Lễ kỷ niệm có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về phía TP Hà Nội, có đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí Thư Thành ủy Hà Nội.
Trong diễn văn kỷ niệm, đồng chí Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Ngày Toàn quốc kháng chiến - một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; song cũng khiến cho các thế lực đế quốc và bọn phản động vô cùng lo sợ, tìm mọi cách chống phá, hòng thủ tiêu thành quả vĩ đại vừa giành được của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam.
Chính quyền cách mạng non trẻ khi đó gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ,... và đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với “thù trong giặc ngoài”.
Được sự giúp đỡ của quân Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, sau đó mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các biện pháp đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chính phủ ta đã chủ động đàm phán với Chính phủ Pháp để tránh cuộc chiến tranh, ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đọc diễn văn kỷ niệm tái hiện Ngày toàn quốc kháng chiến
Song, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Bất chấp những thiện chí hòa bình của ta, ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu đồng bào ta ở phố Hàng Bún, Yên Ninh.
Ngày 18/12/1946, tướng Mô-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội; nếu các đòi hỏi đó không được chấp nhận thì chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.
Dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã rõ ràng. Nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng; dân tộc Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: hoặc là khoanh tay, cúi đầu trở lại kiếp nô lệ; hoặc là đấu tranh đến cùng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất của đất nước.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm
Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.
Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong Thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, như: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn,… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.
Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, trong đó cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Hà Nội đã thực hiện nghiêm, có hiệu quả mệnh lệnh kháng chiến. Cuộc Toàn quốc kháng chiến được mở đầu một cách chủ động, có chuẩn bị, thực hiện đúng kế hoạch tác chiến, đẩy quân Pháp vào thế bị động.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, với lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, song, đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, bất khuất, sáng tạo, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố, kiên cường giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm, vượt gấp đôi thời gian dự kiến.
Quân, dân Hà Nội và các địa phương khác đã phát huy cao độ nghệ thuật quân sự của cha ông ta: “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, sử dụng mọi vũ khí có trong tay, kết hợp “trong đánh, ngoài vây”, “trong ngoài cùng đánh”...
Từ thực tiễn chiến đấu ác liệt, quân ta đã trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng, tổ chức biên chế; vừa đánh, vừa bảo vệ và phát triển lực lượng. Từ trong khói lửa của những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, một số trung đoàn chủ lực của quân đội đã ra đời.
Nhiều đơn vị sau này trở thành trung đoàn chủ công của các đại đoàn 308, 304, 320. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của mặt trận Hà Nội chiến đấu trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, sau này đã trở thành những tướng lĩnh tài ba của quân đội nhân dân và công an nhân dân.
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm hùng khí đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của người Thăng Long - Hà Nội: thanh lịch - hào hoa - yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường - bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc.
Đó cũng tiêu biểu cho truyền thống “Cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận” với tinh thần “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”; đã kế thừa và phát huy trang sử vẻ vang đánh giặc giữ nước của Thăng Long - Đông Đô và tiếp nối khí phách hào hùng của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... với những chiến công vang dội đã trở thành huyền thoại như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ Đầu, Ngọc Hồi, Đống Đa...
Có thể nói, chiến công của quân và dân Thủ đô trong mùa Đông năm 1946 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao: “Các chú giam chân địch được một tháng là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.
Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; qua đó, góp phần làm bùng cháy lên ngọn lửa ái quốc, tạo nên sức mạnh to lớn để “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta!” như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Đại tá Nguyễn Huy Du – cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa.
Có mặt tại lễ kỷ niệm, đại tá Nguyễn Huy Du, nguyên cán bộ Cục Khoa học quân sự, Tổng cục Tham mưu, Bộ Quốc phòng nhớ lại và chia sẻ những kỷ niệm của một người chiến sỹ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội đã chiến đấu trong 60 ngày đêm tại Hà Nội sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tá Huy Du năm nay đã 86 tuổi, vốn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vốn là con trong một gia đình viên chức nghèo, mẹ buôn bán nhỏ, tần tảo tối ngày không đủ nuôi sống gia đình. Cả mấy anh em đều thất học, riêng ông Huy Du được chú ruột mang về nuôi cho đi học. Tháng 12/1946, chứng kiến cảnh thực dân Pháp ngang nhiên, cướp bóc bắn giết đồng bào trên phố, ông đã bỏ học và tham gia chiến đấu.
“Tối 19/12/1946, những quả đại bác đầu tiên nã vào thành Hà Nội, giờ cứu nước đã đến, chúng tôi xông ra mặt đường chặn địch tấn công từ trong thành ra. Tôi cùng trung đội 3 đánh địch tại phố Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Gai. Sau đó được điều về làm trinh sát tiểu đoàn 3.
Cuộc sống trong các chiến hào Hà Nội ngày đó tuy gian khổ, thiếu thốn hiểm nguy nhưng chúng tôi luôn quyết tâm để vượt qua, để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã không chỉ giam chân địch tại Hà Nội trong 1 tháng như chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương mà đã chiến đấu lên tới 2 tháng. Để bảo vệ kháng chiến lâu dài, sau 60 ngày đêm chiến đấu, lăn lộn, chúng tôi đã vượt sông Hồng lên chiến khu để tiếp tục trường kỳ kháng chiến", đại tá Huy Du nhớ lại.
PGS.TS Trần Xuân Bách đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Đại diện thế hệ trẻ, PGS.TS Trần Xuân Bách (SN1984)- giảng viên trường ĐH Y Hà Nội đã tự hào cho biết: “Trong tâm thức của lớp trẻ hôm nay, huyền thoại 60 ngày đêm chiến đấu không chỉ đọng lại trong ký ức của người dân Hà Nội, là kỷ niệm vô giá của những chiến sỹ năm xưa mà còn đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Kỷ niệm 70 năm là dịp để thế hệ trẻ ôn lại quá khứ hào hùng, công lao to lớn của thế hệ cha ông, đó là động lực tiếp thêm tinh thần ý chí, quyết tâm của mỗi người, nhắc nhở chúng tôi nâng cao ý thức, luôn ra sức cống hiến nỗ lực không ngừng để vượt qua mọi thử thách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với phương châm: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.