Hồ sơ thuế của ông Trump là chủ đề gây tranh cãi từ trước khi ông trở thành tổng thống Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump trở thành ứng viên tổng thống của một đảng lớn đầu tiên trong trong 40 năm qua không công bố sổ sách thuế.
Khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump phải đối mặt với hàng loạt thách thức pháp lí nhằm buộc ông công bố hồ sơ thuế, nổi bật nhất là từ các nghị sĩ Đảng Dân chủ và công tố viên New York, tờ CNN cho biết.
Ông Trump cũng từng tuyên bố: "Tôi đã đấu tranh rất quyết liệt để trả càng ít thuế càng tốt".
Sau hàng loạt thất bại tại toà án, cuộc đấu tranh chưa từng có tiền lệ của ông Trump nhằm ngăn chặn việc công khai thông tin thuế cuối cùng đã được chuyển tới Tòa án Tối cao.
Theo tờ ProPublica, nhiều ủy ban Hạ viện đã ra trát đòi công ty kế toán và ngân hàng giao hồ sơ tài chính 10 năm của cá nhân ông Trump và những doanh nghiệp ông sở hữu.
Các công tố viên New York cũng yêu cầu được cung cấp hồ sơ thuế cá nhân ông Trump và của tập đoàn Trump Organization trong giai đoạn 2011-2018 để phục vụ cuộc điều tra tội phạm.
Ngoài ra, một ủy ban của Hạ viện cũng kiện Bộ Tài chính sau khi Bộ trưởng Steven Mnuchin từ chối giao hồ sơ thuế của ông Trump.
Hôm 9/7, Tòa án Tối cao phán quyết công tố viên New York có quyền tiếp cận các hồ sơ tài chính của ông Trump. Nhưng vụ việc đã bị chuyển xuống xuống tòa án cấp thấp hơn. Đồng thời, Tòa án Tối cao cũng bác bỏ yêu cầu xem xét hồ sơ tài chính của ông Trump mà Hạ viện đưa ra. Điều này có nghĩa là sổ sách thuế của ông Trump sẽ không bị công khai trước cuộc bầu cử tháng 11.
Cuộc đấu tranh giữa ông Trump và các công tố viên New York vẫn đang tiếp diễn, với một bên kiên quyết yêu cầu nộp hồ sơ thuế, bên còn lại khăng khăng từ chối.
Vào ngày 27/9, tờ New York Times đăng bài báo chấn động về thông tin thuế của ông Trump, tuyên bố ông Trump đã không đóng đồng thuế nào suốt 10 trên tổng số 15 năm trước khi vào Nhà Trắng.
Kể từ thời Richard Nixon, các tổng thống Mỹ đã chia sẻ tờ khai thuế của mình cho công chúng. Tổng thống Nixon có lẽ là người đưa ra lời giải thích tốt nhất: "Tôi hoan nghênh kiểu kiểm tra này vì mọi người phải biết liệu tổng thống của họ có phải là kẻ gian hay không. Tôi không phải kẻ gian".
Nhưng ông Nixon đã không hoàn toàn tự nguyện chia sẻ sổ sách thuế của mình. Trong bê bối Watergate, ông Nixon chịu áp lực phải tiết lộ các bản khai thuế. Cuối cùng, ông phải làm theo yêu cầu của dư luận và xác nhận đã khai sai một khoản khấu trừ.
Việc ông Nixon công bố các tờ khai thuế đã đặt ra tiền lệ cho chính trị gia Mỹ. Dù không luật nào bắt buộc ứng viên tổng thống (hoặc tổng thống đương nhiệm) công bố hồ sơ thuế, nhưng mọi ứng viên đều ngầm hiểu: chức vụ tổng thống đòi hỏi một mức độ minh bạch nhất định. Cử tri có quyền biết tổng thống của họ có nộp đủ thuế hay không.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump hứa công bố các tờ khai thuế của mình nhưng lại nuốt lời sau khi đã nhậm chức.
Ông Trump tuyên bố rằng cử tri không quan tâm về các khoản thuế má của ông. Các cuộc khảo sát thì lại nói khác. Theo khảo sát năm 2019 của Pew Research, 64% người Mỹ nói rằng ông Trump có nghĩa vụ phải công khai hồ sơ thuế. Việc ông cố làm điều ngược lại khiến nhiều người đặt câu hỏi ông đang che giấu điều gì.
Ông Trump đã viện ra hàng loạt cái cớ để không công khai thông tin thuế, nêu cả lí do pháp lí lẫn những lời nói suông. Có lúc ông bảo hồ sơ thuế của mình đang bị kiểm toán bởi Sở Thuế vụ (IRS), lúc thì thẳng thừng tuyên bố rằng việc ông nộp bao nhiêu thuế "không phải là vấn đề của các người". Trên thực tế, cuộc kiểm toán của IRS không cấm ông công bố thông tin thuế.
Các chuyên gia đã đưa ra ra hàng loạt phỏng đoán, bao gồm: ông Trump không giàu như những gì ông tuyên bố, ông có các mối quan hệ tài chính với Nga, ông không đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc ông không quyên góp từ thiện nhiều như lời ông nói.