Covid-19 lây lan nhanh ở Mỹ, Dow Jones lại lao dốc gần 1.000 điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 5/3 cắm đầu giảm sâu và xóa đi gần như toàn bộ mức tăng của phiên 4/3, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở nước này.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm xấp xỉ 970 điểm, tương đương 3,58% và đóng cửa còn 26.121 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số gồm 30 bluechip này sụt gần 1.150 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm gần 3,4% xuống xấp xỉ 3.024 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 3,1%. Toàn bộ 11 nhóm ngành của chỉ số S&P 500 đều đóng cửa trong sắc đỏ.

COVID-19 lây lan nhanh ở Mỹ, Dow Jones lao dốc gần 1.000 điểm - Ảnh 1.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 5/3. (Nguồn: Bloomberg).

Dòng tiền rời khỏi cổ phiếu để chảy sang trái phiếu khiến giá trái phiếu tăng vọt, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm tiếp tục rơi xuống đáy lịch sử mới, dưới 0,9% (lợi suất và giá trái phiếu biến động ngược chiều).

Theo CNBC, những lo ngại về dịch Covid-19 làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu, tiếp tục là nhân tố chi phối tâm lí nhà đầu tư trong bối cảnh nhiều nước mở rộng phạm vi phong tỏa và hạn chế di chuyển của công dân.

Ngay trên đất Mỹ, California đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi bang này ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 53 ca dương tính với Covid-19. Số ca xác nhận nhiễm ở New York tăng gấp đôi sau một đêm, lên con số 22, khi bang này đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng thông báo trấn an qua Twitter và Facebook: "Trên toàn thế giới, số ca nhiễm Covid-19 là gần 100.000 và số trường hợp tử vong là 3.280. Ở Mỹ, nhờ nhanh chóng đóng cửa biên giới, chúng ta mới chỉ có 129 ca nhiễm (40 ca được sơ tán từ nước ngoài về Mỹ) và 11 người chết. Chúng tôi đang làm việc hết sức mình để giữ cho những con số này thấp nhất có thể".

COVID-19 lây lan nhanh ở Mỹ, Dow Jones lao dốc gần 1.000 điểm - Ảnh 2.

Ông Tom Essaye, nhà sáng lập Công ty nghiên cứu Sevens Report, nhận định: "Nhìn chung thị trường đang lo lắng về tác động kinh tế của dịch Covid-19, vì loại virus này đang tiếp tục lây lan. Cứ sau mỗi giờ lại có tin vài người dương tính ở những bang khác nhau. Mọi người lo lắng vì những tin tức dịch bệnh lây lan cứ xuất hiện dồn dập".

Chính tâm lí lo sợ này đã thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư đối với những tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu kho bạc. Lợi suất trái phiếu liên tục xuống thấp đã gây áp lực xuống cổ phiếu ngân hàng, các đại gia JP Morgan Chase và Bank of America cùng mất khoảng 5%.

Cổ phiếu hàng không "ăn đòn" nặng nhất và dẫn đầu đà lao dốc của chỉ số trung bình vận tải Dow Jones (DJTA, khác với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones DJIA nói trên).

Kết phiên 5/3, chỉ số vận tải DJTA đã rơi vào vùng thị trường gấu, tức đã giảm hơn 20% tính từ đỉnh 52 tuần gần đây. Cổ phiếu United Airlines lao dốc 13,4% trong khi American Airlines sụt 13,2% - ghi nhận phiên giảm sâu nhất kể từ năm 2016.

5/3 đánh dấu thêm một phiên biến động mạnh bất thường của thị trường chứng khoán Mỹ. Liên tục trong 4 phiên từ 2/3 đến 5/3, Dow Jones đều đóng cửa tăng hoặc giảm trên 700 điểm, trong đó có hai phiên biến động trên 1.000 điểm.

COVID-19 lây lan nhanh ở Mỹ, Dow Jones lao dốc gần 1.000 điểm - Ảnh 3.

Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây có nhiều phiên giảm sâu, tăng sốc.

Hôm 4/3, Dow Jones có phiên tăng điểm mạnh thứ hai trong lịch sử (chỉ sau phiên 2/3) sau khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng ấn tượng trong ngày bầu cử sơ bộ Siêu thứ Ba, qua đó vươn lên dẫn đầu cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ.

Nhà đầu tư cũng phấn chấn sau khi chính phủ các nước đưa ra loạt biện pháp để ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19, trong đó có gói ngân sách hơn 8 tỉ USD từ quốc hội Mỹ.

Hôm 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản để ứng phó với tác động kinh tế của dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên Fed hạ lãi suất khẩn cấp kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Tuy nhiên động thái này của Fed đã không thể trấn an được nhà đầu tư, thể hiện qua việc chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt gần 800 điểm trong phiên 3/3. Tổng thống Donald tiếp tục kêu gọi Fed giảm thêm lãi suất và thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ khác.

Nhiều nhà phân tích cho rằng hành động mạnh tay của Fed cho thấy tình hình đang rất tồi tệ và đáng lo ngại hơn nhiều so với những đánh giá trước đây. Việc Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản khi dịch Covid-19 mới bắt đầu lan đến Mỹ còn bị cho là hành động "lãng phí đạn dược quá sớm trong một cuộc chiến trường kì". 

Hiện nay lãi suất quĩ liên bang ở trong khoảng mục tiêu 1% - 1,25%, tức là không còn nhiều dư địa để Fed hạ xuống thêm nếu tình hình chuyển biến xấu.

Ngày 6/3 (theo giờ Mỹ), nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo việc làm tháng 2 của chính phủ Mỹ để đánh giá những thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra cho thị trường lao động. Các nhà phân tích dự đoán Mỹ tạo ra thêm 175.000 việc làm trong tháng 2, giảm so với con số 225.000 trong tháng 1.

Theo số liệu công bố ngày 5/3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước (kết thúc ngày 29/2) giảm 3.000 xuống còn 216.000, bất chấp dịch bệnh lây lan nhanh trên thế giới.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.