Hiện nay, người dùng Đông Nam Á có rất nhiều lựa chọn ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến. Với dân số trẻ cùng tỉ lệ người dùng smartphone lớn, gọi đồ ăn uống trực tuyến được đánh giá là mảng kinh doanh hấp dẫn tại khu vực này.
Thị trường giao đồ ăn mỗi nước trong khu vực đều được định giá ở mức hàng trăm triệu, thậm chí tỉ USD, do đó là "miếng bánh ngon" mà nhiều công ty hướng đến. Tuy nhiên, một số đánh giá cho rằng cơ hội nhiều, nhưng để "ăn" thì không dễ.
Tại Đông Nam Á, thị trường giao đồ ăn trực tuyến hiện nằm trong tay những ông lớn gọi xe công nghệ như Grab, Go-jek hay những ứng dụng chuyên biệt như FoodPanda, Now Delivery...
Sau thương vụ thâu tóm Uber Đông Nam Á vào tháng 5/2018, Grab đã loại UberEATS (ứng dụng giao đồ ăn) khỏi cuộc chơi. Kể từ thời điểm đó, Grab nhanh chóng phát triển GrabFood tới hầu hết quốc gia Đông Nam Á. Theo các số liệu không chính thức, GrabFood đang nắm thị phần đáng kể tại nhiều nước như Việt Nam, Singapore, Malaysia.
Những ứng dụng cho phép giao đồ ăn trực tuyến đang cạnh tranh gay gắt để có thị phần tại Đông Nam Á. Ảnh minh họa.
Từ tháng 5/2018 tới tháng 3/2019, Grab cho biết mảng GrabFood tại Singapore đã tăng trưởng với mức 25% mỗi tháng. Nhiều hàng quán đối tác của GrabFood cũng ghi nhận doanh thu tăng 4 lần trong giai đoạn trên. Số tài xế đối tác tham gia GrabFood tại Singapore được hãng nhận định ở mức hơn 13.000 tài xế.
Đối trọng lớn nhất của GrabFood tại Đông Nam Á là dịch vụ tương tự của Go-Jek (Indonesia). Tại Indonesia, thời điểm tháng 10/2018, GrabFood chỉ có mặt tại 24 vùng và thành phố. Trong khi Go-Food, dịch vụ giao đồ ăn của Go-Jek, đã có mặt tại 70 vùng, thành phố.
Go-Jek cũng thể hiện tham vọng xa hơn sau chiến thắng trên sân nhà. Hãng ra mắt công ty con tại Việt Nam (Go-Viet) và Thái Lan (Get). Tại Thái Lan, chỉ trong thời gian ngắn ra mắt, GetFood đã có 20.000 hàng quán hợp tác và 10.000 tài xế giao đồ ăn dù là người đến sau GrabFood.
Kasikorn Research Center ước tính thị trường giao đồ ăn Thái Lan có giá trị 860 triệu USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng trưởng 11-15% mỗi năm.
Về cạnh tranh tại thị trường này, CEO Go-Jek Nadiem Makarim cho rằng cơ hội vẫn còn rất nhiều khi 65% người dân Bangkok chưa dùng thử các ứng dụng giao đồ ăn.
"Đây là thị trường đại dương xanh với cơ hội lớn để phát triển. Không chỉ cho chúng tôi mà cả những đối thủ cạnh tranh khác", ông Makarim nhận định.
Tiềm năng như vậy nhưng thị trường giao đồ ăn trực tuyến Đông Nam Á không phải là "miếng bánh dễ ăn". Ngoài việc cạnh tranh lẫn nhau, các "ông lớn" khu vực còn phải đối mặt những doanh nghiệp địa phương với sự am hiểu văn hóa tiêu dùng của từng quốc gia.
Tính tại thị trường Indonesia, GrabFood vào vai "ông lớn" nước ngoài đang phải lép vế trước Go-Jek, trong vai doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, khi Grab và Go-Jek cùng khai thác thị trường Thái Lan thì phải vừa cạnh tranh lẫn nhau, vừa phải đối đầu với các doanh nghiệp giao hàng trực tuyến nội địa.
Trong khi đó, theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường giao nhận đồ ăn Việt Nam tiếp tục cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới dù cơ hội phía trước là rất nhiều. Năm 2020, lĩnh vực này sẽ đạt giá trị khoảng 38 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm.
Số liệu từ Kantar TNS vào tháng 4 cho thấy GrabFood là thương hiệu giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với 81% lựa chọn, tiếp đến là Now của Foody.vn và GoFood của Go-Viet.
Liên tiếp những vụ "bùng hàng" không nhận đồ ăn đang là bài toán nan giải của các ứng dụng tại thị trường Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Vào giữa tháng 5, thị trường tiếp tục có thêm "tân binh" đến từ Hàn Quốc là Woowa Brothers. Đơn vị này cũng đã triển khai ứng dụng giao đồ ăn BAEMIN tại Việt Nam sau khi thâu tóm ứng dụng Vietnammm.
Vietnammm chính là "tay chơi" đuối sức trong cuộc đua "đốt vốn" giành thị phần giao nhận đồ ăn tại Việt Nam. Nền tảng của ứng dụng này đã có những thành công nhất định tại nhiều quốc gia châu Âu, nhưng do không thích ứng tốt cũng như hụt hơi trong cuộc đua khuyến mại cho thực khách Việt. Do đó, Vietnammm đã phải rời cuộc chơi.
Bên cạnh việc cạnh tranh để có thị phần, thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng đã tạo nên rào cản không nhỏ trong việc triển khai dịch vụ của các ứng dụng gọi đồ ăn.
Các hãng đang phải cân đối rủi ro khi chấp nhận thanh toán COD (thanh toán tiền mặt khi nhận hàng) để chiều lòng khách hàng. Việc mua đồ ăn trước rồi thu tiền khách hàng sau đang tạo ra những rắc rối cho chính ứng dụng và các tài xế đối tác.
Điển hình nhất là 3 vụ "bùng hàng" trà sữa qua GrabFood trị giá từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng mỗi đơn trong ngày 8/6 tại TP.HCM. Cả 3 đơn hàng trên đều được khách hàng xác nhận đặt hàng với hình thức thanh toán COD. Sau đó, sau đó khách không xuất hiện nhận hàng và thanh toán.
Ba vụ việc đã gây bức xúc trong dư luận cũng như trong cộng đồng tài xế đối tác của GrabFood. Tuy nhiên từ trước đó, không ít tài xế đã rơi vào tình cảnh trớ trêu khi khách "bùng hàng". Hình ảnh tài xế giao đồ ăn phải tự ăn vịt quay Bắc Kinh, uống trà sữa trị giá hàng trăm nghìn đồng khiến nhiều người bức xúc.
Một số chuyên gia đánh giá dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến là "miếng bánh" béo bở, nhưng nếu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ không đủ "khéo" thì không hề "dễ ăn".