Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: Từ nay không dùng từ 'condotel' nữa

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS Việt Nam (Bộ Xây dựng): “Từ nay trở đi chúng tôi không dùng từ “condotel” nữa, mà gọi là căn hộ du lịch. Ai hỏi về “condotel” thì tôi sẽ không trả lời nữa!".

Từ nay trở đi không gọi là condotel nữa!

Tại hội thảo về Bất động sản 2020  quy tụ hơn 400 nhà môi giới, nhà phát triển dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các phòng công chứng… tham dự, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cũng như nhiều chế tài liên quan đến hoạt động đầu tư, môi giới BĐS.

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: Từ nay không dùng từ 'condotel' nữa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS Việt Nam (Bộ Xây dựng) phát biểu tại workshop "Bất động sản 2020 – Cơ hội và Thách thức” tổ chức ở Đà Nẵng tối 23/12 (Ảnh: HC)

Tại đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS Việt Nam (Bộ Xây dựng) đã chia sẻ về những chính sách mới tác động đến thị trường BĐS trong năm 2020.

Theo ông, năm 2019, thị trường BĐS Việt Nam có những điểm sáng nhưng cũng có những điểm rất khó khăn cho hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động đầu tư.

Về BĐS du lịch, giai đoạn 2015 - 2017 là những năm rất phát triển; tuy nhiên năm 2018 – 2019 có sự điều chỉnh. Đặc biệt là trong lĩnh vực condotel có sự điều tiết rất rõ ràng.

“Tôi đã nói rõ là từ nay trở đi chúng tôi không dùng từ “condotel” nữa, mà gọi là căn hộ du lịch. Ai hỏi tôi về “condotel” thì tôi sẽ không trả lời nữa. Chúng tôi đã thống nhất trong các cơ quan nhà nước là không còn từ condotel mà gọi là căn hộ du lịch!” – Ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh trước các đại biểu tham dự workshop tối 23/12 tại Đà Nẵng.

Về lý do bỏ tên gọi condotel, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Mạnh Khởi giải thích "từ nay trở đi chúng tôi không gọi bằng tên tiếng Anh là condotel nữa, bởi vì pháp luật Việt Nam không có điều chỉnh đối với tiếng Anh mà mình phải quy về nó là loại gì của Việt Nam. Và pháp luật đã có quy định, đó là căn hộ du lịch. Căn hộ du lịch là căn hộ để dùng cho phục vụ khách sạn, du lịch".

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: Từ nay không dùng từ 'condotel' nữa - Ảnh 2.

PV Infonet phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Khởi bên lề cuộc workshop tối 23/12

- Như vậy căn hộ du lịch có được hình thành đơn vị ở hay không?

Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Đã gọi là căn hộ du lịch thì còn “ở” gì nữa. Nếu mà “ở” thì ta gọi thẳng là nhà ở chứ cần gì phải gọi là căn hộ du lịch. Căn hộ du lịch là hôm nay anh đến, ngày mai người khác đến, còn “ở” của anh thì kéo theo bao nhiêu thứ: trường học, bệnh viện… ở đâu?

- Nếu như trước đây có một số dự án kinh doanh condotel nói với khách hàng là có thể hình thành đơn vị ở, nay gọi là căn hộ du lịch, tức không còn đơn vị ở nữa thì sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Về nguyên tắc, chúng tôi chưa bao giờ tìm thấy quy định pháp luật nào cho phép condotel hình thành đơn vị ở cả. Đó là do các doanh nghiệp tự nói ra thôi chứ chưa có cơ quan nhà nước nào nói ở đây hình thành đơn vị ở cả.

- Vậy nếu khách hàng lỡ mua những căn hộ condotel vì tưởng nhầm có thể hình thành đơn vị ở thì sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Đó là do doanh nghiệp, là việc của khách hàng với doanh nghiệp. Họ phải có thỏa thuận với nhau cho thống nhất, chứ còn nhà nước chưa bao giờ nói condotel có thể hình thành đơn vị ở cả.

Khi nào nhà nước nói hẵng hay!

Giao dịch căn hộ du lịch năm 2019 sụt giảm mạnh

Số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy khối lượng giao dịch căn hộ du lịch (condotel) giảm mỗi năm 5 – 10%, giá rao bán căn hộ du lịch trung bình năm 2019 giảm 8% so với năm 2018.

Trong đó Khánh Hòa, Đà Nẵng là các địa phương chiếm nhiều giao dịch về căn hộ du lịch nhất, năm 2018 lên đến 40.000 giao dịch, nhưng qua năm 2019 thì giảm xuống rất nhiều.

Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh: "Sự sụt giảm này cũng chính là cơ hội để điều chỉnh lại cơ cấu nguồn hàng BĐS du lịch. Do chúng ta tranh luận mãi về vấn đề pháp lý nên đến vừa rồi mới giải quyết xong. Chúng tôi tuyên bố hiện nay cơ sở pháp lý của BĐS du lịch, trong đó có biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cơ bản đã được điều chỉnh.

Chỉ còn một vài điểm nhỏ hiện thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng đang nghiên cứu. Đó là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chúng tôi đã lấy ý kiến của Bộ Khoa học – Công nghệ và chắc chắn sẽ ban hành trong thời gian tới. Còn các quy định về đầu tư xây dựng, đặc biệt có một nội dung rất quan trọng là "quy chế quản lý, kinh doanh BĐS du lịch, căn hộ du lịch, biệt thự du lich" đã được Bộ VH-TT-DL ban hành tháng 10/2019.

Vì vậy từ nay trở đi không thể nói là thiếu cơ sở pháp lý đối với lĩnh vực BĐS du lịch, trong đó có căn hộ du lịch. Nhưng khó khăn là do chúng ta tranh luận trong một thời gian dài, dẫn đến có nhiều ảnh hưởng. Đến hôm nay, báo cáo với các anh chị là cơ sở pháp lý đã rõ và hy vọng trong năm 2020, loại hình BĐS này sẽ có cơ cấu lại. Tôi tin tưởng vào tiềm năng rất lớn của nó, và luôn đánh giá nó có cơ hội phát triển rất lớn!".

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.