Đã hoàn thành 77% mặt bằng đường vành đai 3 TP HCM

Tính đến hết tháng 8/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng tuyến đường vành đai 3 TP HCM 458/597 ha (đạt 77%).

Vành đai 3 TP HCM đoạn đi qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Thông tin từ Báo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa qua đã có văn bản đề nghị UBND TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đường vành đai 3 TP HCM.

Theo Bộ GTVT, sau hơn một năm triển khai kể từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương, các địa phương đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật.

Cùng với đó, dự án đã dự toán 20/26 gói thầu và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và đang triển khai thi công 9/26 gói thầu. Tính đến hết tháng 8, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 458/597 ha (đạt 77%).

Song sau ba tháng khởi công, việc triển khai thi công tại công trường còn chậm, chủ yếu là xây dựng lán trại, huy động máy móc thiết bị, tập kết vật liệu, đào bóc hữu cơ, thi công đường công vụ.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thành phần, Bộ GTVT đề nghị các địa phương có dự án đi qua khẩn trương xây dựng giải pháp phù hợp về nguồn vật liệu đắp thông thường để đáp ứng yêu cầu thi công các gói thầu đã khởi công từ tháng 6.

Đồng thời, làm việc với các địa phương lân cận có mỏ vật liệu xây dựng, xác định cụ thể về vị trí, trữ lượng, đáp ứng yêu cầu thi công các dự án thành phần, đề xuất điều phối, hỗ trợ.

UBND các tỉnh, thành phố cũng cần yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu thi công triển khai ngay các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng, tổ chức làm việc với các địa phương có mỏ vật liệu xây dựng để thống nhất về vị trí, trữ lượng, triển khai các thủ tục cấp mỏ.

Đối với 9 gói thầu đã khởi công xây dựng, Bộ GTVT đề nghị UBND TP HCM và các tỉnh chỉ đạo các chủ thể liên quan khẩn trương hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng giải pháp về nguồn cung cấp cát đắp nền đường trong giai đoạn chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ cho nhà thầu.

Cùng với đó, huy động nguồn lực thi công đường công vụ, nền đường cao tốc, các công trình trên các đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng.

Với các phân đoạn/gói thầu đã được cơ quan chuyên môn xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt, sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, khởi công các gói thầu còn lại. 

Tạo điều kiện cho dự án tăng tốc, các địa phương cũng được đề nghị đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12 theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

Trong đó, tập trung ưu tiên đẩy nhanh công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đủ mặt bằng để thi công xây dựng công trình.

Đường vành đai 3 TPHCM có chiều dài hơn 76 km, kết nối TPHCM với các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong vùng.

Tuyến được đầu tư theo quy mô cao tốc cấp 100, quy mô phân kỳ 4 làn xe và đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe) đầu tư không liên tục.

Tổng mức đầu tư dự án là gần 75.400 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.