Cuối năm nay Hà Nội đón nguồn cung lớn mặt bằng bán lẻ từ hai dự án của Lotte và Vinaconex

Theo CBRE, dự kiến đến cuối năm 2023, ​​Hà Nội có thêm hơn 116.000 m2 nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới, phần lớn ở khu vực ngoài trung tâm, trong đó các 2 dự án lớn là Lotte Mall Hà Nội và Vinaconex Diamond.

Tại bản công bố tiêu điểm thị trường bất động sản Hà Nội quý 1/2023, CBRE Việt Nam cho biết, thị trường bán lẻ tiếp tục tăng trưởng mạnh, thể hiện rõ ở sức mua của người tiêu dùng được thúc đẩy bởi mùa lễ hội kéo dài từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Hà Nội trong quý đầu năm nay đạt 184,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12,2% lên 118,9 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý đầu tiên của năm 2023, thị trường Hà Nội không ghi nhận nguồn cung bán lẻ mới. Tổng diện tích sàn bán lẻ cho thuê (NLA) hiện tại đạt khoảng 1,1 triệu m2.

Một góc trung tâm thương mại tại Hà Nội. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Về hoạt động thị trường, giá chào thuê trung bình tại tầng 1 (không bao gồm phí dịch vụ và VAT) quý này của các mặt bằng bán lẻ thuộc khu vực trung tâm giữ ở mức 144 USD/m2/tháng.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá chào thuê đã tăng gần 35%, do liên tục thiếu vắng nguồn cung mới khiến các mặt bằng bán lẻ hiện hữu ở khu vực trung tâm càng được các thương hiệu bán lẻ săn đón. Tỷ lệ trống trung bình của khu vực này trong quý 1/2023 đạt 4,8%, giữ nguyên so với thời điểm cuối năm 2022.

Đối với các vị trí ngoài trung tâm, giá chào thuê trung bình đạt 27 USD/m2/tháng, giữ nguyên so với quý trước và tăng 13,8% theo năm. Tỷ lệ trống tại khu vực ngoài trung tâm tăng nhẹ 1,1 điểm phần trăm theo quý lên 14,7%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ trống đã giảm 2,2 điểm phần trăm.

Theo CBRE, dư âm hậu Covid-19, sức cạnh tranh cao cũng như thiếu vắng sự quản lý bài bản là một trong những yếu tố khiến một số trung tâm thương mại ở khu vực rìa thành phố vắng khách thuê.

Cũng trong quý I/2023, tại trung tâm thương mại và trên mặt phố xuất hiện thêm các cửa hàng mới của một số thương hiệu thời trang và phụ kiện hiện hữu như Banana Republic, Levis và Owndays… Những nhà bán lẻ nổi bật khác như Muji, Starbucks và Central Retail… đều cam kết sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng tại Hà Nội và trên khắp Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới.

Dự kiến đến cuối năm 2023, ​​Hà Nội có thêm hơn 116.000 m2 nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới. Phần lớn các mặt bằng này được phát triển ở khu vực ngoài trung tâm, trong đó các dự án Lotte Mall Hà Nội (phía Tây Hồ Tây) và Vinaconex Diamond (ở phía Nam) cung cấp tổng cộng hơn 84.800 m2 NLA diện tích bán lẻ.

Thời gian tới, những lo ngại về sức ép lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, cũng như giá chào thuê mặt bằng bán lẻ. Mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm vẫn tiếp tục được các thương hiệu xa xỉ săn đón. Tuy nhiên, trước tình trạng nguồn cung hạn chế, một số đơn vị có xu hướng nhắm tới các vị trí ở ngoài trung tâm để mở cửa hàng pop-up, song song với việc tiếp tục tìm kiếm các vị trí đắc địa trong trung tâm.

Ngoài ra, thương mại điện tử dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2023, nổi bật là xu hướng “Shoppertainment” (mua sắm kết hợp giải trí) với sự phát triển gần đây của một số nền tảng truyền thông xã hội.

Mặc dù vậy, các cửa hàng truyền thống được kỳ vọng vẫn duy trì là kênh bán hàng chủ đạo, đặc biệt đối với các sản phẩm xa xỉ. Nguyên nhân được cho là người tiêu dùng vẫn có nhu cầu được xem trực tiếp sản phẩm tại cửa hàng và được nhân viên bán hàng hỗ trợ.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.