Dow Jones nhảy vọt gần 1.200 điểm, chứng khoán Mỹ thoát vùng điều chỉnh sau diễn biến bất ngờ ngày bầu cử Siêu thứ Ba

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 4/3 đi lên mạnh mẽ, khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng áp đảo trước Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders tại nhiều bang trong ngày bầu cử Siêu thứ Ba. Nhóm cổ phiếu y tế dẫn dắt thị trường.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bật tăng 1.173 điểm, tương đương 4,53% và đóng cửa lấy lại mốc 27.000. Tính theo số điểm, đây là phiên tăng mạnh thứ hai của Dow Jones trong lịch sử, chỉ sau phiên tăng sốc 1.294 điểm hôm thứ Hai (3/3) tuần này.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tăng lần lượt 4,22% và 3,85%.

Dow Jones nhảy vọt gần 1.200 điểm, chứng khoán Mỹ thoát khỏi vùng điều chỉnh sau diễn biến bất ngờ của ngày bầu cử Siêu thứ Ba - Ảnh 1.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 4/3. (Nguồn: Bloomberg).

Sau diễn biến tích cực của phiên 4/3, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều thoát khỏi vùng điều chỉnh, tức là còn cách đỉnh 52 tuần không đến 10%. Chỉ số Nasdaq Composite thậm chí còn nhích nhẹ 0,5% so với ngày đầu năm.

Thông tin được cho là động lực chính thúc đẩy thị trường đi lên phiên 4/3 là kết quả của ngày bầu cử sơ bộ Tổng thống Mỹ "Siêu thứ Ba" khi có tới 14 bang của Mỹ tổ chức bỏ phiếu.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang ở vị trí thứ 2 trong cuộc đua đã bất ngờ vươn lên mạnh mẽ và giành chiến thắng tại 10/14 bang, trong đó có những bang lớn như Texas hay North Carolina.

Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders chỉ giành chiến thắng tại 3 bang. Bang lớn và quan trọng nhất của cuộc bầu cử là California vẫn chưa kiểm phiếu xong, ưu thế tạm thời thuộc về ông Sanders.

Tuy nhiên dù kết quả tại California có là thế này thì rõ ràng khả năng ông Biden giành đề cử của Đảng Dân chủ đã tăng lên rõ rệt sau màn trình diễn ấn tượng trong ngày Siêu thứ Ba.

Nhìn chung nhà đầu tư chứng khoán Mỹ hoan nghênh ủng hộ ông Biden hơn ông Sanders. Quan điểm của cựu Phó Tổng thống Biden có phần ôn hòa, trung dung hơn trong khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont lại có tư tưởng thiên tả cực đoan (far left/extreme left).

Ông Sanders từng tuyên bố sẽ tăng thuế áp lên giới siêu giàu, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng thêm thuế tài sản; đánh thuế các giao dịch tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh … chẻ nhỏ các ngân hàng lớn, xóa hàng nghìn tỉ USD nợ sinh viên, bao trả chi phí y tế cho người dân, …

Ông Sanders kì vọng các loại thuế tăng lên và mới được áp dụng sẽ đem lại nguồn thu cần thiết để ông thực hiện các kế hoạch chi tiêu công khổng lồ của mình.

Ông Sanders ước tính riêng chương trình bao trả chi phí ý tế (Medicare For All) mà ông đưa ra sẽ làm tăng chi ngân sách liên bang "khoảng 30.000-40.000 tỉ USD trong vòng 10 năm". Để thực hiện chương trình bao trả này, ông Sanders dự định quốc hữu hóa toàn bộ ngành y tế, dẹp bỏ cơ chế hợp tác giữa công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp dược phẩm hiện nay.

Ông Sanders từng công khai thể hiện thái độ lạnh nhạt đối với giới siêu giàu và các lãnh đạo doanh nghiệp.

Năm 2015 khi Bernie Sanders chạy đua vào ghế Tổng thống lần đầu tiên, CEO của công ty dược phẩm Turing Pharmaceuticals là Martin Shkreli muốn đóng góp 2.700 USD cho chiến dịch tranh cử của ông. Đây chính là công ty đã nâng giá một loại thuốc trị tiểu đường phổ biến từ 13,5 USD lên 750 USD một viên, tức tăng hơn 55 lần. Bernie Sanders đã từ chối khoản quyên góp của Martin Shkreli – người sau này bị kết tội và phải ngồi tù.

Năm 2019, vợ của một tỉ phú từng góp tiền cho chiến dịch tranh cử của ông Sanders, sau khi được tạp chí Forbes cho biết chuyện này ông đã lập tức trả lại tiền.

Sau thông tin ông Sanders tụt lại phía sau trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cổ phiếu y tế lập tức diễn biến lạc quan yêu đời. Nhóm y tế thuộc chỉ số S&P 500 bật tăng 5,8% - phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Cổ phiếu hãng dịch vụ y tế UnitedHealth và Centene cùng vọt lên lần lượt 10,7% và 15,6%.

Một ứng viên Tổng thống khác của Đảng Dân chủ là nữ Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren cũng có tư tưởng cực tả khá giống với Bernie Sanders. Một số nhà đầu tư kì vọng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ được tiếp thêm sức mạnh khi bà Warren rời khỏi cuộc đua do số phiếu giành được quá ít ỏi, không thể cạnh tranh với hai ứng viên dẫn đầu.

"Chứng khoán Mỹ sẽ còn tăng mạnh hơn khi sắp tới đây bà Warren rút lui. Wall Street sợ bà Warren thắng cử hơn bất cứ ứng viên nào khác do bà là người cực kì am hiểu chuyên môn", ông Josh Brown, CEO của công ty quản lí quĩ Ritholtz Wealth Management chia sẻ.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 4/3 còn đón nhận số liệu kinh tế tích cực. Theo Viện Quản lí nguồn cung, khu vực dịch vụ của Mỹ đã tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong tháng 2. Theo ADP và Moody's Analytics, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 183.000 việc làm trong tháng 2, cao hơn dự đoán của giới chuyên gia trước đó.

Các nghị sĩ quốc hội Mỹ đang dự định phân bổ khẩn cấp 8 tỉ USD cho cuộc chiến chống dịch virus corona (COVID-19). Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump chỉ muốn xin quốc hội 2,5 tỉ USD.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.