Theo số liệu của Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày - túi xách năm 2020 đạt khoảng 19,5 tỷ USD giảm khoảng 11% so với năm 2019 và kim ngạch xuất khẩu trở về mốc của năm 2018.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso, chia sẻ tại Hội thảo tham vấn cải cách cơ chế, chính sách và quy định hành chính nhằm phát triển ngành da giày - túi xách Việt Nam diễn ra ngày 12/1, rằng ngành hàng đã chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19 khi cơ cấu sản xuất giày dép của Việt Nam đến 95% sản lượng dành để xuất khẩu.
Trong đó hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU chiếm đến 70% tổng sản lượng xuất khẩu của cả ngành là những thị trường chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, không chỉ nhà mua hàng thay đổi phương thức đặt hàng mà nhà cung cấp cũng buộc phải thay đổi năng lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao hàng.
"Nhà cung ứng cần đáp ứng tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và lao động, nâng cao kỹ năng lao động và chấp nhận đơn hàng nhỏ. Còn nhà mua hàng đặt yêu cầu rất cao về việc nhà cung ứng phản ứng nhanh trước nhu cầu của thị trường, chú trọng hàng cơ bản, tối giản, tập trung vào nguyên vật liệu và chất lượng", bà Xuân chia sẻ.
Ngoài ra theo bà Xuân, doanh nghiệp phải chấp nhận và đáp ứng điều kiện khắc nghiệt hơn như thời gian giao hàng rút ngắn 30%, giá FOB giảm, minh bạch chuỗi cung ứng để người mua kiểm soát chuỗi...
Đáng chú ý, theo đại diện hiệp hội, hiện sản phẩm da giày của Việt Nam đang được đánh giá ở mức trung bình, với giá xuất khẩu là 16,64 USD, trong khi giá xuất khẩu bình quân của thế giới là 19,7 USD. Điều này cho thấy sản phẩm giày dép của Việt Nam đang tiệm cận với mức trung bình của thế giới và có giá trị khá cao so với các mặt hàng khác.
“Hiện việc xuất khẩu của ngành da giày đang được duy trì tốt, đơn hàng dồi dào về Việt Nam nhờ Việt Nam chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mở cửa mở cửa thị trường thông qua các FTA", bà Xuân cho hay.
Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giày Gia Định, cho biết từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tín hiệu đơn hàng của ngành da giày đã tăng trở lại.
"Công ty đã hồi phục được 100% đơn hàng xuất khẩu ở thời kỳ trước dịch và còn tăng hơn trước. Hiện số lượng đơn hàng của Giày Gia Định đã ký đến tháng 3/2021 và công ty đang tích cực sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng", ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, năm 2021 là năm được các doanh nghiệp da giày kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh về đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu vì Việt Nam đang có lợi thế về sản xuất sau Covid-19 so với các nước khác.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đang là cơ hội lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc và một số quốc gia khác về Việt Nam vẫn đang tiếp diễn… Đây là những thuận lợi mà doanh nghiêp cần phải nắm bắt và có kế hoạch nắm lấy thời cơ đó cho mình.
Tương tự, với Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, một doanh nghiệp với hơn 10 năm gia công hàng cho thương hiệu của Italy, cũng chịu tình cảnh "đơn hàng nhỏ giọt" và giảm sút vì dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm khiến kết quả kinh doanh năm 2020 chỉ đạt khoảng 65-70% mục tiêu.
Tuy nhiên, ông Trần Việt Cường, Phó Giám Đốc Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, cho hay tình hình đơn hàng của doanh nghiệp cũng bắt đầu có sự chuyển biến tích cực từ cuối năm 2020, thời điểm được cho là "bận rộn" nhất của ngành hàng khi nhu cầu tiêu dùng từ các nước tăng cao và hiện công ty đã có đơn hàng để công nhân thực hiện đến tháng 5/2021.
Cũng theo doanh nghiệp này việc các đơn hàng sản xuất giày dép từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam vẫn đang diễn ra, là cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt.
"Riêng với Tuấn Việt, công ty đang nhắm đến các đơn hàng dịch chuyển từ các doanh nghiệp ngay tại trong nước bởi các đối tác có nhu cầu mở rộng nhà cung ứng, từ đó giúp công ty có cơ hội hợp tác với các khách hàng mới", ông Cường chia sẻ.
Đánh giá về triển vọng chung của ngành hàng trong năm 2021, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, chia sẻ với báo giới rằng hiện ngành da giày đang có những tín hiệu tốt khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho năm mới.
Mục tiêu của ngành trong năm 2021 phải đạt trên 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong năm 2020.
“Chúng tôi đã chủ động chiến lược không chỉ phát triển cho năm 2021 mà chuẩn bị cho 5-10 năm sau. Thực tế ngành da, giày và túi xách Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp thời trang nói chung đứng trước một cơ hội rất lớn bởi đất nước đã mở rộng toàn bộ thị trường lớn", ông Thuấn nói.
Thực tế, trong 13 Hiệp định thương mại Việt Nam đã được ký kết có 2 FTA có dung lượng thị trường lớn là CPTPP chiếm 12% và EVFTA chiếm 30%. Việc mở cửa hai thị trường này tạo ra cơ hội cho ngành giày dép của Việt Nam xuất khẩu tốt, vượt qua đại dịch trong thời gian qua.
Cũng theo người đứng đầu ngành hàng: "Qua đại dịch Covid-19 thì năng lực ứng phó của đất nước chúng ta nói chung và doanh nghiệp trong ngành thời trang rất tốt, do đó niềm tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu càng tăng.
Chỉ cần dịch chuyển khoảng 5-10% dung lượng thị trường thế giới thì ngành da giày - túi xách Việt Nam trong 3, 4 năm nữa có thể đạt được khoảng 30-40 tỷ USD”, Chủ tịch Lefaso nhận định.
Ngoài ra, ông Thuấn cho rằng mặc dù năng lực sản xuất của Trung Quốc hiện vẫn nắm giữ 50% sản lượng toàn cầu nhưng lần đầu tiên xuất khẩu da giày của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 15%.
“Như vậy, giờ đây Trung Quốc không phải nơi cạnh tranh với mình về nguồn cung nữa mà đây là thị trường phải nhập khẩu nhiều mặt hàng mà Việt Nam sản xuất”, ông Nguyễn Đức Thuấn thông tin.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu nhận thấy những rủi ro từ thị trường này và bắt đầu dịch chuyển sản xuất. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao nâng cao năng suất, tích tụ tài chính, tích tụ được khoa học công nghệ, làm chủ được chuỗi cung ứng, đáp ứng được nhu cầu về môi trường để tiếp nhận.