Theo CNBC, vào ngày 15/3, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) tuyên bố rằng Credit Suisse hiện đang có tình hình tài chính tốt, và sẽ được cung cấp thêm thanh khoản nếu cần thiết.
Tuyên bố chung từ Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sỹ và SNB khẳng định Credit Suisse “đáp ứng các yêu cầu về vốn và thanh khoản” và ngân hàng trung ương sẽ can thiệp nếu tình hình thay đổi.
Các cơ quan quản lý cũng cho biết sự sụp đổ của hai ngân hàng địa phương tại Mỹ vào tuần trước không tạo ra “rủi ro lây nhiễm trực tiếp” tới các ngân hàng Thụy Sỹ.
Ngoài ra, theo Bloomberg, chính phủ Thụy Sỹ còn đang xem xét những lựa chọn khác để xử lý khủng hoảng Credit Suisse, bao gồm tách hoạt động kinh doanh tại Thụy Sỹ và hợp tác với đối thủ lớn hơn là UBS. Chính phủ Thụy Sỹ cũng đưa ra ý tưởng mua lại cổ phần của Credit Suisse nhằm tăng vốn nếu cần thiết.
Tuyên bố về bơm thanh khoản được đưa ra sau khi cổ phiếu của Credit Suisse giảm hơn 20% trong phiên 15/3. Ngân hàng này trước đó đã trì hoãn công bố báo cáo thường niên của mình, và cho biết vào ngày 14/3 rằng đã tìm thấy “điểm yếu quan trọng” trong báo cáo tài chính của những năm trước.
Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - cho biết không thể cung cấp thêm vốn cho Credit Suisse vì vấn đề pháp lý. Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi tuyên bố hài lòng với kế hoạch chuyển đổi của Credit Suisse và tình hình tài chính của công ty có vẻ tốt.
Chứng khoán lưu ký của Credit Suisse tại Mỹ đã tăng trở lại sau thông báo từ các cơ quan quản lý. Thị trường châu Âu đã đóng cửa khi thông báo được đưa ra. Credit Suisse “hoan nghênh tuyên bố hỗ trợ” từ các cơ quan quản lý.
Mối lo ngại về Credit Suisse xuất hiện sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank tại Mỹ vào tuần trước. Vào ngày 12/3, cơ quan quản lý tại Mỹ đã công bố kế hoạch bảo đảm cho tất cả tiền gửi ở hai ngân hàng cũng như cung cấp thêm thanh khoản cho hệ thống tài chính.
Sự sụt giảm cổ phiếu của Credit Suisse hôm 15/3 làm tăng thêm lo ngại về hệ thống ngân hàng. Cổ phiếu của những ngân hàng lớn tại châu Âu và Mỹ, bao gồm Deutsche Bank và Citigroup, cũng đi xuống như nhiều cổ phiếu ngân hàng địa phương.
Những rạn nứt trong hệ thống ngân hàng thương mại đang xuất hiện sau nhiều đợt tăng lãi suất chóng mặt của các ngân hàng trung ương toàn cầu nhằm chiến đấu với lạm phát.
Thông báo từ các nhà quản lý Thụy Sỹ được đưa ra chỉ một ngày trước cuộc họp về chính sách tiền tệ tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) sẽ có cuộc họp vào tuần tới, ngày 21- 22/3.