Cử tri muốn đưa chuyện Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội

"Đề nghị các đại biểu chuyển những nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm tới Quốc hội", cử tri Nguyễn Hồng Quang phát biểu sáng 7/5.

Sáng 7/5, tổ đại biểu Quốc hội (đơn vị số 7) tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV. Các đại biểu tiếp xúc cử tri gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP và bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó chánh án TAND TP.HCM.

Bà Trịnh Ngọc Thúy thông tin một số nội dung của kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 14/6.

Cử tri muốn đưa chuyện Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 2. Ảnh: Sỹ Đông.

Phải giải quyết dứt điểm

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị The (cử tri phường Bình An) cho hay bà đã ra Hà Nội nhiều lần để khiếu nại về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. "Đề nghị các đại biểu có trách nhiệm với người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm vì bao nhiêu người đã chịu cực khổ", bà The mong mỏi.

"Vụ này, cô Quyết Tâm qua nhiều thời kỳ làm đại biểu Quốc hội mà không giải quyết được thì người mới lên thế cô Quyết Tâm phải làm cho trọn vẹn những công việc mà người dân bức xúc", bà The nói thêm.

Cử tri Trương Văn Sinh (cử tri phường Bình Trưng Tây) kiến nghị tổ đại biểu Quốc hội kiểm tra, giám sát việc UBND TP.HCM tổ chức đối thoại với người dân 5 khu phố tại 3 phường và ranh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.

Cử tri muốn đưa chuyện Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội - Ảnh 2.

Cử tri Trương Văn Sinh đề nghị chính quyền TP.HCM phải đối thoại với người dân Ảnh: Sỹ Đông.


Nhiều lần đi khiếu nại, ông Sinh cho rằng Thanh tra Chính phủ chưa làm rõ được những khiếu nại, bức xúc của người dân. Ông đề nghị UBND TP.HCM cần phải đối thoại với người dân để làm rõ các vấn đề mà người dân khiếu nại, có sự tham gia của nhiều bộ ngành Trung ương.

Đề nghị Quốc hội giám sát vấn đề Thủ Thiêm

Ông Nguyễn Hồng Quang (cử tri phường Bình Trưng Đông) cho rằng việc xác định ranh 4,3 ha sai thì cần phải xử lý thấu đáo. Ông Quang nói người dân còn giữ nhiều chứng cứ để chứng minh rằng chính sách đất đai ở Thủ Thiêm không tuân thủ pháp luật về bồi thường theo hướng có lợi nhất cho người dân.

Dẫn chứng trường hợp của gia đình mình, ông Quang cho hay đất của gia đình có bằng khoán trước năm 1975, được cấp chủ quyền nhưng chỉ được bồi thường 150.000 đồng/m2 là quá thấp.

“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất cần giám sát vấn đề Thủ Thiêm. Đề nghị các đại biểu chuyển những nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm tới Quốc hội. Yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội lắng nghe tiếng nói nguyện vọng của người dân và giải quyết”, ông Quang nhấn mạnh.

Cử tri muốn đưa chuyện Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội - Ảnh 3.

Cử tri Nguyễn Hồng Quang. Ảnh: Sỹ Đông.

Quá nửa buổi tiếp xúc, không khí hội trường trở nên nóng hơn khi hầu hết ý kiến của cử tri chỉ tập trung vào quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thậm chí, một số người chưa đến lượt phát biểu ý kiến đã đứng dậy lớn tiếng yêu cầu ban tổ chức đưa micro để phản ánh bức xúc của mình.

Trước tình cảnh này, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị một số cử tri giữ trật tự để đại biểu lắng nghe, ghi lại ý kiến.

Theo dự kiến, các cử tri sẽ phát biểu ý kiến đến 11h, sau đó các đại biểu sẽ trả lời. Tuy nhiên, do quá nhiều người muốn phát biểu, lúc 10h45, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay sẽ tiếp tục ngồi lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến.

Xác định lại ranh giới khu đất 4,3 ha

Trước đó, tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019, thảo luận nhiệm vụ, giải pháp cho công việc trong quý II/2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu ra những vấn đề của các sở ngành còn tồn đọng từ năm 2018 và quý I/2019, trong đó có vấn đề ranh giới địa lý của lô đất 4,3 ha đã được chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP.HCM xác định lại ranh giới cụ thể của khu đất 4,3 ha, dựa vào đó để làm cơ sở xem xét tái bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư cho người dân theo đúng quy định.

Thường trực UBND TP.HCM đang lấy ý kiến của các sở liên quan, các bộ, ngành Trung ương để sớm đi đến thống nhất, tìm giải pháp tốt nhất cho những khiếu nại kéo dài của người dân ở Thủ Thiêm.

Cử tri muốn đưa chuyện Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội - Ảnh 4.

Cử tri quận 2 bức xúc về vấn đề Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Sỹ Đông.


Khu 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm tại góc đường Lương Định Của - Trần Não - đường 34 - đường 35, được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với hàng trăm hộ dân ở khu vực 4,3 ha là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Cử tri muốn đưa chuyện Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội - Ảnh 5.

Vị trí khu đất 4,3 ha ở Thủ Thiêm. Ảnh: Google Maps.

Khu đô thị Thủ Thiêm được kỳ vọng trở thành trung tâm hiện đại và mở rộng của TP.HCM, có các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

Để đầu tư "siêu dự án" này, thành phố đã mất nhiều năm giải tỏa, xảy ra nhiều tranh chấp, liên quan việc xác định ranh quy hoạch.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.