Cựu chủ tịch HoSE nói chưa từng thấy 'lừa đảo kinh khủng' như vụ Trịnh Văn Quyết

Ông Trần Đắc Sinh bày tỏ hối tiếc vì một đời gây dựng thị trường, sắp nghỉ hưu lại bị "virus lừa đảo kinh khủng chưa từng có" cuốn vào tù tội, không đủ trình độ ngăn chặn.

Chiều 29/7, TAND Hà Nội dành thời gian cho những bị cáo còn lại thực hiện quyền nói lời sau cùng, trước khi HĐXX nghị án.

Là một trong hai người được VKS giảm mức đề nghị từ 8-9 xuống 7-8 năm tù, cựu chủ tịch Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) Trần Đắc Sinh, 68 tuổi, cảm ơn sự khoan hồng của cơ quan công tố.

Trong phần trình bày gần 8 phút, ông Sinh cho biết được phân công lãnh đạo thị trường chứng khoán tập trung lớn nhất nước từ năm 2000. Mục tiêu của ông là xây dựng thị trường chứng khoán phát triển, vững mạnh, bình đẳng.

"Nhưng đến gần ngày nghỉ hưu, bị cáo bị con virus lừa đảo chui qua tất cả các cánh cửa, để cuối cùng phạm tội như hôm nay", ông Sinh nói, bày tỏ ân hận, gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước vì đã không làm tròn nhiệm vụ; xin lỗi những nhà đầu tư đã tin tưởng nhưng mình lại phạm sai lầm.

Cựu chủ tịch HoSE Trần Đắc Sinh. (Ảnh: Ngọc Thành). 

Nhìn lại hơn 20 năm cống hiến, ông Sinh nói tự hào vì thị trường chứng khoán đã đi lên từ con số 0, chiếm nhiều % trong GDP cả nước, được bạn bè thế giới mến mộ quý trọng. Sự việc xảy ra, theo ông, là lỗi lầm cá nhân nhưng đã để lại quá nhiều bài học.

"Bản thân tôi không bao giờ tưởng tượng ra được cái hành vi gian lận, lừa đảo kinh khủng, có ý đồ sâu sắc như vậy", ông giãi bày và tha thiết mong muốn trong thời gian tới có những chấn chỉnh để thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả.

Theo ông Sinh, trong vụ án HoSE có 4 cựu lãnh đạo trở thành bị cáo. Tất cả đều là người được đào tạo sâu, bài bản trong và ngoài nước về nghiệp vụ, đi từ đầu với thị trường, nhưng cũng như ông - đã bị "virus lừa đảo" quét qua và không đủ trình độ ngăn chặn.

Cựu chủ tịch HoSE cho biết "thấm thía tội lỗi và chấp nhận phán quyết của tòa", song xin nguyện vọng cuối cùng là được kiến nghị 4 nội dung để hoàn thiện cơ chế chính sách, để những anh em làm chứng khoán đi sau ông có thể yên tâm làm việc.

Theo ông, Luật Doanh nghiệp cần xem xét lại vấn đề quản lý vốn điều lệ doanh nghiệp; cần thắt chặt hoạt động của các công ty kiểm toán, có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để họ không sai phạm; các cơ quan thanh tra giám sát như Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần giám sát chặt chẽ hơn các vấn đề kiểm toán và cấp phép cho các công ty đại chúng; cho phép Sở giao dịch chứng khoán có thể thuê một công ty kiểm toán khi cảm thấy nghi ngờ.

Cuối cùng, ông Sinh xin HĐXX xem xét giữa công và tội, giảm án cho 3 cựu cấp dưới tại HoSE.

Cựu phó phó tổng giám đốc thường trực HoSE Lê Hải Trà. (Ảnh: Ngọc Thành). 

Tương tự, Trình bày sau ông Sinh, cựu phó tổng giám đốc thường trực HoSE Lê Hải Trà cũng trăn trở về hành lang pháp lý hiện hành trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng phức tạp.

Ông Trà cho rằng, chứng khoán là lĩnh vực phức tạp, việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư luôn là "yêu cầu tối thượng". Hệ thống Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đã lập ra những "hàng rào chốt chặn", để bảo vệ những lợi ích tối thượng đó.

"Có lẽ vì quá tin vào chuỗi những chốt chặn đó, tôi chủ quan, thiếu những thận trọng cần thiết", ông nói và mong rằng những sơ hở, bất cập ở hành lang pháp lý sẽ sớm được hoàn thiện để những người làm công tác vận hành thị trường chứng khoán, và những người hành nghề chứng khoán nói chung, có thể giảm thiểu rủi ro không đáng có khi tham gia vào thị trường này.

Ông Trà là một trong 7 cựu cán bộ thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước, HoSE và Trung tâm lưu ký chứng khoán bị xét xử, song ông "có một niềm tin mãnh liệt" rằng không ai trong số này mảy may suy nghĩ sẽ giúp đỡ, tiếp tay lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Ông nói, mình và 6 đồng nghiệp đều là những người đi cùng thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu. Khi trẻ tuổi, họ đã được tham gia thử thách, học tập và sau này trở thành lãnh đạo ngành. Ngay khi chứng kiến khoảnh khắc bấm nút đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào hoạt động, ông đã ý thức rõ về yêu cầu thách thức nên nỗ lực giành học bổng về tài chính tại Đại học Boston, sau đó là thạc sĩ tại Đại học Havard, luôn mong quay trở về đất nước để phát triển thị trường Việt Nam.

"HoSE từ những ngày đầu vất vả, dần trở thành kênh huy động giữ vốn hiệu quả cho nền kinh tế, địa chỉ lựa chọn của hàng trăm doanh nghiệp. Bị cáo được tham gia gây dựng và chứng kiến HoSE trưởng thành, càng thấy xót xa hối tiếc về vụ án", ông Trà nói.

Trong vụ án, ông Trà bị VKS đề nghị 6-7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ như ông Sinh.

Cựu vụ trưởng giám sát công ty đại chúng Lê Công Điền. (Ảnh: Danh Lam). 

Cựu vụ trưởng giám sát công ty đại chúng (thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước) Lê Công Điền bày tỏ đây là bài học đau xót cho ông và đồng nghiệp, khi 7 cán bộ lãnh đạo tiên phong của ngành chứng khoán đều trở thành bị cáo.

Cho rằng thị trường chứng khoán là lĩnh vực mới, ngày càng phức tạp và rất rủi ro, ông Điền nói mình đã phải vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, trong khi khung pháp lý chưa hoàn thiện, liên tục thay đổi. "Sai sót xảy ra là bài học đáng tiếc. Bị cáo không né tránh trách nhiệm nhưng xin được tòa đánh giá bối cảnh, động cơ không vụ lợi...", ông nói.

Các bị cáo còn lại đều xin được khoan hồng tối đa vì hoàn cảnh khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ...

Tòa nghị án trong một tuần, sẽ công bố phán quyết vào chiều 5/8 (thứ hai tuần sau). 

VKS cáo buộc Trịnh Văn Quyết thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động Tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái, trong đó có Faros - doanh nghiệp được ông mua lại năm 2011, vốn 1,5 tỷ đồng. Anh em ông Quyết cùng đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền để nâng khống vốn. Sau hai năm, 2014-2016, Faros có vốn 4.300 tỷ đồng nhưng hơn 3.600 tỷ trong số này là "ảo".

Faros vượt qua 3 vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 25.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.620 tỷ đồng.

Để thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC và 500 tài khoản chứng khoán đứng tên người quen để mua đi bán lại số lượng lớn cổ phiếu, tạo "cơn sốt" ảo, chi phối thị trường.

Sau 5 năm, ông Quyết bị cáo buộc thu lợi hơn 700 tỷ đồng, là chủ mưu; bị đề nghị 24-26 năm tù cho 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.