Theo Washington Post, tại RWJBarnabas Health, mạng lưới chăm sóc sức khỏe lớn nhất bang New Jersey (Mỹ), các lãnh đạo bệnh viện đang đau đầu vì nguồn cung thiết bị y tế khan hiếm đến mức họ phải trả giá gấp 50 lần bình thường để mua hàng.
Tình hình tồi tệ đến mức họ sẵn sàng mua thiết bị và vật tư y tế từ các nhà cung cấp không tên tuổi, thậm chí phải trả trước 100% tiền trước khi nhận các mặt hàng rất cần thiết.
Nguy cơ bị lừa đảo là rất lớn. Một đơn hàng 500.000 khẩu trang y tế RWJBarnabas Health nhận được từ một nhà sản xuất Trung Quốc hóa ra không có tác dụng y tế. Chúng được thiết kế để phục vụ tiệm làm móng.
“Chúng tôi đang đốt tiền, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Những quy tắc mà chúng tôi từng tuân thủ trước đây đã không còn tồn tại”, Washington Post dẫn lời ông John Bonamo - Giám đốc Y tế và Chất lượng của RWJBarnabas Health - than thở.
Tình trạng bế tắc hiện tại buộc thống đốc các bang và quan chức y tế địa phương lên tiếng kêu gọi chính phủ liên bang Mỹ tiếp nhận quyền kiểm soát hoạt động phân phối nguồn lực y tế khan hiếm và ít ỏi trên phạm vi toàn quốc.
Họ cầu xin Nhà Trắng sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng để buộc các công ty Mỹ sản xuất những mặt hàng y tế thiết yếu. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối. “Tôi không cần phải dùng đến nó”, ông Trump tuyên bố hôm 26/3.
Nhưng lãnh đạo các bệnh viện và nhóm trung gian bán hàng trung gian cung cấp thông tin hoàn toàn khác những gì ông Trump khẳng định. Họ mô tả một hệ thống rối rắm khắp nước Mỹ, các bệnh viện và cơ quan y tế có rất ít lựa chọn, buộc phải dựa dẫm vào những nhà cung cấp và trung gian không đủ uy tín.
Những công ty hoạt động bên ngoài chuỗi cung ứng y tế truyền thống tại Mỹ thường hét giá rất cao, trong khi không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Trong thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng tại Mỹ, các bệnh viện đang chịu áp lực lớn rất dễ bị lừa, "tiền mất tật mang".
Các thống đốc bang New York, Texas, Illinois và một số bang khác cho biết họ phải cạnh tranh với chính phủ liên bang và những bang khác để giành giật khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang N95, áo choàng và máy thở.
Hàng loạt nhà cung cấp vô danh mời chào họ mua thiết bị y tế trực tiếp từ các nhà máy Trung Quốc. Phó thống đốc bang Illinois Christian Mitchell cho biết một nhóm hơn 10 thành viên của ông đang phải kiểm tra rất nhiều nhà cung ứng khẩu trang và thiết bị y tế.
“Một người bạn của một người bạn của một người có bạn của em họ kinh doanh ở Trung Quốc tiếp cận chúng tôi. Nhóm của chúng tôi phải kiểm tra xem đối tượng này có kinh doanh hợp pháp hay không, và sản phẩm có đủ chất lượng không", ông Mitchell kể.
Tại Texas, nhóm của Thống đốc Greg Abbott cũng tốn rất nhiều thời gian kiểm tra các nhà cung cấp quốc tế. "Tôi nhận được email và tin nhắn từ những người xa lại, nói rằng họ có quen nhà cung cấp này, nhà cung cấp khác", ông Abbott nói.
Một số tay trung gian thừa nhận lợi dụng sự hỗn loạn của thị trường để kiếm lợi. Andre Leite và Adrian Small, hai nhà môi giới bất động sản ở Washington, hoàn toàn không có bất cứ kinh nghiệm nào về y tế.
Khi dịch bùng phát, họ gọi đến các bệnh viện, tổ chức y tế và quan chức thành phố, khẳng định biết những nhà cung cấp phù hợp ở Trung Quốc, và thẳng thừng nói muốn ăn hoa hồng 20%.
“Đó là giá rẻ nhất tôi có thể đưa ra”, Washington Post dẫn lời Leite nói. "Tôi nói với họ rằng hãy thò tay vào túi, móc ra vài đồng và chấp nhận chi đi".
Ông Bonamo thuộc RWJBarnabas Health cho biết các giám đốc bệnh viện rất đau đầu vì bị đòi thanh toán trước nhiều mặt hàng. Giá thay đổi theo ngày, nhất là đối với các thiết bị y tế cần thiết. Khẩu trang phẫu thuật tăng từ 0,03-0,05 cent lên vài USD/chiếc. Khẩu trang N95 tăng từ 1 USD lên 7,5 USD/chiếc.
“Trong số các cuộc gọi và tin nhắn đến, có rất ít người thực sự hiểu sản phẩm y tế. Nhiều người chưa từng kinh doanh (thiết bị y tế) trước đây mà chỉ là những con buôn có tài đánh hơi thấy lợi nhuận. Nhưng họ có thể kết nối với Trung Quốc và một số nơi khác”, ông Bonamo giải thích.
“Nhu cầu quá cao trong khi việc kiểm tra nguồn cung còn nhiều vấn đề”, ông Andrew Stroup, nhà sáng lập tổ chức y tế phi lợi nhuận Project N95, nhận định. Giám đốc nhiều bệnh viện lo ngại những chiếc khẩu trang họ mua không đạt chất lượng và có thể gây nguy hiểm cho các nhân viên y tế.
Việc phải trả giá quá đắt khiến ngân sách các bệnh viện cạn kiệt. Hãng 3M, nhà sản xuất khẩu trang N95, mới đây cảnh báo về sự xuất hiện tràn lan của khẩu trang giả, và cam kết sẽ ngăn chặn những kẻ bán hàng giả để kiếm lợi.
Hồi đầu tuần, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng phát hiện nhiều khẩu trang N95 giả mạo, và cho biết một bệnh viện thiệt hại đến 3 triệu USD vì bị lừa mua phải hàng giả.
Một nhóm nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đang kêu gọi ông Trump sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng. Họ trình một dự luật đòi hỏi Nhà Trắng mua 300 triệu khẩu trang N95 trong vòng 24 giờ kể từ khi luật được ký ban hành.
Chính qyền Washington sở hữu kho dự trữ thiết bị y tế chiến lược, tuy nhiên các bang và bệnh viện cho rằng nguồn cung từ kho dự trữ này là quá ít ỏi. Mới đây, các quan chức bang Virginia than phiền họ chỉ nhận được 10% số thiết bị cần thiết từ nguồn cung ứng của Bộ Y tế.
“Đây là một cuộc khủng hoảng y tế công cộng và nhiều người sẽ thiệt mạng nếu chúng ta không thể có thiết bị đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế”, Hạ nghị sĩ Abigail Spanberger, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), bức xúc.
“Các bang cầu xin cầu xin sự giúp đỡ từ chính quyền liên bang, nhưng Tổng thống Trump không sử dụng quyền ông ta có để giúp đỡ. Điều đó thật đáng sợ”, ông nhấn mạnh.
Bà Rhonda Medows thuộc bệnh viện Providence St. Joseph Health (Seattle) cho biết bà đã cầu xin sự hỗ trợ từ các cơ quan liên bang trong nhiều ngày qua. Tuy nhiên, những gì bệnh viện nhận lại là vài chuyến hàng ít ỏi đến đáng thương.
Ông Lee Saunders, lãnh đạo một công đoàn của các nhân viên y tế, cho biết thậm chí, một số nhân viên chăm sóc y tế ở New York phải sử dụng túi rác thay thế khi bệnh viện thiếu áo choàng y tế. Vì vậy, các bệnh viện vẫn phải dựa vào những nguồn cung không uy tín.
"Ông Trump, hãy làm điều đúng đắn. Hãy sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng để cung cấp thiết bị cần thiết cho các nhân viên y tế", ông Saunders kêu gọi.
Trong khi đó, các bệnh viện Mỹ đang tuyệt vọng đến mức chấp nhận bị các nhà cung cấp vô danh "bóc lột" không thương tiếc. Có những bệnh viện phải mua khẩu trang N95 với giá lên đến 20 USD/chiếc.
Cuối cùng, trước sức ép của dư luận, ngày 27/3 ông Trump đã phải sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng để buộc các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế. Ông Trump ra lệnh cho GM phải sản xuất máy thở.