Kết thúc phiên 2/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng sốc 1.294 điểm, tương đương 5,1% và đóng cửa ở 26.703 điểm. Tính theo tỉ lệ %, đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2009.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 4,6% và 4,5%, cùng ghi nhận phiên tăng sốc nhất kể từ cuối năm 2018.
Sự hồi phục ấn tượng của phiên 2/3 đã cắt đứt chuỗi suy sụp 7 phiên liên tiếp của Dow Jones. Cổ phiếu của đại gia công nghệ Apple dẫn dắt Dow Jones đi lên, khi tăng tới 9,3%. Cổ phiếu dược phẩm Merck và bán lẻ Walmart tăng lần lượt 6,3% và 7,6%.
Các nhóm cổ phiếu tiện ích, công nghệ, tiêu dùng thiết yếu và bất động sản đều tăng trên 5% và đưa chỉ số S&P 500 hồi phục.
Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần bán tháo giữa những lo sợ dịch Covid-19 bùng phát, cả ba chỉ số chính đều ghi nhận tuần giao dịch thảm hại nhất kể từ khủng hoảng năm 2008.
Chỉ số S&P 500 rơi từ đỉnh lịch sử vào vùng điều chỉnh chỉ trong 6 phiên – tốc độ nhanh chưa từng thấy từ trước đến nay. Dow Jones cũng mất tổng cộng 11%, tương đương 3.600 điểm, trong tuần qua.
Trao đổi với CNBC, ông Keith Buchanan, quản lí danh mục đầu tư tại Công ty tư vấn đầu tư Globalt, nhận định: "Thị trường đã ở trong tâm thế sẵn sàng bắt đáy. Nhà đầu tư từ lâu đã quen với việc sau khi thị trường tiêu cực vài ngày thì sẽ đến một số ngày đi lên liên tục.
Sau phiên 2/3, cả ba chỉ số đều đã thoát khỏi vùng điều chỉnh (được định nghĩa là giảm trên 10% từ đỉnh gần nhất). Dow Jones và Nasdaq Composite hiện nay chỉ ở dưới đỉnh lần lượt là 9,7% và 9%. S&P 500 còn cách đỉnh lịch sử 8,9%.
Tuy nhiên ông Peter Cardillo, Kinh tế trưởng về thị trường tại Spartan Capital Securities cho rằng tình huống xấu nhất có lẽ chưa qua đi, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn dài vẫn ở quanh đáy lịch sử, và nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng vẫn còn hiện hữu.
Hiện toàn thế giới đã ghi nhận hơn 88.000 ca nhiễm Covid-19, với hơn 3.000 ca tử vong. Australia, Thái Lan và Mỹ đều đã công bố các trường hợp tử vong vì nhiễm Covid-19.
Trung Quốc vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới nhưng tình hình đã phần nào lắng dịu. Một bệnh viện dã chiến tại tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã đóng cửa cuối tuần qua, do bệnh nhân đã xuất viện hết.
Trái lại, số ca nhiễm Covid-19 tại Anh, Đức, Italy và đặc biệt là Hàn Quốc đang tăng lên rất nhanh.
Sau gần hai tháng chống chọi với dịch bệnh bằng nhiều biện pháp mạnh tay, như hoãn mở cửa nhà máy, phong tỏa hàng chục thành phố, … Trung Quốc đã phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Trong giờ giao dịch của thị trường châu Á ngày 2/3, số liệu Nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực sản xuất tháng 2 được Caixin/Markit công bố, cho thấy một bức tranh tăm tối: Các nhà kinh tế do Reuters khảo sát dự đoán chỉ số PMI này sẽ đạt 45,7 điểm nhưng số thực tế chỉ là 40,3.
Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế thu hẹp. Nói cách khác, Trung Quốc đã phải chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế để nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19.
Hôm Chủ nhật (1/3), số liệu PMI khu vực sản xuất tháng 2 do chính phủ Trung Quốc công bố thậm chí còn chỉ đạt 35,7 điểm – mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Trong tháng 1 khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng, chỉ số này vẫn còn ở ngưỡng 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất không mở rộng nhưng cũng không sa sút.
Doanh thu từ sòng bạc ở Macau trong tháng 2 sụt tới 88%. Số liệu của nền kinh tế Mỹ cũng tương đối bi quan. Chỉ số PMI khu vực sản suất tháng 2 của Viện Quản lí nguồn cung (ISM) chỉ đạt 50,1 điểm, thấp hơn kì vọng 50,8 điểm của giới phân tích.
Tuy nhiên những con số tiêu cực này cũng không còn tác động nhiều tới thị trường, khi nhà đầu tư kì vọng các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Fed của Mỹ, sẽ nới lỏng tiền tệ.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020