Tối 24/7, tổ đại biểu HĐND TP HCM với sự tham gia của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1, sau kì họp thứ 15 HĐND khoá IX.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tham dự buổi tiếp xúc. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Cử tri Nguyễn Quốc Hưng (phường Nguyễn Cư Trinh) bày tỏ: "Trật tự lòng lề đường quận 1 làm tương đối nghiêm túc, nhưng các quận khác thì không. Cụ thể, các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương không có chỗ để đi trên vỉa hè. Phải làm đồng bộ, nếu chỗ được chỗ không thì làm sao có thành phố văn minh".
Ông chỉ ra còn nhiều hộ kinh doanh chiếm dụng vỉa hè, trong khi diện tích này chưa phục vụ đủ nhu cầu công cộng.
Bên cạnh các vấn đề liên quan phương án chống ngập, thoát nước, các cử tri đặc biệt quan tâm việc phân loại rác thải trên địa bàn. Theo ông Đặng Thanh Bình (phường Nguyễn Cư Trinh), việc chuyển khai phân loại rác hiện vẫn chưa đồng bộ, bởi phương tiện thu gom còn thô sơ, thùng rác công cộng chưa đủ số lượng, điểm tập kết rác chưa phù hợp…
Về phần mình, cử tri Lê Duy Thanh (phường Nguyễn Thái Bình) chỉ ra, một số trường hợp người dân phân loại rác xong, nhưng người thu gom rác lại cho chung vào một túi, rồi đưa lên xe.
Cử tri Lý Tuyết Mai. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Theo cử tri Lý Tuyết Mai (phường Cầu Ông Lãnh), cần tuyên truyền thông tin đại chúng, đưa pháp luật vào chế tài những người xả rác bừa bãi. "Singapore và Campuchia có những biện pháp xử lí người xả rác rất hiệu quả. Còn ở TP HCM, nơi nào có bảng cấm đổ rác lại có những bãi rác rất to", bà Mai nêu ý kiến.
Cử tri này cho rằng, cần thực hiện quyết liệt hơn ở quận 1, bởi người nước ngoài thường cư trú ở quận này. Theo bà, phải phạt tiền hoặc lao động công ích để có kết quả khả quan hơn.
Liên quan việc xây dựng thành phố thông minh, cử tri Nguyễn Thanh Bình (phường Bến Nghé) chỉ ra, lượng du khách đến quận 1 ngày càng tăng cao. "Nên xây dựng thêm 34 nhà vệ sinh công cộng thay vì 34 trạm thu phí để phục vụ nhu cầu của người dân", ông Bình nêu.
Ngoài ra, các cử tri cũng lần lượt chỉ ra những bức xúc liên quan việc xử dụng nguồn nước ngầm, vấn đề liên quan toà nhà 48 Nguyễn Đình Chiểu, thu hồi tầng hầm chung cư 145 Nguyễn Trải, nạn vẽ bậy lên tường, sử dụng bóng cười...
Ghi nhận những góp ý trên, Chủ tịch quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết, quận 1 được chọn là một trong 2 địa phương triển khai khu đô thị thông minh với 8 nội dung cần triển khai trên địa bàn.
Theo đó, cần thay đổi ý thức của người dân về vấn đề rác thải. Việc phân loại rác tại nguồn đang được triển khai rộng rãi trên khắp 10 phường. Đối với rác ở ngoài mặt đường, UBND quận đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại…
Ông Nguyễn Văn Dũng. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Về vỉa hè, ông Dũng đánh giá, quận 1 là một trong những "điểm sáng", được sắp xếp khá tương đối. Song, thời gian gần đây trường hợp lấn chiếm vỉa hè tái đã tái diễn. Theo đó, các phường đã có nhiều đợt kiểm tra, xử lí. Bên cạnh đó, công an cũng tiếp tục tuần tra, xử lí vi phạm giao thông đường bộ để kéo giảm tai nạn và bảo vệ lòng đường, vỉa hè.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong sau đó cho biết, từ khi công bố đề án TP HCM thành đô thị thông minh đến nay đã 18 tháng. Theo đó, cơ sở dữ liệu, hệ sinh thái dữ liệu mở đã hoàn thành giai đoạn 1, TP đã xây dựng trung tâm điều hành thông minh, hình thành trung tâm dự báo và mô phỏng kinh tế, sắp tới sẽ hoàn thành trung tâm an toàn mạng…
Sở Giao thông cũng vừa đưa vào hoạt động trung tâm điều hành toàn thành phố, phối hợp với các lực lượng khác để giải quyết vấn đề giao thông trên toàn TP.
Các vấn đề ngập nước, môi trường… theo ông Phong cần áp dụng công nghệ thông tin để khắc phục. "Các nhà máy và phương pháp xử lí rác thải hiện nay đã lạc hậu. Một ngày có đến 9.000 tấn rác, công nghệ chúng ta xử dụng chủ yếu là chôn lấp, ảnh hưởng đến môi trường. Sở Tài nguyên & Môi trường tập trung thực hiện, song kết quả còn khiêm tốn, phải tích cực triển khai hơn nữa", Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Hiện TP đang tập trung rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là các công trình liên quan đến chỉnh trang đô thị như tuyến Metro số 1, để triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời, đang gấp rút đưa dự án chống ngập vào vận hành.
"Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, từ đây đến 2020, chúng ta phải có 172 km đường, nhưng hơn nửa nhiệm kì mới đạt được 30%. Trong khi dân số hàng năm tăng thêm 200.000 người, hạ tầng giao thông không theo kịp", ông Phong cho biết đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết.