Người Mỹ phải trả... hơn 6.600 USD sau khi cách li phòng virus corona

Được chính phủ Mỹ đưa về từ Vũ Hán và phải bắt buộc cách li 14 ngày, hai cha con tá hoả khi phải thanh toán khoảng tiền hơn 6.600 USD (tương đương 150 triệu đồng), từ phí xe đưa đón đến đọc kết quả X quang,… Người Mỹ đang không rõ ai sẽ trả viện phí cho họ nếu phải bắt buộc cách li phòng corona theo lệnh của chính quyền.

Thời Báo New York đã có một bài phân trần về hoàn cảnh của Frank Wucinski và cô con gái 3 tuổi của mình, Annabel. Hai cha con này nằm trong số hàng chục người Mỹ, được chính phủ rước về nước từ Vũ Hán, và thực hiện cách li để kiểm tra các dấu hiệu của virus corona. Nhưng bây giờ họ bất đắc dĩ trở thành một trong số những gia đình sở hữu "nợ" khi nhận các hóa đơn y tế bất ngờ, liên quan đến việc cách li và kiểm dịch đã được chính phủ ủy quyền.

Trả hơn 150 triệu đồng sau khi cách li phòng corona

Ông Frank, một người gốc Pennsylvania sống ở Trung Quốc trong nhiều năm, đã chấp nhận đề nghị của chính phủ Mỹ để sơ tán khỏi Vũ Hán với cô con gái Annabel vào đầu tháng 2, khi virus corona mới lan rộng. Vợ ông, không phải là công dân Mỹ và vẫn ở Trung Quốc, đã bị viêm phổi do Covid-19. Cha vợ của Frank, người mà vợ anh chăm sóc,đã bị nhiễm bệnh và mới qua đời.

Người Mỹ phải trả... 150 triệu đồng sau khi cách li phòng dịch corona - Ảnh 1.

Cha con Frank sau khi vượt qua 14 ngày cách li. (Ảnh: NYT).

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Frank và Annabel là một cuộc cách li hai tuần tại Trạm Thủy quân lục chiến Miramar gần San Diego. Trong thời gian này, họ có hai lần ở lại trong một đơn vị cách li tại một bệnh viện nhi gần đó. Lần đầu tiên bắt đầu khi vừa đặt chân về quê hương xứ sở, và lần thứ hai là một vài ngày sau đó, sau khi một quan chức nghe thấy tiếng ho của Annabel.

"Nhân viên bệnh viện rất tốt bụng. Họ mang cho chúng tôi rất nhiều đồ chơi. Họ cũng đến trò chuyện với tôi mỗi 3 hoặc 4 ngày một lần. Tôi yêu con gái mình đến chết, nhưng ở cùng một phòng trong một thời gian dài, thì cô bé không phải là một người giao tiếp tuyệt vời", ông chia sẻ.

Đến nay, cả hai đã nhiều lần xét nghiệm âm tính với virus. Cuộc đời của hai cha con dường như sang trang mới, tươi sáng hơn những ngày u ám ở Vũ Hán, hay 14 ngày cách li tù túng.

Sau khi được kiểm dịch, ông Frank và con gái đã đến ở với mẹ tại Harrisburg. Đây cũng là nơi họ vỡ lẽ màu hồng dường như không tô lên cuộc sống của hai cha con, khi họ nhìn thấy một đống hóa đơn y tế đang chờ.

Số tiền chính xác mà cha con Frank phải trả là 3.918 USD (hơn 91 triệu đồng). Đáng nói, đó chỉ là chi phí cho các bác sĩ bệnh viện, bác sĩ X quang và một công ty cứu thương.

Nhưng hóa đơn bệnh viện chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những khoản nợ khổng lồ mà gia đình nhỏ này nhận được. Công ty cứu thương vận chuyển cha con Frank, American Medical Response, đã buộc gia đình bất hạnh này phải trả 2.598 USD (hơn 60 triệu đồng) cho việc đưa họ đến bệnh viện.

Ngoài ra, họ còn phải trả thêm khoản phí bổ sung 90 USD (hơn 2 triệu đồng) đến từ các bác sĩ X quang đọc quét tia X của bệnh nhân và không làm việc cho bệnh viện. Thời Báo New York giải thích, thực tế có những bác sĩ như vậy, những người có thể ở ngoài mạng lưới bảo hiểm của bệnh nhân nhưng cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân, là một trong những nguyên nhân chính gây ra các hóa đơn y tế "cắt cổ".

Nằm viện ở Mỹ tốn 100 triệu đồng mỗi ngày

"Tôi đinh ninh rằng tất cả đã được trả tiền. Chúng tôi không có sự lựa chọn. Khi các hóa đơn xuất hiện, nó như một cú đấm mạnh vào mặt tôi. Tôi cứ ong ong trong đầu về việc 'Làm thế nào để tôi trả hết số tiền cho điều này?", ông Frank nói.

Đơn vị sử dụng sức lao động của ông Frank là một công ty thử nghiệm tiêu chuẩn, đã cung cấp các phúc lợi sức khỏe khi ông sống ở Trung Quốc, nhưng không cung cấp bảo hiểm tại Mỹ.

Thời Báo New York cho biết, bệnh nhân ở Mỹ thường xuyên phải đối mặt với các hóa đơn y tế bất ngờ khó giải mã. Trường hợp của ông Frank cho thấy rằng những người bị cách li bắt buộc, vì nghi ngờ virus corona có thể không phải là ngoại lệ.

Người Mỹ phải trả... 150 triệu đồng sau khi cách li phòng dịch corona - Ảnh 2.

Mỹ đang thực hiện cách li bắt buộc với những công dân trở về từ vùng dịch. (Ảnh: NBC).

Chính phủ liên bang có thẩm quyền cách li bệnh nhân nếu tin rằng họ là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Nhưng chính quyền không hề đề cập bất cứ điều gì về việc ai sẽ trả tiền khi lệnh cách li xảy ra trong một cơ sở y tế phi chính phủ, hoặc khi họ được một công ty cứu thương tư nhân đưa đến đó.

Về điều này, ông Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói: "Không có sự áp dụng thống nhất. Họ có quyền hạn, nhưng họ hầu như chưa bao giờ sử dụng chúng trong thời hiện đại".

Rất ít bệnh nhân đã bị cách li bắt buộc, nhưng số lượng có thể sẽ tăng lên nếu virus corona tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ. Một phát ngôn viên của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, đã từ chối bình luận về việc liệu họ có trả các hóa đơn của bệnh nhân cách li bắt buộc hay không.

Ông Gostin lo ngại rằng chi phí cao cho việc cách li bắt buộc có thể khiến bệnh nhân giấu bệnh và né tránh việc tìm kiếm phương pháp điều trị y tế cần thiết. 

"Quy tắc quan trọng nhất của sức khỏe cộng đồng là giành được sự hợp tác của người dân. Có nhiều lí do hợp pháp, đạo đức và sức khỏe cộng đồng để chúng ta không nên tính phí cho những bệnh nhân này", ông nhận định.

Người Mỹ phải trả... 150 triệu đồng sau khi cách li phòng dịch corona - Ảnh 3.

Mỹ đang có dấu hiệu bùng phát dịch corona, bang Washington dẫn đầu với 39 ca nhiễm, trong đó có 10 người tử vong. (Đồ hoạ: Washington Post).

Chi phí nằm viện tại Mỹ thuộc hàng "cắt cổ" trên thế giới và luôn là một ác mộng với nhiều người. Liên đoàn các Chương trình Y tế Quốc tế ước tính rằng một ngày trung bình ở bệnh viện Mỹ có giá 4.293 USD (gần 100 triệu đồng), quá cao so với 1.308 USD (hơn 30 triệu đồng) ở Úc và 480 USD (hơn 11 triệu đồng) ở Tây Ban Nha.

Chi phí nằm viện có thể đặc biệt tốn kém cho bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, hoặc cho những người thuộc diện có khoản khấu trừ lớn mà họ phải trả trước, khi phát sinh phúc lợi về sức khỏe.

Ai sẽ là người thanh toán viện phí cho những người bị cách li nghi nhiễm Covid-19?

Ông Frank nhớ lại các bệnh nhân khác hỏi về cách xử lí hóa đơn y tế trong các cuộc họp tại tòa thị chính hàng ngày cho những người bị cách li tại nhà ga của Thủy quân lục chiến. Ông khẳng định, bản thân luôn cảm thấy câu trả lời của chính quyền đều không rõ ràng.

Ông bố này đã nhận được một tài liệu sau khi rời khỏi điểm kiểm dịch. Tài liệu hướng dẫn ông liên hệ với một địa chỉ email của chính phủ với bất kì hóa đơn y tế. Ông đã gửi một email vào ngày 24/2, chi tiết các khoản phí và hỏi những gì sẽ được thực hiện.

"Câu hỏi của tôi là tại sao chúng tôi phải trả phí cho những lần cách li này, nếu chúng là bắt buộc và chúng tôi không có lựa chọn nào khác trong vấn đề này?", ông Frank bức xúc cho biết.

Đến nay, ông vẫn chưa nhận được bất kì phản hồi nào. Khi được Thời Báo New York liên lạc, người phát ngôn của Bệnh viện Rady Children, cho biết hóa đơn của các bác sĩ đã bị gửi nhầm, và gia đình sẽ không chịu trách nhiệm về việc thanh toán viện phí cho đợt cách li.

Người phát ngôn của bệnh viện, ông Benjamin Metcalf, cho biết: "Chúng tôi đang trong quá trình đánh giá lỗi xảy ra như thế nào. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan chính phủ về việc thanh toán cho những trường hợp này".

Người Mỹ phải trả... 150 triệu đồng sau khi cách li phòng dịch corona - Ảnh 4.

Chính quyền vẫn chưa xác định rõ ràng về việc trả viện phí cho những trường hợp bị cách li bắt buộc để ngừa lây nhiễm Covid-19. (Ảnh: CNBC).

Đó chỉ là chi phí bệnh viện, với các loại phí phát sinh khác, câu trả lời cho cha con Frank hầu như vô vọng. Một đại diện của công ty xe cấp cứu đã đưa cha con Frank đến bệnh viện, từ chối bình luận về hóa đơn, vì những lo ngại về quyền riêng tư của bệnh nhân. Nhưng vị đại diện này nói rằng công ty sẽ xem xét vụ việc. 

Chủ nhân của các bác sĩ X quang, Tập đoàn hình ảnh y tế San Diego, đã không trả lời yêu cầu bình luận khi được Thời Báo New York hỏi đến.

Ông Wucinski đang xem xét liệu ông hoặc con gái của mình có đủ điều kiện nhận trợ cấp y tế hay không. Đây là chương trình bảo hiểm công cộng dành cho người Mỹ có thu nhập thấp.

Gần đây, ông Frank cứ ho liên tục trong buổi phỏng vấn ngắn trên sóng truyền hình. Ông còn nhận thấy rằng cô con gái cứ chớp mắt liên hồi. Ông Frank đang muốn đưa con gái đi bác sĩ để kiểm tra, nhưng lo lắng về những cáo buộc "trốn nghĩa vụ thanh toán viện phí" mà họ có thể phải đối mặt.

"Tôi nên đưa con gái của mình đến bác sĩ tuần này để kiểm tra, nhưng chúng tôi không có bảo hiểm. Vậy nên, chúng tôi sẽ phải trả viện phí bằng tiền túi", ông lo lắng.