Những năm trở lại đây, dù liên tục được giảm tải, song chương trình học của học sinh phổ thông hiện nay vẫn bị đánh giá là khó, buộc cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh vất vả trong chuyện học. Dù thời lượng các môn học đối với học sinh tiểu học được rút gọn hơn trước, nhưng dù đã được học 2 buổi/ngày vẫn chưa đủ thời lượng học, buộc giáo viên phải giao thêm phiếu bài tập, dặn làm thêm trong sách bài tập, tập đọc, luyện viết chữ ở nhà.
Mặc dù, theo quy định hoàn toàn cấm, song nhiều giáo viên buộc “xé rào” vì chỉ muốn học sinh của mình theo kịp chương trình, không làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp và nhà trường.
Chương trình Giáo dục phổ thông hiện nay được đánh giá là nặng nề gây quá tải cho học sinh. Ảnh minh họa: Q.Anh. |
Mới đây, tại một diễn đàn dành cho giáo viên (trên Facebook), một phụ huynh có con học tiểu học tâm sự: “Hàng ngày, con về nhà có quá nhiều bài tập được giao. Ngoài phiếu bài tập Toán, con còn làm thêm bài tập Tiếng Việt, tập chép đoạn văn dài cả hai trang giấy”. Chia sẻ này nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh, giáo viên. Rất nhiều lời tư vấn được đưa ra, ngoài lời khuyên nên trao đổi với cô để cô giao ít bài, nhiều ý kiến trong đó có cả giáo viên cho rằng, cô làm thế là tốt cho con, để con học tốt hơn…
Thực tế, có rất nhiều phụ huynh gặp phải tình cảnh nói trên khi con học cả ngày ở trường, tối về vẫn phải “vùi đầu” vào bàn học để học đến 10 giờ đêm mới xong. Chị Nguyễn Thanh Vân (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 2 tâm sự: “Con học cả ngày ở trường, nhưng lớp học đông con khó bắt kịp chương trình. Năm con học lớp 1, học kỳ 1 tôi để con được tự do phát triển “tự nhiên”, nhưng kết thúc học kỳ 1, con thuộc nhóm kém nhất lớp, làm toán sai, viết xấu, sai chính tả…
Không nỡ để con kém, tôi đã phải dành thời gian kèm cặp con nhiều hơn. Từ đó đến nay, con về nhà luôn phải hoàn thành các phiếu bài tập, tập đọc, luyện viết ở nhà. Cuối tuần, con học thêm nhà cô 2 buổi. Từ đó con mới theo kịp chương trình và ít khi cô nhắc”.
Không riêng cấp tiểu học, nhiều phụ huynh có con học phổ thông ở Hà Nội cho hay, không đặt nặng chuyện con học giỏi, nhưng thực tế hiện nay do lớp học đông, học sinh thích chơi hơn học cũng là lý do khiến các giờ học trên lớp chưa thực sự hiệu quả, gây quá tải cho cả học sinh lẫn giáo viên. Bên cạnh chương trình nặng, một thực tế khiến học sinh học nhiều hơn là để phục vụ cho xét tuyển, thi chuyển cấp, nên nhiều học sinh phải học thêm bên ngoài nhà trường.
Chỉ ra một thực tế các môn học quá tải hiện nay, PGS Mai Sỹ Tuấn - Tổng Chủ biên môn Khoa học tự nhiên (Chương trình Giáo dục phổ thông mới) cho biết, chương trình hiện nay nặng là do sách giáo khoa, chương trình học. Có nhiều phần trùng lặp ở môn này có rồi, nhưng lại có ở môn học khác, ví dụ như xảy ra ở các môn Toán – Vật Lý – Hóa học ở bậc THPT. Ngoài ra, có nhiều bài tập khó, do sách giáo khoa hoặc giáo viên thêm bài tập đòi hỏi học sinh ghi nhớ quá nhiều, chưa chú ý. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra đòi hỏi nhớ quá nhiều, buộc học sinh phải học dẫn đến quá tải.
Để khắc phục, theo PGS Mai Sỹ Tuấn: “Việc giảm tải sẽ thực hiện triệt để ở các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhưng giảm tải sẽ tùy thuộc vào từng môn học. Trước hết, việc giảm tải phải tránh sự trùng lặp, tiếp đến là giảm kiến thức vận dụng quá nhiều, buộc học sinh phải nhớ nhiều… Việc giảm tải là đổi mới phương pháp để học sinh tăng tính suy luận, chứ không phải nhớ nhiều như trước đây, học sinh được tư duy sáng tạo và được học những cái thiết thực, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Các môn học mới sẽ được thực hiện làm sao để không tăng số lượng tiết học so với hiện nay”.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành và còn thấp hơn chương trình các nước tiên tiến. Chương trình mới sẽ có 3 điểm thay đổi cơ bản về phương pháp xây dựng chương trình, cách phát triển, hình thành các năng lực cốt lõi cho học sinh và sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.
“Chương trình sách giáo khoa mới cho phép các em học sinh được lựa chọn theo sở thích năng lực. Cách học, cách đánh giá cũng được đổi mới. Tổ chức các hoạt động giáo dục, thầy cô là người hướng dẫn, được lựa chọn phương pháp riêng theo ý thích. Thậm chí, giáo viên sẽ được lựa chọn một số nội dung học, các hình thức giảng dạy, miễn sao đảm bảo đúng theo các yêu cầu đề ra”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Theo dự kiến, trong tháng 10 này Bộ GD&ĐT sẽ ban hành khung Chương trình Giáo dục phổ thông mới, trên cơ sở đó sẽ tổ chức biên soạn sách giáo khoa và hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng sách. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên sư phạm, các chương trình đào tạo bồi dưỡng đi kèm và tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên.
'Mỗi giáo viên có sáng tạo dù nhỏ sẽ tạo nên thay đổi lớn của nền giáo dục'
Theo đại diện Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trong hoạt động của giáo viên thì nhiều thay đổi nhỏ sẽ ... |
Tường trình của cô giáo bị phụ huynh tố 'bắt' học sinh tát nhau trên lớp
Sau khi bị phụ huynh tố phạt học sinh bằng cách bắt các em tát nhau trên lớp, cô giáo dạy lớp 6 ở Trường ... |
Cần làm gì để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng khi trẻ ở trường?
Vấn đề làm thế nào để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng cho trẻ khi ở lớp học luôn là mối quan tâm hàng ... |
Có 3 đơn vị tham gia dự thầu đề án sữa học đường tại Hà Nội
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, tại buổi mở thầu đề án sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 đã có 3 đơn ... |
Hà Nội chốt lịch thi vào lớp 10 năm 2019: Môn Ngoại ngữ kết hợp tự luận và trắc nghiệm
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa kí quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. |