Những tính toán sai lầm khiến Mỹ 'thất thủ' trước đại dịch

Ngày 26/3 đánh dấu một cột mốc không vui vẻ gì cho người Mỹ khi chính thức trở thành nước có nhiều ca nhiễm virus corona nhất thế giới.

Vị trí số một trước đó thuộc về Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát. Tính đến ngày 27/3, nước này đã ghi nhận 81.782 ca nhiễm, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Italy giữ vị trí số hai với 80.589 ca nhiễm.

Mỹ đã nhảy một mạch lên vị trí của Trung Quốc với 82.404 ca nhiễm. Tình hình được dự báo còn tiếp tục xấu thêm.

Hồi cuối tháng 2, dịch bệnh ở Trung Quốc chạm mốc 80.000 ca và mới bắt đầu bùng phát tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Italy. Thời điểm đó, nước Mỹ trên bề mặt có vẻ vẫn yên ắng. Tính đến ngày 20/2, Mỹ chỉ ghi nhận 15 ca dương tính và toàn bộ đều liên quan đến đi lại ở nước ngoài.

Rồi giới chức Mỹ bắt đầu tiến hành xét nghiệm một cách nghiêm túc, số ca nhiễm cứ thế tăng lên mỗi ngày. 

Vào ngày 1/3, Mỹ ghi nhận 75 ca nhiễm. Khoảng 6 ngày sau, con số này tăng lên 435. Ngày 14/3 là 2.770 ca. Ngày 21/3, đã có đến 24.192 bệnh nhân được xác nhận. 

Giờ đây, Mỹ bước qua cột mốc hơn 82.000 ca nhiễm và con số này sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần tới.

Những tính toán sai lầm khiến Mỹ 'thất thủ' trước đại dịch - Ảnh 1.

Mật độ ca nhiễm tại các địa phương trên toàn nước Mỹ cho thấy các bang phía đông bắc, trong đó tâm điểm là New York, đang bùng phát dịch nghiêm trọng nhất. (Đồ họa: New York Times).

Vì sao khoảnh khắc 'dẫn đầu ca nhiễm thế giới' tới nhanh đến vậy?

Nhiều ý kiến lý giải rằng: Vào thời điểm Mỹ ghi nhận ít ca nhiễm, thật ra dịch bệnh đã bắt đầu diễn biến nghiêm trọng, nhưng không được phát hiện.

Những quản lí sai lầm vào tháng 2 đã dẫn đến thảm họa. 

Giới chức chính phủ, một phần lớn truyền thông và thậm chí một số chuyên gia, đã trấn an người dân Mỹ họ không việc gì phải sợ hãi. Điều này tạo điều kiện cho virus lây lan, cho đến khi quy mô quá lớn để tiếp tục làm ngơ. Đó cũng là lúc dịch bệnh đã lan rộng đến mức không thể chặn đứng, nếu Mỹ không dùng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội mạnh tay, kéo theo những đánh đổi nặng nề về kinh tế.

Nhiều chỉ trích hướng về Tổng thống Donald Trump, vì ông đã cắt giảm nguồn lực, nhân sự và quyền hành của nhiều cơ quan y tế khiến họ khó vận hành. Ông đưa ra những phát ngôn về khủng hoảng với phong cách thường thấy, dẫn chứng những thông tin gây tranh cãi về tính chính xác và dùng những lời to tát. Chiến thuật này từng hữu hiệu trong nhiều vụ bê bối thời gian qua, nhưng với virus corona thì không.

Dù vậy, thất bại trong ứng phó không riêng phần nhà lãnh đạo. Zeynep Tufekci, một chuyên gia khoa học thông tin tại Đại học North Carolina, trong những tháng qua đã kêu gọi nước Mỹ phải hành động quyết liệt hơn, để chuẩn bị cho viễn cảnh dịch virus corona bùng phát.

“Thông điệp ru ngủ lan rộng không chỉ từ ông Donald Trump và những khán giả của ông ấy, mà còn xuất hiện trên truyền thông Mỹ, hô hào chúng ta cần lo về cúm mùa nhiều hơn rồi cảnh báo mọi người đừng phản ứng thái quá”, Tufekci nhận định.

Trong lúc chính phủ lơ là, đã xuất hiện những dấu hiệu từ một số quốc gia khác cho thấy dịch bệnh “cập bến” tại Mỹ. Tuy nhiên, những người nắm được tình hình thì hiếm ai chịu lên tiếng. Còn những người công khai cảnh báo lại vấp phải bình luận là phản ứng thái quá. Người dân tin vào lời trấn an từ các chuyên gia y tế cộng đồng, và nghĩ rằng số ca nhiễm thấp phản án đúng thực tế.

Nước Mỹ vẫn hoạt động bình thường trong khi virus lây lan. Giờ đây, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đang đối diện với dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu đã quá trễ để xoay chuyển tình thế.

Những tính toán sai lầm khiến Mỹ 'thất thủ' trước đại dịch - Ảnh 2.

Nhân viên y tế bang Indiana đưa một người có triệu chứng nhiễm virus corona đến bệnh viện. (Ảnh: Getty).

Nhiều ca nhiễm nhất nhưng vẫn còn hi vọng kiểm soát

Việc Mỹ xác định được số ca nhiễm virus corona nhiều hơn mọi quốc gia khác là dấu hiệu cho thấy tình hình đang vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này không mặc nhiên đồng nghĩa đây là nơi bùng phát dịch nghiêm trọng nhất thế giới.

Xét nghiệm là yếu tố đầu tiên cần cân nhắc. Mỹ thời gian đầu có mức xét nghiệp thấp, với nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng ở mức độ vừa vẫn được yêu cầu ở nhà theo dõi và không được xét nghiệm ngay. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia khác đang xét nghiệm với mức còn thấp hơn Mỹ.

Một số ước tính cho thấy số ca nhiễm ở Iran có thể lên đến hàng triệu người, nhưng chính phủ nước này không ghi nhận. Có những lo ngại rằng một số điểm nóng khác của đại dịch như Ấn Độ và Indonesia, đang thống kê không chính xác số ca nhiễm, vì hệ thống y tế hạn chế và tình trạng đói nghèo. Một nghiên cứu cho thấy Indonesia chỉ đang thống kê khoảng 10% số ca nhiễm có triệu chứng. Con số này ở Ấn Độ được ước tính từ 10-30%.

Yếu tố còn lại cần cân nhắc là dân số. 

Mỹ là nước đông dân thứ 3 thế giới. Tại Italy, tính trung bình cứ 750 người sẽ phát hiện 1 ca dương tính. Con số này tại Mỹ là 1/4.000 người, còn tính riêng ở thành phố New York là 1/400 người. Số ca nhiễm tính trên đầu người sẽ thể hiện rõ hơn mức độ quá tải của hệ thống y tế, và quy mô tác động của virus.

Trong khi tỉ lệ ca nhiễm trên đầu người tại Mỹ vẫn thấp hơn nhiều nước châu Âu, con số thống kê cuối cùng vẫn có vẻ nghiêm trọng hơn. Dù chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng dân số của một nước đông dân, việc hàng nghìn người mắc bệnh với số ca tử vong cao hiển nhiên là một bi kịch.

Số ca nhiễm cao tại Mỹ là hệ quả tổng hợp giữa dân số lớn, virus bùng phát diện rộng và năng lực xét nghiệm được nâng cao. Việc thông qua đẩy mạnh xét nghiệm nên số ca nhiễm được thống kê tại Mỹ nhảy vọt, có thể là một tín hiệu tốt cho thấy nước này vẫn có khả năng xoay chuyển tình thế.

Những tính toán sai lầm khiến Mỹ 'thất thủ' trước đại dịch - Ảnh 3.

Nhân viên y tế bang Connecticut tiến hành quét vòm họng lấy mẫu bệnh phẩm tại một trạm xét nghiệm lưu động. (Ảnh: Getty).

Dịch bệnh đổ bộ như thế nào?

Cuối tháng 1, Trung Quốc siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại trên khắp cả nước. Thành phố Vũ Hán được đặt trong tình trạng phong tỏa. Bệnh viện và các đơn vị điều trị tích cực quá tải bệnh nhân nhiễm virus cororna.

Trước tình hình này, Mỹ cấm nhập cảnh mọi công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc. Động thái giúp trì hoãn đáng kể số người nhiễm đến Mỹ và cho nước này thêm giời gian để chuẩn bị tốt hơn, theo Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

“Mọi bước ứng phó khác của chính phủ đều bối rối một cách tồi tệ”, Frieden nhận định Mỹ đã tự phí phạm thời gian chuẩn bị của mình.

Các khoản cắt giảm ngân sách và quản lí sai lầm của chính phủ làm giảm năng lực của nhiều cơ quan có vai trò ứng phó khủng hoảng. CDC khi đó bắt đầu nghiên cứu xét nghiệm nhận diện chủng virus corona mới, nhưng họ gửi đến các phòng thí nghiệm sai thuốc thử. Những chỉ dẫn về kit xét nghiệm mới cũng được gửi đi nhỏ giọt.

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trì hoãn phê duyệt đơn xin tự phát triển xét nghiệm của nhiều phòng thí nghiệm trên khắp nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu độc lập của dự án Flu Study, thành phố Seattle thuộc bang Washington, nơi xảy ra đợt bùng phát nghiêm trọng đầu tiên, xin tự tiến hành xét nghiệm nhưng cũng bị chính phủ từ chối.

“Chúng tôi cảm thấy như đang ngồi chờ đại dịch bùng nổ. Chúng tôi có thể giúp sức, nhưng không được làm gì”, Helen Chu, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Những tính toán sai lầm khiến Mỹ 'thất thủ' trước đại dịch - Ảnh 4.

Số ca nhiễm tăng vọt tại Mỹ trong vòng 1 tháng qua, từ 10.000 vượt mốc 80.000 trường hợp chỉ trong 7 ngày. (Đồ họa: New York Times).

Chính phủ đưa ra những quy định bó hẹp việc xét nghiệm với những ai từng đến Trung Quốc hoặc tiếp xúc với người được xác nhận dương tính với virus corona. Điểm bất cập là những người từng đến Hàn Quốc, Iran, Italy hoặc các nước đã phát hiện dịch sẽ không được xét nghiệm. Nếu họ lây bệnh cho người khác, người đó cũng không thể kiểm tra. Nỗ lực nhận diện virus đang lây lan tại Mỹ trở thành một công việc bất khả thi.

Bằng cách so sánh mẫu gene bệnh nhân, nhà virus học Trevor Bradford ước tính dịch bệnh đã bắt đầu lây lan tại bang Washington từ giữa tháng 1. 

Đến cuối tháng 2, virus lây đến một nhà dưỡng lão và xuất hiện ca tử vong. Giới chức y tế Mỹ vẫn lặp lại thông điệp là chưa có lây nhiễm cộng đồng. Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Anthony Fauci lúc ấy nhận định nguy cơ virus corona ở Mỹ ở mức thấp. Ngày 17/2, ông tập trung cảnh báo người dân nguy cơ tử vong ở trẻ em, vì cúm mùa đang ở mức cao nhất một thập kỉ qua.

Người dân Mỹ nhận thức rằng tình hình vẫn không đáng lo ngại. Nhiều hãng truyền thông đăng tải các nội dung nhấn mạnh nguy cơ từ cảm cúm còn cao hơn virus corona. Đây là một sai lầm nghiêm trọng của truyền thông, nhưng cũng phản ánh chính xác những điều họ tiếp nhận từ giới chức y tế hàng đầu quốc gia.

Theo ước tính của Bedford, thật ra hơn 7.000 ca nhiễm đã xuất hiện tại Mỹ vào cuối tháng 2, bỏ xa con số 68 bệnh nhân được xác nhận dương tính. Đó cũng là lúc một phòng thí nghiệm tại California công bố họ phát hiện trường hợp virus corona lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Mỹ.

Những tính toán sai lầm khiến Mỹ 'thất thủ' trước đại dịch - Ảnh 5.

Các phát ngôn từ chính phủ Mỹ giảm nhẹ nguy cơ lây nhiễm cộng đồng khiến người dân thiếu đề phòng và virus lan rộng. (Ảnh: Getty).

Chậm nhịp chống dịch

Đến tháng 3, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng đến mức không thể làm ngơ. Truyền nhiễm cộng đồng được ghi nhận ở hàng loạt thành phố. Dù vậy, phản ứng của chính phủ Mỹ vẫn chậm nhịp.

FDA không gấp rút cấp phép cho các phòng thí nghiệm tiến hành xét nghiệm độc lập. Thậm chí, quy định xét nghiệm còn bị siết chặt khiến một số phòng cơ sở phải hủy mẫu thu thập được. Mức xét nghiệm của Mỹ được cải thiện, nhưng thời điểm đó virus đã tăng tốc lây lan.

Lần lượt từng thành phố, chính quyền cấp hạt và cấp bang quyết định đóng cửa trường học, ban bố tình trạng khẩn cấp, kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc xã hội hoặc tiến hành phong tỏa. Mọi việc diễn ra trong hối hả khi giới lãnh đạo địa phương không có đủ dữ liệu nghiên cứu trong tay vì xét nghiệm quá ít.

Italy đóng của tất cả trường học vào ngày 4/3, và phong tỏa toàn quốc khi còn dưới 10.000 ca nhiễm. Trong khi đó, Mỹ lần lượt vượt qua những cột mốc 10.000 ca (ngày 19/3), 20.000 ca (ngày 21/3) và 50.000 ca nhiễm (ngày 24/3) mà không có bất kì lệnh hạn chế đi lại nào được ban hành trên quy mô toàn quốc.

Một vài quan chức địa phương và cấp bang, như Thị trưởng London Breed của thành phố San Francisco và Thống đốc Mike DeWine của bang Ohio, đã chọn hướng đi riêng, tự đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt từ sớm để chặn đà lây nhiễm. 

Một số lãnh đạo địa phương, điển hình là Phó thống đốc Texas Dan Patrick, lại không muốn gây thiệt hại kinh tế. Ông Patrick lập luận: Nếu một người được hỏi “liệu bạn có muốn đánh đổi cơ hội sống sót của mình để giữ lấy nước Mỹ mà mọi người Mỹ yêu quý cho con cháu”, mọi người ông, người bà trên cả nước sẽ chấp nhận rủi ro và để virus lan rộng.

Những phát biểu như của phó thống đốc bang Texas bị chỉ trích là thiếu thấu đáo. Các biện pháp phong tỏa có thể gây ảnh hưởng kinh tế, nhưng cái chết của hàng nghìn người Mỹ cùng hệ thống y tế quá tải và sức khỏe người lao động suy giảm, cũng gây nên những thiệt hại kinh tế nhiều không kém.

Khi đẩy mạnh xét nghiệm và phát hiện số ca nhiễm New York đã vượt tầm kiểm soát, Thống đốc bang Andrew Cuomo và Thị trưởng thành phố Bill de Blasio còn công khai tranh cãi về biện pháp cấm người dân ra đường, tương tự chính sách sớm được áp dụng tại Vùng Vịnh California.

Trong khi các nhà dịch tễ học kêu gọi mọi người hạn chế tiếp xúc xã hội, sự thiếu tổ chức và truyền tải thông điệp không rõ ràng từ các chính trị gia, cùng với tình trạng thiếu hụt xét nghiệm, đã làm giảm ý thức phòng ngừa của người dân.

Mỹ thời gian qua đã hành động mạnh tay hơn để ngăn chặn dịch bệnh. Trường học đóng cửa ở nhiều nơi. Biện pháp được áp dụng cho cả nhà hàng và quán bar. California, với hơn 40 triệu dân và chiếm 1/5 GDP toàn quốc, đã sớm yêu cầu người dân ở yên trong nhà. Có 19 bang khác tại Mỹ nối gót mô hình tại Bờ Tây.

Thực tế là nước Mỹ đã phản ứng chậm và các biện pháp hiện nay có nguy cơ không thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Vẫn chưa thể đảm bảo những biện pháp hiện nay đã đủ để giải quyết tình trạng ở New York, New Orleans và Atlanta, vốn đang thiếu giường bệnh điều trị tích cực nghiêm trọng. Nỗ lực ứng phó do vậy sẽ tiếp tục “leo thang” trong cuộc chiến với virus corona, tạo nên gánh nặng lớn hơn về kinh tế.

Bước xuất phát sai nhịp hơn 1 tháng trước đã đặt Mỹ vào vị thế bất lợi trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến với virus corona. Tháng 3 gần kết thúc, và nước Mỹ vẫn đang trong “thế thủ”, còn virus tiếp tục "tấn công" và lan rộng với số ca nhiễm tăng theo từng giờ.

Những tính toán sai lầm khiến Mỹ 'thất thủ' trước đại dịch - Ảnh 6.

Người dân New York xếp hàng chờ xét nghiệm tại bệnh viện Elmhurst. Ảnh: Getty.

 .