Từ điển Chính tả Duden |
Từ điển chính tả Đức
Nước Đức hiện dùng Từ điển Chính tả cải cách Rechtsschreibwörterbuch mang tên ông Duden – tác giả xuất bản nó lần đầu ngày 7/7/1880 dùng làm chuẩn mực viết tiếng Đức (ai viết khác bị coi là sai chính tả - hiểu theo nghĩa khoa học), giống như ở ta, chữ “tiến sỹ“ hay “tiến sĩ“ phát âm và nội hàm như nhau, nhưng một khi đã mặc định viết “tiến sĩ“ là đúng chính tả thì ai viết “tiến sỹ“ người đó sai.
Tới năm 1955, Duden được luật hoá, nghĩa là viết khác Duden không chỉ sai chính tả về khoa học mà còn cả về pháp lý.
Đến năm 1996 (tức cách 20 năm trước, và sau ông Duden 116 năm), nước Đức quyết định “Cải cách chính tả tiếng Đức“, với mục đích nhắm vào hiệu quả: “Đưa ra các quy chuẩn chính tả tiếng Đức phù hợp với đòi hỏi hiện nay, đặc biệt đơn giản hoá những quy chuẩn trong nhiều lĩnh vực đã trở nên phức tạp theo thời gian". Đâyvốn là điều hiển nhiên, bởi nhân loại phát triển, thì bất kỳ lĩnh vực gì cũng phát triển theo, chỉ khác nhau về biểu đồ và cấp độ thời gian.
Châm ngòi cho cải cách chính tả năm 1996
Năm 1980, hơn 80 chuyên gia tiếng Đức từ Tây Đức, Đông Đức, Áo, Thụy Sỹ thành lập “Nhóm làm việc“ về Cải cách chính tả.
Đến năm 1985, Nhóm đưa ra đề xuất đầu tiên, và tổ chức 2 cuộc hội thảo năm 1986 và 1990 với đại diện chính phủ Áo trên mọi lĩnh vực.
Năm 1987, nước Đức khởi động, Hội nghị Bộ trưởng các tiểu bang Tây Đức (KMK) ủy quyền cho Viện tiếng Đức phối hợp với Hội tiếng Đức soạn thảo văn bản cải cách (cấp Nhà nước), hoàn thành vào năm 1988 với những đề xuất như: chữ "Boot“ (thuyền) viết thành "Bot" (bỏ đi 1 chữ o), hay chữ "Keiser" (vua) viết thành “Kaiser" (thay chữ e bằng chữ a). Ấy vậy mà vẫn bị truyền thông phản đối dữ dội, tới mức KMK phải yêu cầu hủy bỏ để tránh gây bức xúc công luận.
Cả ở Thụy sỹ, Áo cũng diễn ra tương tự
Tới năm 1992, một đề xuất mới được đưa ra mang tên “Chính tả Đức - Những đề xuất". Và năm 1993, KMK mời 43 hiệp hội tiếng Đức của các nước nói tiếng Đức phản biện.
Dù đã tiếp thu chỉnh sửa, nhưng những tranh cãi như 2 chữ: “das“ và “daß“ (phát âm hệt nhau chỉ khác chút trọng âm, về từ loại das là quán từ giống trung, còn daß như liên từ dùng để nối câu) nên quy định 1 cách viết hay để nguyên 2 như cũ, vẫn không thể thống nhất.
Đến hội nghị ở Viên năm 1994, “Chính tả tiếng Đức - Những đề xuất" (đã chỉnh sửa) được các nước đồng ý tiếp nhận.
Tới ngày 1/7/1996, Đức, Áo, Thụy Sỹ và Liechtenstein cùng những nước có sắc tộc nói tiếng Đức cùng nhau ký Hiệp định tại Viên, tuyên bố dự kiến áp dụng từ ngày 1/8/1998.
Nhà xuất bản Dudenverlag xuất bản “Chính tả Đức - Những đề xuất" đưa ra lời tựa: “Quy chuẩn mới không phải cải cách cơ bản hay từng phần mà chỉ là cải cách nhỏ thoả đáng“. Điều này hoàn toàn khác với mức độ cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền thay đổi tận gốc (bổ sung tới 4 ký tự mới và bớt 7 ký tự cũ, như một hệ chữ mới).
Sức mạnh phản biện – Vai trò toà án, người dân
Đã gọi là cải cách tức do Nhà nước quyết định thì không chỉ gây bão công luận tranh cãi như ở ta trước đề xuất của PGS TS Bùi Hiền, mà Nhà nước còn bị phản đối dữ dội từ phiá chỉ trích cho rằng “Nhà nước cải cách thiếu sự tham gia đầy đủ của người dân vốn là người sử dụng mà chỉ giao cho các nhà chuyên môn“.
Sau khi cuốn từ điển chính tả cải cách được xuất bản năm 1996, phía phản đối kiên quyết đấu tranh đòi thu hồi, nhưng bị KMK từ chối.
Tới Hội chợ Sách năm 1996, hàng trăm nhà văn, nhà khoa học ra bản tuyên bố đòi Nhà nước ngừng áp dụng Cải cách chính tả, và kiện ra Tòa Hành chính (quy trình luật pháp ở Đức tự động như vậy, không phụ thuộc cơ quan hay lãnh đạo nào chỉ đạo cả).
Từ năm 1997 đến 1998, tuần tự qua nhiều cấp toà tới tận Tòa bảo hiến, Cải cách chính tả mới được tuyên phán hợp Hiến về mặt thủ tục pháp lý ban hành, nhưng nội dung đúng sai không thuộc thẩm quyền Tòa, nghĩa là không chế tài được phía phản đối.
Vì vậy, ngay năm 1997, Ủy ban liên quốc gia vì Chính tả tiếng Đức được thành lập để hoàn thiện cải cách. Song song, ở một số tiểu bang chính quyền buộc phải trưng cầu dân ý (hiệu lực cao nhất, không toà nào được phép bác bỏ).
Tại tiểu bang Bayern năm 1996-97, tại Schleswig-Holstein năm 1998, Bremen, Niederschsen và Berlin năm 1998-1999, phần thắng thuộc phía phản đối nhất trí trở lại từ điển chính tả Duden cũ,
Lý do “Nhà nước trên hết“ và “cải cách của cải cách“
Đến ngày Quốc tế sách 23/4/2004, báo Thế giới tiếng Đức Deutsche Sprachwelt đưa ra tuyên cáo đòi Nhà nước hủy bỏ cải cách chính tả. Tuyên cáo này thu thập được đông đảo chữ ký các văn nghệ sỹ tên tuổi, nhân vật nổi tiếng, các toà soạn, tổ chức, trường học, hội đoàn ủng hộ...
Tới tháng 6/2004, KMK phải thành lập Hội đồng về Chính tả tiếng Đức hoạt động theo quy tắc đồng thuận 100%, trước hết giải quyết những vấn đề đang tranh cãi như gộp nét, tách nét, các chữ phiên âm nước ngoài...
Từ ngày 6/8/2004 rồi các ngày tiếp theo, hàng loạt báo lớn Đức đồng loạt tuyên bố trở lại từ điển Duden cũ, gây tranh luận kịch liệt trên chính trường, số phận cải cách chính tả tưởng như phá sản.
Ảnh:
Rất may, ngày 25/9/2004, KMK với đa số phiếu đã thông qua được luật áp dụng Cải cách chính tả từ ngày 1/8/2005 với điều kiện chỉnh sửa hoàn thiện những điểm tranh cãi.
Văn bản được Hội đồng cải cách chính tả Đức hoàn tất ngày 17/6/2005.
Kết quả: 14/16 tiểu bang áp dụng đúng lịch, ngoại trừ 2 tiểu bang khất tới năm sau.
Tuy vậy, nhiều nhà xuất bản vẫn từ chối, tiếp tục áp dụng từ điển chính tả cũ, do vướng mắc trong tách nét, xuống dòng, chữ thường, chữ hoa, gạch nối... Điều này buộc KMK phải nhân nhượng, chỉ áp dụng đúng lịch trước hết những phần không còn tranh cãi.
Sau quyết định đó vẫn còn bao kiến nghị đòi dành thêm thời gian cho Hội đồng cải cách chính tả hoàn thiện tiếp.
Ngày 16/7/2005, hai tiểu bang đông dân nhất là Nordrhein-Westfalen và Beyern tuyên bố dời thời gian áp dụng cho tới khi Hội đồng cải cách hoàn thiện lần cuối, bị nữ Bộ trưởng Văn hoá tiểu bang Brandenburg chỉ trích và đòi phải chấp nhận một thời điểm nào đó để các bên chấm dứt tranh cãi. Trớ trêu, một năm sau chính bà cũng phải thật lòng công khai thừa nhận “Cải cách chính tả mắc nhiều sai lầm", bà ủng hộ nó chẳng qua do theo “quan điểm coi mọi quyết định của Nhà nước là trên hết".
Ngày 2/3/2006, KMK nhất trí với Hội đồng cải cách chính tả về văn bản hoàn thiện lần cuối. Tới ngày 30/3/2006, thủ hiến các tiểu bang nhất trí thông qua văn bản “Cải cách“ của “cải cách chính tả“ đó, áp dụng từ ngày 1/8/2006 với thời gian quá độ 1 năm (trong đó, nhiều quy định mới chỉ là bỏ quy định đề xuất ban đầu, trở về với Duden cũ, tức chấp nhận những gì được thực tế kiểm nghiệm, chứ không phải dùng quan điểm “Nhà nước trên hết“ để khiên cưỡng thực tế phải theo).
Thay cho lời kết
Chữ quốc ngữ ta được sử dụng chính thức đầu tiên năm 1867 trên Gia Định báo, tức cùng thời với từ điển chính tả tiếng Đức Duden, và cách xa chữ viết của họ sử dụng lần đầu tiên dưới dạng văn bản in đầu thể kỷ 16 tới 250 năm.
Tròn 100 năm sau Duden ra đời, nước Đức phải làm một cuộc cải cách chính tả dằng dai ròng rã 26 năm, tới mức phải cải cách của cải cách. Còn chữ viết ở ta, tính từ khi hình thành đến nay đã tròn 150 năm, chưa hề có từ điển chính tả như Duden làm chuẩn mực thì chưa thể nói đến cải cách cái chưa có đó, mà trước hết cần tạo ra nó đã.
Đã là cải cách thì thành công hay thất bại rốt cuộc vẫn thuộc về Nhà nước, trước hết giới hữu trách. Lịch sử sẽ lưu giữ như cải cách chính tả Duden.