực và lao đao trong phiên giao dịch thảm hại nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

FED đã bơm thêm hàng tỉ USD vào thị trường tài chính, nhưng giá cổ phiếu hôm 12/3 vẫn lao dốc gần 9%. Theo CNBC, nhiều khả năng trong phiên giao dịch 13/3 (giờ Mỹ), các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq sẽ tiếp tục rơi tự do.

Thị trường châu Á cũng sốt cao

CNBC cho biết trong phiên giao dịch 13/3, các thị trường châu Á cũng đồng loạt lao dốc không phanh. Sàn giao dịch Thái Lan tuyên bố tạm ngừng mọi giao dịch sau khi chỉ số SET rơi tự do 10%.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 bay hơi tới 7,97% trong buổi sáng. Đến nay Nikkei 225 đã sụt tới hơn 20% so với mức đỉnh. Chỉ số Topix cũng giảm 7,2%.

Tình hình ở Australia, Hàn Quốc và Hong Kong cũng vô cùng ảm đạm. Chỉ số S&P/ASX 200 hạ 5,86% sau khi đã sụt hơn 7% hôm 12/3. Chỉ số Kospi và Kosdaq (Hàn Quốc) bốc hơi lần lượt 7,4% và 9,32%.

Thị trường Trung Quốc đại lục cũng lao dốc dù mức giảm không mạnh bằng các thị trường khác. Các chỉ số Thượng Hải và Thâm Quyến đều sụt 2,5%. Nhìn chung, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (ngoại trừ Nhật Bản) lao dốc 4,71%.

"Hệ thống tài chính toàn cầu đang bị trật khớp", CNBC dẫn lời chiến lược gia Kim Mundy thuộc Commonwealth Bank of Australia nhận định. "Đằng sau những đợt bán tống bán tháo cổ phiếu là việc giới đầu tư lo sợ chính phủ các nước không có kế hoạch chống dịch Covid-19 đủ hiệu quả".

11.500 tỷ USD thời Trump bay hơi khỏi thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh 3.

Giới chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ hứng chịu những cơn đau nghiêm trọng trong thời gian tới vì dịch Covid-19. (Ảnh: Getty Images).

Chuyên gia Tai Hui của J.P. Morgan Asset Management đánh giá dịch virus corona chủng mới đang lây lan với tốc độ nhanh hơn nhiều so với phản ứng của các chính phủ. "Chính quyền các nước không theo kịp tốc độ lây lan của dịch và sự trông đợi của thị trường", ông nhấn mạnh.

"Các nhà đầu tư đặt câu hỏi đến bao giờ thì quay lại với chứng khoán. Trong thời gian trước mắt, thị trường sẽ tiếp tục chao đảo bởi dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng tại Mỹ và châu Âu", chiến lược gia Tai dự báo.

"Như những gì chúng ta đã chứng kiến ở Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Á khác, các chính sách phù hợp sẽ giúp kiềm chế dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nền kinh tế châu Á phải chịu đựng những cơn đau nghiêm trọng trong ngắn hạn".

"Nhiều khả năng chúng ta cũng sẽ trải qua các cơn đau tương tựu trong những tuần tới ở Mỹ và châu Âu".



chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.