Cử tri bất bình với nạn ô nhiễm môi trường ở đô thị

Cử tri phản ánh tiến độ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm. Việc xử lí của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường lúng túng.

Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/10 về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết đã có 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri được gửi tới Quốc hội.

Theo ông Mẫn, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua, đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn, lo lắng về tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định.

Thiếu trách nhiệm và năng lực yếu kém dẫn đến sai phạm

Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, cử tri lo lắng khi tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ với hành động liều lĩnh, manh động.

Cử tri bất bình với nạn ô nhiễm môi trường ở đô thị - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Hoàng Hà).

Từ đó, đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tăng cường quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, xử lí nghiêm đối tượng phạm tội.

Đặc biệt, cử tri một số nơi phản ánh về sự thiếu trách nhiệm và năng lực quản lý yếu kém của cơ quan chức năng, chính quyền một số địa phương dẫn đến tình trạng sai phạm xảy ra trong triển khai các dự án khu đô thị, chung cư.

Điển hình như vụ sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh khi triển khai dự án khu đô thị Linh Đàm với các dự án nhà ở tại VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm.

Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm, xử lí nghiêm cán bộ có liên quan đến sai phạm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chức năng nơi có công trình, dự án sai phạm.

Cử tri cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lí các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ án lớn mà nhân dân quan tâm.

Chính quyền phản ứng lúng túng trước sự cố môi trường

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhắc đến phản ánh cử cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP HCM gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân.

Cử tri bất bình với nạn ô nhiễm môi trường ở đô thị - Ảnh 2.

Cử tri phản ánh tới Quốc hội cho rằng chính quyền một số địa phương phản ứng lúng túng trước các sự cố môi trường. (Ảnh: Việt Linh).

Tại Hà Nội, theo số liệu từ 13 trạm quan trắc, trong thời gian từ ngày 12/9 đến 29/9, chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép.

Tại TP HCM, theo số liệu từ 30 trạm quan trắc chất lượng không khí từ ngày 3/9 đến 20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO...

Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM 10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tăng khoảng 30%.

Phản ánh của cử tri gửi tới Quốc hội nhận định tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm. Đặc biệt, việc xử lí của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.

Đơn cử như vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông sử dụng thủy ngân có độc tính cao hơn so với viên amalgam.

Từ năm 2016, công ty công bố chỉ sử dụng viên amalgam (hỗn hợp của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg. Tuy nhiên, thực tế lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.

Cử tri đề nghị khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lí nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường. Và phải thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, trước hết là Hà Nội, TP HCM khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở trong nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quĩ đất xây dựng các công trình công cộng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.