Thời gian qua, sự xuất hiện tràn lan các gameshow trên khắp sóng truyền hình vô tình khiến khán giả nhàm chán, vì ít có sự sáng tạo cũng như chất lượng nhất định. Đa phần, các gameshow đều được phát sóng chỉ nhằm mục đích chính là "cạnh tranh" để tăng tỷ lệ rating cho mỗi đơn vị sản xuất. Đó cũng là lý do chính khiến tình trạng "hài nhảm" tràn lan như "nấm sau mưa" và hệ lụy cho nhiều nghệ sĩ trở nên thiếu sáng tạo, kém chất lượng. Xét cho cùng, số lượng gameshow ít nhưng chất lượng tốt vẫn là điều mà khán giả xem truyền hình trông đợi nhiều nhất. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của hơn 10 năm về trước, khi mà những gameshow này vẫn còn đang tồn tại để khán giả phải trông đợi từng ngày lên sóng.
SV
Đây là gameshow đầu tiên dành cho sinh viên và rất thành công của đài truyền hình Việt Nam. Ngay khi ra đời, chương trình đã thực sự gây một tiếng vang lớn, là một sân chơi thế hiện trí tuệ và sự thông minh, sáng tạo cho các bạn sinh viên tài năng. Đặc biệt, SV 96 là bản thành công nhất, với sự dẫn dắt hóm hỉnh, có duyên của nhà báo, MC Lại Văn Sâm. Mặc dù sau đó, SV2000, SV2012 và SV2016 đều nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả nhưng SV96 vẫn là khởi đầu khó quên nhất.
SV96 có thể được xếp vào gameshow thành công nhất trong lịch sử Đài truyền hình Việt Nam. (Ảnh: VTV) |
SV 96 được tổ chức lần đầu từ 31/3 ở Hà Nội với ba trường đại học lớn nằm gần nhau là đội Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng và Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau thử nghiệm thành công, chương trình này lập tức được tổ chức tại 3 miền Việt Nam. Cho đến bây giờ, đây vẫn là gameshow gây nhung nhớ nhất với khán giả Việt.
Rung Chuông Vàng
Cũng là sân chơi dành cho sinh viên các trường đại học trên cả nước do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Nhưng sau 5 năm lên sóng, chương trình đã phải chia tay trong sự tiếc nuối của đông đảo khán giả.
Rung Chuông Vàng được đánh giá là gameshow chất lượng, bổ ích cho các khán giả trẻ mà cho đến giờ, chương trình vẫn được mong muốn quay trở lại trên sóng truyền hình.
MC Diệp Chi cũng bén duyên với nghề dẫn chương trình và được khán giả yêu quý cho đến tận bây giờ từ chương trình này. (Ảnh: VTV) |
Gặp nhau cuối tuần
Gặp nhau cuối tuần là chương trình hài kịch và thực tế do trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam thực hiện từ năm 2000, 2001, 2003 đến 2007. Chương trình được phát sóng đều đặn vào 10h sáng ngày thứ bảy mỗi tuần, phát lại lúc 21h ngày thứ tư tuần kế tiếp. Ngay từ những số đầu tiên khi ra mắt khán giả, chương trình đã nhận được sự yêu mến nơi người hâm mộ. Hầu như, cứ vào mỗi trưa cuối tuần là khán giả ở mọi nơi đều ngồi trước màn hình TV để chờ xem chương trình này. Đây cũng là chương trình hài hiếm hoi được phát trên sóng truyền hình thời điểm đó, và sự sâu sắc trong cách dẫn dắt tiểu phẩm, mang tiếng cười đi vào thực tế đời sống đã giúp chương trình nhận được những đánh giá tích cực từ khán giả. Cũng nhiều danh hài đất Bắc như: Vân Dung, Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc... nổi lên từ chương trình này. Ngay cả MC Thảo Vân cũng nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả từ đây.
Trước hàng chục chương trình hài xuất hiện tràn lan hiện nay, thì "Gặp nhau cuối tuần" vẫn là chương trình chất lượng nhất mà khán giả xem truyền hình được thưởng thức. (Ảnh: VTV) |
Cũng từ đây ê-kíp thực hiện cho ra mắt Gala cười 6 tháng một lần và cuối cùng là Gặp nhau cuối năm - số đầu tiên ra đời vào năm 2003 - những chương trình cũng nhận được tình cảm đặc biệt nơi khán giả. Nhưng đến năm 2007, chương trình đã dừng phát sóng với lý do hết sáng tạo để mang tiếng cười cho khán giả xem truyền hình.
Hành trình văn hóa
Chương trình được phát sóng vào 20h tối thứ 5 hàng tuần trên kênh truyền hình VTV3. Đây là chương trình giúp người chơi và khán giả hiểu về văn hóa Việt Nam và thế giới. MC gây ấn tượng nhất trong chương trình là Bạch Dương và Hoa Thanh Tùng. Có thể nói, từ khi ra mắt đến khi chia tay khán giả, chương trình luôn giữ được một lượng khán giả yêu mến ổn định trong suốt 6 năm. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích về kiến thức văn hóa, du lịch mà còn góp phần tạo thói quen khám phá các vùng đất mới cho mọi người xem.
Cho tới nay, nhiều khán giả vẫn nhận định, chưa có một gameshow truyền hình về du lịch nào "qua mặt" được "Hành trình văn hóa". (Ảnh: VTV) |
Ở nhà chủ nhật
Đây là chương trình được mệnh danh "già" nhất VTV. “Ở nhà chủ nhật” là một gameshow nhẹ nhàng nhắm đến đối tượng cả gia đình. Dù được mua theo bản quyền của Đức nhưng người xem vẫn có thể nhận ra được tính thuần Việt thông qua các vòng chơi “Chia sẻ” và “Cả nhà vui”, nơi mà cả gia đình có thể đoàn kết với nhau trong suốt cuộc thi.
Trải qua 9 năm phát sóng và nhận được số lượng khán giả trung thành, chương trình đã kết thúc vào năm 2007.
Gameshow được mệnh danh "già" nhất trong lịch sử truyền hình Việt đã ăn sâu vào ký ức của đại bộ phận khán giả. (Ảnh: VTV). |
Trò chơi âm nhạc
Phiên bản đầu tiên của Trò chơi âm nhạc được lên sóng từ năm 2001 với tên gọi Thế kỷ âm nhạc, chỉ đơn giản là phần hỏi đáp kiến thức âm nhạc và người chơi là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước. Năm 2006, chương trình này chuyển sang format mới với 2 đội chơi có đội trưởng là các nhạc sĩ nổi tiếng như: Tuấn Hùng, Sỹ Luân, Hồ Hoài Anh, An Hiếu... và thành viên là những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực.
Dù thay đổi qua nhiều phiên bản, nhưng "Trò chơi âm nhạc" vẫn là gameshow âm nhạc chất lượng nhất từ trước đến nay. (Ảnh:VTV). |
Trải qua 14 năm phát sóng, Trò chơi âm nhạc cũng là một gameshow được khán giả yêu mến vào mỗi thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3. Gắn liền với Trò chơi âm nhạc là các gương mặt MC: Diễm Quỳnh, Anh Tuấn và Nguyên Khang.
Đến giờ, khi ngày càng nhiều sân chơi âm nhạc xuất hiện trên sóng truyền hình, nhưng khán giả vẫn nhớ về chương trình "Trò chơi âm nhạc" như một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi tối thứ 6 hàng tuần.
Kết:
Cho đến bây giờ, khi khán giả có thể thoải mái lựa chọn những gameshow truyền hình từ âm nhạc, hài hước, thiếu nhi, vận động... để theo dõi hàng tuần, thì yếu tố chất lượng cũng bị giảm theo mức độ gia tăng của số lượng. Mỗi năm, tính sơ sơ cũng phải có tới gần 100 gameshow của khắp các sóng truyền hình lớn từ Bắc tới Nam, nhưng gameshow chất lượng để ghi dấu ấn với khán giả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cho nên, quay trở lại quá khứ hơn 10 năm về trước. Dù công nghệ vẫn chưa được tân tiến như bây giờ, hay các nghệ sĩ cũng không có quá nhiều, nhưng chất lượng lại được ưu tiên hàng đầu, và đó chính là điều để khán giả 10 năm sau vẫn ghi nhớ như một phần ký ức khó quên.