Nhật kí về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên con tàu lượn Phố Wall

Những khuôn mặt chán chường, đầy mệt mỏi, đôi mắt đỏ cả lên vì dán mắt vào màn hình. Cũng phải thôi, thị trường biến động nhanh đến thế kia mà.

Nếu chỉ để lỡ một giây phút nào đó, bạn có thể bị lỗ cả đống tiền.

Nhật kí về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên con tàu lượn Phố Wall - Ảnh 1.

(Ảnh: Bloomberg).

“Tuần này cứ ngỡ như dài 30 ngày”

Ông Tim Courtney, Giám đốc đầu tư tại Exencial Wealth Advisors ở Oklahoma City, đã trò chuyện với bất kì ai đầu tư vào thị trường trong tuần biến động mạnh vừa qua.

Đây là một tuần biến động leo thang dữ dội. Tuần của dịch Covid-19 và các biện pháp đối phó. Tuần của những thiệt hại kinh tế và các chính sách đối phó với dịch. Tuần của những nỗi lo sợ đến buốt đầu và căng thẳng tột độ trên thị trường. Chỉ trong vỏn vẹn 6 ngày, những lời cảnh báo “chớp nháy” ở những hốc sâu nhất của thị trường toàn cầu.

Thu hút sự chú ý của cánh báo chí là câu chuyện hỗn loạn đã phơi bày trên Phố Wall, và cả nỗi ám ảnh bao trùm cả thế giới bên ngoài.

Chỉ một chữ: Sốc

Ngày Chủ nhật (15/03): Vào lúc 17h tối ở New York, mọi thứ dường như đã quá rõ ràng: Sẽ lại là một tuần đậm chất lịch sử trên các thị trường.

Chỉ vừa khi hoạt động giao dịch tiếp diễn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã gây sốc bằng một đợt hạ lãi suất khẩn cấp xuống mức 0, và tung ra gói nới lỏng định lượng hàng trăm tỷ đô.

Động thái này quả thực là một cú sốc đúng nghĩa. FED đang cố bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi tác động của đại dịch Covid-19, một căn bệnh đã làm tê liệt của hàng loạt ngành công nghiệp và thương mại. FED còn muốn xoa dịu căng thẳng ngày càng leo thang trên thị trường. Cũng phải thôi, vì nếu ngó lơ, mọi chuyện sẽ rơi khỏi tầm kiểm soát cùng với những hậu quả vô cùng tàn khốc cho nền kinh tế thực.

Động thái hỗ trợ chính sách khổng lồ từ FED nên diễn ra đúng lúc nhà đầu tư cần đến. Chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận 1 trong những phiên giao dịch tốt nhất trong hơn 1 thập kỉ - một đà hồi phục kịch tính, nhờ Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ kế hoạch chi tiết để chống virus corona tại cuộc họp báo vào ngày 13/3. Vấn đề duy nhất là đà tăng kiểu này đã từng xuất hiện trước đây, và thường là tín hiệu của một thị trường không thỏa mãn. Đà tăng kiểu này từng diễn ra vào tháng 10/2008.

Vì vậy, nhà đầu tư vốn mang trong mình tâm lí lo lắng, nay lại thấp thõm lo sợ. Động thái khẩn cấp khổng lồ của FED lại tiếp sức cho nỗi lo lắng, khi nhà đầu tư tự hỏi liệu các quan chức FED đã biết được những gì mà khiến họ phải gấp rút đến thế. Ở New York, khi giao dịch bắt đầu, hợp đồng tương lai S&P 500 tụt áp và giảm hết biên độ, và không thấy dấu hiệu hồi phục.

Tâm lí lo lắng cũng thể hiện trên thị trường tiền tệ và những kênh trú ẩn an toàn truyền thống đáng tin cậy – như đồng yen Nhật – tăng giá mạnh. Đồng NZD sụt sau khi NHTW New Zealand cũng hạ lãi suất. Trên thị trường trái phiếu, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng đúng như dự đoán.

2.997 điểm, con số in hằn vào kí ức thời khủng hoảng

Ngày thứ Hai (16/3): Hợp đồng tương lai S&P 500 đã giảm hết biên độ cho phép và không thể giảm được nữa. Và cũng giống như tuần trước, thế là nhà đầu tư chuyển sang các quỹ ETF bám theo chỉ số S&P 500 – vốn giao dịch trong giờ trước khi thị trường mở phiên (pre-market) và không có giới hạn giảm.

Tình hình tệ kinh khủng.

Các quan chức thuộc NHTW và Chính phủ đang cam kết hành động từ mọi phía. Các NHTW đồng lòng hành động để chống tác động của dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ đã sẵn sàng tận dụng khả năng cho vay 1 ngàn tỉ USD để giúp đỡ các quốc gia đối mặt với dịch Covid-19. Và chẳng có gì là đủ cả.

Chứng khoán vẫn giảm mạnh ở châu Âu và châu Á. Khi thị trường mở phiên ở Phố Wall, S&P 500 kích hoạt cơ chế ngắt mạch tự động gần như ngay lập tức, khi chỉ số này rớt tới 8,1% - giảm quá nhanh đến nỗi nó vượt ngưỡng 7%, mức thị trường sẽ tự động ngắt mạch. 

Có ít hơn 100 cổ phiếu được giao dịch trong thời khắc đó. Khi giai đoạn ngắt mạch 15 phút chấm dứt, giảm lại bồi thêm giảm. S&P 500 khép phiên rớt 12%.

Nhật kí về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên con tàu lượn Phố Wall - Ảnh 2.

Chỉ số sợ hãi lên kỉ lục. (Nguồn: Bloomberg).


Vấn đề ở đây là niềm tin. Nhà đầu tư đang lo sợ và cứ mỗi thông tin về động thái hỗ trợ chính sách xuất hiện thì cũng có một dòng tít xấu bù trừ tác động. Chỉ số sản xuất tại bang New York giảm mạnh nhất trong lịch sử. Nhà Trắng đổi giọng điệu, nước Mỹ có thể bước vào suy thoái, ông Trump nói. 

Châu Âu giờ ghi nhận nhiều ca nhiễm trong 1 ngày hơn cả Trung Quốc lúc lên đến đỉnh điểm của dịch. Khu vực này đang xem xét hủy những chuyến đi không cần thiết.Trong khi đó, trên thị trường quyền chọn, nhà đầu tư giao dịch các hợp đồng dựa trên những dự báo về chỉ số S&P 500 trong tương lai và có cả hợp đồng dựa trên chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall. 

Chỉ số sợ hãi leo lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2008 và đóng phiên tại mức kỉ lục.

Sự biến động về giá trị tuyệt đối của giá vàng thế giới khi đó không nhận được quá nhiều sự chú ý, nhưng xét về phần trăm, giá vàng từ tăng 3% thành giảm tới 5,1%. Trái phiếu châu Âu biến động quá mạnh, trong đó chỉ số đo lường căng thẳng trên thị trường chạm mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng châu Âu năm 2011-2012.

“Hệ quả tồi tệ nhất tại thời khắc này là chẳng còn nơi nào để trú ẩn”, ông Klaudius Sobczyk, nhà quản lí quỹ tại PEH Wertpapier AG ở Frankfurt, nhận định. “Vàng giảm, cổ phiếu giảm và trái phiếu cũng giảm. Chẳng có kênh nào an toàn”.

Tại thời điểm đó, ông Sobczyk là một trong những trường hợp hiếm hoi: Ông vẫn còn làm việc trong văn phòng của mình. Dù vậy, với tình cảnh biến động nhanh như hiện nay, ông đã sẵn sàng để làm việc tại nhà. Tinh thần làm việc từ xa được gán cho một vai trò quan trọng quyết định tới diễn biến tài sản sau đó trong tuần.

Chỉ số Stoxx Europe 600 khép phiên ngày 16/3 ở mức thấp nhất trong 7 năm. Tâm lí ảm đạm càng gia tăng khi hồ sơ pháp lí cho thấy Bridgewater Associates – quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới – đã đánh một canh bạc trị giá 14 tỉ USD rằng cổ phiếu của các công ty trong khu vực sẽ tiếp tục đi xuống.

Trong bối cảnh hỗn loạn đó, một số chuyên gia sẽ bỏ lỡ đà giảm không ngừng nghỉ của giá dầu. Cả dầu WTI và dầu Brent đều rớt mốc 30 USD/thùng.

Rắc rối cũng thể hiện trên thị trường tín dụng. Chi phí phòng ngừa rủi ro vỡ nợ cho nợ bằng đồng USD và euro tăng lên mức kỉ lục mới, khi nhà đầu tư hoài nghi chính sách tiền tệ không thể làm giảm rủi ro suy thoái.

Một tin tốt hiếm hoi là: Chỉ 19 tỉ USD trong đợt repo 500 tỉ USD của FED được thực thi. Điều này cho thấy FED đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng về vốn tại thời điểm đó.

Thế nhưng, sự thật là đó không phải những gì thị trường đang kinh sợ tại thời điểm này. Họ lo sợ về một cuộc khủng hoảng kinh tế khi phải đối mặt với một bi kịch của loài người – và việc bơm thêm vốn vào hệ thống cũng không giúp các doanh nghiệp khá lên khi nhu cầu của người tiêu dùng không còn.

Chỉ số Dow Jones mất 2.997 điểm và xét trong 1 tháng, chỉ số này đã rớt 30% từ mức đỉnh. Trong 3 phiên giao dịch vừa qua thì đã có tới 2 phiên giao dịch nằm trong top phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử.

“Dường như các chủ NHTW và Chính phủ cố gắng làm càng nhiều, thì thị trường lại càng bớt thích”, ông Sobczyk cho hay.

“Chẳng hề có niềm vui”

Ngày thứ Ba (17/3): Giao dịch biến động liên hồi ở châu Á và dọn đường cho phiên biến động ở châu Âu và Mỹ. Chúng tôi đang trông chờ một đợt hồi phục mạnh, nhưng niềm tin dường như đã vụn vỡ ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc.

S&P 500 tăng tới 7% sau khi chìm đắm trong sắc đỏ trước đó, tiếp tục chuỗi ngày biến động mạnh chưa từng thấy kể từ cuộc Đại Suy thoái. Thực tế thì biến động là một trong những kẻ chiến thắng trong đại dịch Covid-19.

Biến động xuất hiện trong những giai đoạn giảm trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ trong những năm qua, vào kỉ nguyên lãi suất cực thấp và có các gói QE. Hiện giờ các bước biến động của giá đã trở nên cực kì lớn, đến nỗi làm dấy lên suy đoán cho rằng hàng loạt nhà đầu tư đã điều chỉnh chiến lược dựa trên mức biến động giá cổ phiếu, và điều này làm mọi thứ thêm tồi tệ.

Trên thị trường tiền tệ, hồi chuông cảnh báo lại gióng lên. Trong suốt buổi sáng ở thị trường châu Âu, hợp đồng hoán đổi tiền tệ đối với euro-USD đột nhiên biến động mạnh nhất kể từ năm 2011. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 biến động quá nhanh:

Nhật kí về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên con tàu lượn Phố Wall - Ảnh 3.

Hợp đồng tương lai. (Nguồn: Bloomberg).

Đối mặt với khủng hoảng lần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết sẽ cung cấp thanh khoản theo dạng hợp đồng hoán đổi kết hợp với FED.

Ngoài ra, FED cũng tiết lộ sẽ khởi động lại chương trình hồi kỉ nguyên khủng hoảng tài chính, để giúp các công ty Mỹ vay nợ thông qua thương phiếu.

Dấu hiệu căng thẳng đã giảm bớt, nhưng không hoàn toàn biến mất.

Dev Kantesaria là nhà sáng lập của Quỹ đầu cơ Valley Forge Capital Management có trụ sở ở Wayne, Pennsylvania, đi tới Trường Y tế Harvard và có bạn bè làm việc trong những phòng cấp cứu. Họ kể cho ông những câu chuyện về nguồn cung đang cạn dần, và ngày càng nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona. Các bác sĩ khác còn nói với ông về việc số lượng công cụ xét nghiệm khá hạn chế.

“Người dân và nhà đầu tư vẫn không hiểu về sự nghiêm trọng của tình hình hiện nay”, ông Kantesaria cho biết. “Tôi vẫn không tin phản ứng của thị trường hiện nay phản ánh hoàn toàn tác động của những gì xảy ra trong 3-6 tháng tới”.

Có quá nhiều bằng chứng cho nhận định trên. Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ giảm mạnh trong tháng 2/2020, cho thấy động lực chính của nền kinh tế Mỹ - chi tiêu tiêu dùng – đã bắt đầu chậm lại trước khi Mỹ triển khai các biện pháp kiểm soát dịch.

Ở Na Uy, số lượng người đăng kí trợ cấp thất nghiệp tăng vọt 128% trong 1 tuần. Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa biên giới, nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh. Các nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất khu vực, từ Volkswagen AG cho đến Airbus SE và Daimler AG, đều “chết đứng như Từ Hải”, nhà máy đứng yên bất động.

“Thực sự chẳng vui nổi”, ông Kantesaria nhận định. “Đây là một khoảng thời gian đen tối, cho dù mà người đó có làm ra tiền hay không”.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt tuyên bố sau đó trong ngày thứ Tư (18/3) đến mà chẳng còn gì bất ngờ. Anh chuyển từ chế độ hòa bình sang đấu tranh chống dịch, cam kết bơm hàng trăm tỷ đô để bảo vệ nền kinh tế.

Chính quyền Trump nói về việc gửi tiền cho người dân Mỹ trong vòng vài tuần để ngăn chặn tác động tài chính của một bất ổn chưa từng thấy về tương tác xã hội. Và có vẻ như dịch bệnh đã đẩy cả thế giới vào guồng quay suy thoái.

Mối tương quan vụn vỡ

Ngày thứ Tư (18/3): Cổ phiếu và trái phiếu cùng sụt giảm và đây là chuyện không thường xảy ra.

Trái phiếu Chính phủ Mỹ nới dài đà giảm so với 1 ngày trước đó, khi các nhà đầu tư điều chỉnh theo kì vọng Chính phủ Mỹ sẽ vay thêm. Trái phiếu đô thị nới dài chuỗi lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1987. Trái phiếu Chính phủ ở châu Âu cũng lao dốc, khi Đức ám chỉ về khả năng phát hành chung tại EU lần đầu tiên.

Nhật kí về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên con tàu lượn Phố Wall - Ảnh 4.

Giảm đồng loạt. (Nguồn: Bloomberg).

Ngày hôm đó, thị trường cổ phiếu cũng tụt dốc khi tác động kinh tế của virus corona dường như vượt qua tốc độ phản ứng chính sách. 

S&P 500 hứng chịu lần ngắt mạch thứ 2 trong 3 phiên, qua đó đẩy chỉ số sợ hãi VIX lên mức cao nhất trong lịch sử. Phần lớn đà tăng của chứng khoán Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức đã biến mất. Đúng là “kiếm củi 3 năm thiêu 1 tháng”.

Thông thường, trái phiếu Chính phủ Mỹ thường tăng khi cổ phiếu giảm và ngược lại. Vì thế, trong một chiến lược cổ điển, nhà đầu tư thường sử dụng trái phiếu để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu. Nhưng chiến lược đó cũng không có tác dụng tại thời điểm này.

Giá vàng cũng rớt. Trader thật sự không còn kênh trú ẩn an toàn đúng nghĩa, và trong cơn tuyệt vọng, họ đổ xô bán tài sản để chuyển sang tiền mặt.

Tình hình hiện nay có tất cả các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng. Thế nhưng, đối với nhiều chuyên gia, khủng hoảng vẫn chưa tới.

Ông Peter Sleep, chuyên gia quản lí quỹ tại Seven Investment Management ở London, dành cả ngày thứ Hai (16/3) để dán mắt vào màn hình web Bloomberg, theo dõi những sự kiện cùng với các đồng nghiệp. Vào ngày thứ Ba (17/03), ông ấy ở nhà một mình.

“Chính phủ đưa ra tuyên bố về các gói hỗ trợ dường như có quy mô rất lớn, nhưng những thông tin xác nhận về tính nghiêm trọng dường như vẫn chưa xuất hiện”, ông nói. “Với việc thiếu thông tin nhiễu và áp lực, tôi chưa thực sự cảm thấy căng thẳng”.

Vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Tư (18/3), dường như ông Sleep chẳng cần ai để xác nhận lại mức độ nghiêm trọng của tình trạng hiện tại. Sô lượng ca nhiễm tại châu Âu đã vượt Trung Quốc. Chỉ số USD của Bloomberg chạm mức cao nhất mọi thời đại, khi nhà đầu tư tìm tới tài sản an toàn nhất và thanh khoản cao nhất. Đồng bảng Anh tụt dốc khi xuất hiện thông tin London có thể bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Nhật kí về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên con tàu lượn Phố Wall - Ảnh 5.

Kênh trú ẩn an toàn cuối cùng. (Nguồn: Bloomberg).

Các hạn chế không thể ngăn trung tâm ngoại hối lớn nhất thế giới hoạt động, nhưng tác động tâm lí của dịch bệnh thực sự đủ lớn để tác động tới thanh khoản và gây biến động mạnh.

Thị trường giảm rất nhanh và tàn khốc. Các động thái của NHTW tác động tích cực đến nhiều góc của thị trường, nhưng trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, căng thẳng vẫn bao trùm. Thị trường trái phiếu Chính phủ và địa phương trị giá 3,9 ngàn tỉ USD ở Mỹ chứng kiến lợi suất tăng mạnh khi nhà đầu tư rút vốn.

Giá dầu vốn đã giảm mạnh, nay lại rớt thêm 24%. Đáng chú ý, đó thậm chí chưa phải là phiên tồi tệ nhất của thị trường dầu trong tháng này. Đà rớt mạnh của giá dầu tác động đến đồng krone của Na Uy. Tại một thời điểm, đồng tiền này rớt giá hơn 10%. Các kim loại công nghiệp như đồng đều sụt giảm khi cơn bão kinh tế càn quét tất cả.

Sau đó, ECB tổ chức họp khẩn cấp.

Hành động

Vào ngày thứ Năm (18/3): Không còn gì để kinh ngạc, cũng chẳng còn gì để sốc. Ngày thứ Năm (18/3), cả NHTW lẫn Chính phủ cùng nhau hành động để vực dậy thị trường tài chính và nền kinh tế. Ở một vài góc của thị trường, đây là ngày bình yên nhất trong hơn 1 tuần qua. Nhà đầu tư giờ đã biết chắc rằng các NHTW sẽ làm tất cả những gì có thể và điều đó giúp khôi phục lại phần nào trật tự trước đó.

Ở châu Âu, họ biết vì ECB nói với họ như thế. Sau cuộc họp khẩn cấp, ECB tung ra chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỉ euro (tương đương 820 tỉ USD) và cam kết điều chỉnh lại giới hạn nới lỏng định lượng.

Nhật kí về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên con tàu lượn Phố Wall - Ảnh 6.

Dòng tweet của bà Christine Lagarde, Chủ tịch NHTW châu Âu.

Tuyên bố của ECB được đưa ra trong đêm, nhưng đó chỉ mới là khởi đầu. NHTW Nhật Bản mua trái phiếu trong suốt phiên ngày thứ Sáu (19/3). FED cho biết sẽ tung ra cơ chế thanh khoản quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ (a money market mutual fund liquidity facility). NHTW Australia cắt giảm lãi suất. Thậm chí NHTW Philippines cũng hành động, thông báo cắt giảm lãi suất trước cuộc họp chính thức. Chỉ số chứng khoán của Philippines rớt 13% sau khi mở cửa hoạt động trở lại.

Nhật kí về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên con tàu lượn Phố Wall - Ảnh 7.

(Nguồn: Bloomberg).

Chưa hết, NHTW Anh khởi động lại gói QE và thực hiện thêm 1 đợt hạ lãi suất khẩn cấp. Các nhà hoạch định chính sách Thụy Điển tăng cường hỗ trợ. Đức tuyên bố tình trạng khẩn cấp để dọn đường cho việc vay nợ không giới hạn.

Đây là hàng loạt hành động ít khi xảy ra trong lịch sử. Thế nhưng, trên thị trường, phản ứng có phần hơi lãnh đạm. Rồi sau đó, kết quả mong chờ cũng đến. Tâm lí chung dường như đã tích cực lại đôi chút.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, dường như không xảy ra tình trạng ngắt mạch và hợp đồng tương lai cũng không giảm kịch sàn. Chỉ số sợ hãi đã giảm đôi chút. Chứng khoán châu Âu ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Sau diễn biến kinh dị của ngày 18/3, giá dầu cũng tăng mạnh chưa từng thấy. Thậm chí thị trường tín dụng cũng khởi sắc.

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, dường như có dư chấn từ những phiên biến động mạnh gần đây. Đồng USD tăng phiên thứ 8 liên tiếp, đẩy chỉ số USD của Bloomberg lên cao nhất trong lịch sử 15 năm. Lượng nợ xấu trên thị trường doanh nghiệp Mỹ tăng gấp đôi trong 2 tuần.

“Bỏng tay” vì đà giảm trên thị trường, các quỹ đầu cơ thu hẹp quy mô. Và trong những phiên biến động mạnh trên thị trường trái phiếu, một số nhà đầu tư trên Phố Wall đã nhận thấy dấu hiệu của tình trạng margin call.

Hiện tượng margin call càng làm đà giảm thêm mạnh hơn và là một trong những đặc điểm dẫn tới các cuộc sụp đổ tài chính.

“Diễn biến quá nhanh quá nguy hiểm”, ông Courtney tại Exencial cho hay. “Đây có lẽ là một trong những bằng chứng lớn nhất cho thấy thị trường đang thiếu thanh khoản, và những người đầu tư dựa vào margin và tiền vay nợ đang bị margin call hoặc chủ nợ đòi. Vì không những cổ phiếu giảm, vàng giảm mà trái phiếu cũng giảm. Mọi tài sản đều bị bán tháo để chuyển sang tiền mặt”.

Níu giữ

Ngày thứ Sáu (19/3): Tuần biến động quá nhanh quá nguy hiểm. Những khuôn mặt mệt mỏi và chán chường hiện rõ trên các trader. Các hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 tăng trong suốt phiên giao dịch châu Á và châu Âu, và chứng khoán hai khu vực này cũng khép phiên trong đà tăng mạnh.

Thế nhưng, những dòng thông báo từ NHTW và động thái chính sách để đối phó với tác động của virus dường như chậm lại, trong khi số lượng ca nhiễm và tác động kinh tế từ dịch bệnh cứ tiếp tục gia tăng. Bang New York yêu cầu tất cả người lao động không thiết yếu ở nhà. Italy ghi nhận 627 ca tử vong trong 1 ngày, nhiều nhất từ trước đến nay.

Khu vực này đang bàn về một vụ suy thoái như hồi năm 2008-2009. Tại Mỹ, ông Ray Dalio, nhà sáng lập của Bridgewater Associates – quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới, ước tính doanh thu của doanh nghiệp Mỹ có thể mất 4 ngàn tỉ USD vì virus corona.

Chẳng có ai có thước đo nào dành cho mức độ bán tháo nhanh đến cỡ này hoặc một đại dịch lớn như thế này. Cuối cùng, S&P 500 cũng không thể giữ lại sắc xanh, khép phiên giảm mạnh và kết thúc tuần qua với mức giảm 15%.

Trong khi đó, FED mở rộng chương trình khẩn cấp để cứu thị trường trái phiếu đô thị đang dần sụp đổ. Và bất chấp những gì họ làm cho đến nay, FED vẫn buộc phải triển khai hạn mức tín dụng chéo với các ngân hàng trung ương khác để đảm bảo thanh khoản USD không đóng băng.

Lạ lùng thay, sau tất cả động thái chưa từng có tiền lệ từ NHTW và Chính phủ Mỹ, thị trường lại kết thúc như cách nó bắt đầu – với cổ phiếu tụt dốc, trái phiếu tăng giá và đồng USD đi ngang.


chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.