|
Thực tế cho thấy, hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền (PayTv) đang có những dịch chuyển để theo kịp xu hướng người dùng. Cổ phần hóa và vũ khí mang tên công nghệ với truyền hình giao thức OTT (cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet) đang là những lựa chọn hàng đầu để hướng đến người sử dụng.
Khi hai ta chung một nhà…
Đã có lúc, khi dư địa PayTv còn lớn, nhiều đại gia đã nhảy vào lĩnh vực này nhưng chính các đại gia cũng không thể hình dung nổi PayTv thực ra rất khó nhằn. Ví dụ như Viettel cũng lấn sang làm truyền hình tận dụng ưu thế công nghệ và hạ tầng. Thậm chí, Viettel còn thành lập cả trung tâm truyền hình nhưng cuối cùng cũng phải giải tán bộ phận sản xuất nội dung và tập trung vào công nghệ, hạ tầng.
Thay vì lao ra “chiến đấu” với những nhà mạng khác, sau khi nhận thấy quá khó với thị trường này, Viettel với NextTv đã có bước đi khôn ngoan là bắt tay với VTVcab. Họ tập trung phát triển hạ tầng, còn nội dung thì để VTVcab lo.
Khi VTVcab cắt kênh cũ, đưa kênh mới vào, thì NextTv cũng như vậy. Không khó để nhận ra họ thực tế đã tuy hai mà một, “chung một nhà, mơ một giấc” dù cả hai bên không hề công bố sự hợp tác của mình.
Ngày 17.4 tới, VTVcab sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 42,2 triệu cổ phần, tương ứng 47,84%. Giá khởi điểm là 140.900 đồng/cổ phần. Như vậy, giá trị của phiên IPO lên tới 5.958 tỉ đồng. Theo kế hoạch cổ phần hoá, VTVcab có vốn điều lệ 884 tỉ đồng, tương ứng với 88,4 triệu cổ phần. Như vậy, “ông lớn” truyền hình này được định giá lên tới 12.455 tỉ đồng.
Tiếp theo câu chuyện của VTVcab sẽ là SCTV, thời gian tới, VTV sẽ thoái vốn khỏi Cty TNHH Truyền hình cáp Saigontuorist (SCTV) và chỉ còn nắm giữ 12,5% vốn ở doanh nghiệp này.
Cổ phần hóa nhằm tăng vốn để đầu tư vào mua bản quyền, nâng chất lượng nội dung, mở rộng hạ tầng và phát triển những giao thức mới phù hợp với người dùng đó là câu chuyện của tương lai gần.
Ngay lập tức, sau cổ phần hóa, VTVcab đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ cung cấp ổn định khoảng 70-80 kênh truyền hình quảng bá, trong đó có 10-15 kênh thông tin tuyên truyền thiết yếu quốc gia và 60-65 kênh địa phương. Còn với dịch vụ truyền hình trả tiền, mục tiêu đến 2020 sẽ phát triển khoảng 70-80% số hộ gia đình thu xem dịch vụ này.
Cụ thể, VTVcab dự kiến tăng trưởng gần 500.000 khách hàng, đạt hơn 2.1 triệu khách hàng trong năm 2021. Thuê bao internet tăng trưởng gần 600.000 khách hàng, đạt hơn 800.000 khách hàng trong năm 2021. Doanh thu tăng trung bình hằng năm 17%, đạt hơn 4,500 tỉ đồng năm 2021. Còn lợi nhuận với mục tiêu tăng trưởng đều và đến 2021 là hơn 115 tỉ đồng.
Vũ khí OTT
Vấn đề của các nhà cung cấp PayTv hiện nay là câu chuyện khách hàng có xu hướng rời mạng. Tháng 6.2017, tại cuộc hội thảo “Tương lai phát triển truyền hình trên Internet tại Việt Nam” thông tin: 45% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát cho rằng họ có xu hướng ít xem truyền hình qua TV. Thay vào đó là các App trên di động. Tại đây, các chuyên gia nhận định: “Truyền hình trên Internet đang trở thành một hướng đi mới. Đây được xem là xu thế, là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với người làm truyền hình”.
Từ năm 2016 đến nay, VTC có VTC Play, K+ có MyK+ NOW, SCTV với SCTV VOD, VTVcab có VTVcab ON… có thu phí với mức từ 20.000 - 125.000 đồng, tùy nhà đài, gói cước. Câu hỏi là ngay cả với ứng dụng OTT, phải chăng người dùng cũng đang phải trả hai lần tiền: Một lần cho gói cước, một lần cho dung lượng data internet?
Theo thông tin của Lao Động, cuộc “hôn nhân” giữa VTVcab và Viettel NextTV sẽ cho ra đời “đứa con” đầu tiên, đó là một siêu ứng dụng trên Mobile với trên 100 kênh, tương tác trực tiếp với khán giả, siêu rẻ và gần như 0 đồng với khách hàng dùng mạng Viettel. Đây được cho là một sản phẩm, một cú đấm gây sốc và chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc đua mới về OTT, VOD (video theo yêu cầu) trong thời gian tới.
Cuối cùng, khán giả sẽ được gì?
Trở lại câu chuyện từ 1.4, VTVcab cắt hàng chục kênh khiến nhiều khách hàng nổi giận thì đã có chuyên gia cho rằng: “Thực chất đây là một bài kiểm tra sự quan tâm của khán giả đối với truyền hình truyền thống”.
Thứ nhất, không chỉ VTVcab mà hầu hết các nhà cung cấp đều công bố số lượng hàng trăm kênh để chiêu dụ khách hàng, coi đó như yếu tố để cạnh tranh. Trên thực tế, trong số hàng trăm kênh đó, chỉ khoảng 10 kênh là được thường xuyên sử dụng, còn lại khách hàng đã phải trả một khoản tiền hàng tháng cho 90% nội dung mà họ không xem. Đó là một bất cập, thậm chí là nghịch lý hiện nay.
Thứ hai, thay vì chạy đua giảm giá cước hay khuyến mại thùng mì, hộp sữa, các nhà cung cấp PayTV phải tập trung tăng cường chất lượng để phục vụ khách hàng. Nhìn ở góc độ khác, việc VTVcab đưa vào hàng chục kênh mới cũng có thể coi là một trong những hướng đi tìm tòi cái mới, những kênh có chất lượng hơn.
Thứ ba, là câu chuyện độc quyền. Tờ ITCNews của Bộ TTTT đưa thông tin, nhà phân phối trước đây của VTVcab là Qnet phân phối 23 kênh. Theo báo này, từ một nguồn tin các nhà phân phối, trong đó có Qnet mới được quyền trực tiếp khai thác quảng cáo trên các kênh nước ngoài mà đơn vị này nắm bản quyền. Có nghĩa là các nhà cung cấp truyền hình trả tiền, dù phải bỏ cả đống tiền để mua gói kênh quốc tế nhưng lại không được bán quảng cáo trên các kênh này, họ còn bị chính các đại lý cạnh tranh khai thác quảng cáo trên chính hạ tầng của mình. Do đó, dù có đông khán giả, rating của chương trình quốc tế có cao ngất ngưởng thì các doanh nghiệp truyền hình cũng không thu được tiền từ quảng cáo. Có lẽ vì nghịch lý này nên không chỉ VTVcab, NextTV mà một số doanh nghiệp truyền hình lớn khác cũng đang tìm cách để đổi mới nội dung.
Thêm vào đó, xu hướng hội tụ số, buộc các đài truyền hình phải tìm cách đưa nội dung lên OTT để phục vụ nhu cầu “cá nhân hóa” của người xem truyền hình. Mà vấn đề này, chính các nhà phân phối đã không đáp ứng được yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trên OTT. Phá được thế độc quyền, cơ hội mở ra cho các nhà đài càng lớn trong việc tìm kiếm những giá trị mới cho khán giả. Thực tế, Qnet và VTVcab hoàn toàn có thể ngồi lại với nhau để cùng ra một gói cước phụ (gồm một số kênh như HBO, CineMAX, RED, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News…) với giá cước hợp lý để khách hàng của VTVcab có thể lựa chọn. Nhưng có lẽ đến lúc này, chuyện đã quá muộn.
Và cuối cùng, là câu chuyện về truyền hình thông minh đáp ứng công nghệ 4.0. Khán giả được trải nghiệm những giá trị của truyền hình trả tiền trên cả 3 hạ tầng truyền hình cáp, Internet và Mobile.
Cổ phần hóa để đầu tư, lựa chọn những nền tảng mới để theo kịp yêu cầu và thói quen mới của khách hàng, phá bỏ độc quyền để tăng cơ hội được lựa chọn những kênh tốt nhất cho người xem đó là cách mà các nhà cung cấp truyền hình trả tiền cần làm thay vì tham gia vào những cuộc chiến ngầm.
Lối thoát duy nhất là khán giả phải được những giá trị đúng với khoản tiền hằng tháng họ phải bỏ ra.