Đà Nẵng cần những giải pháp gì để tăng sức hút đầu tư nước ngoài?

Giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng nhận định rằng thành phố có hầu hết các điều kiện cơ bản để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lưu ý rằng, Đà Nẵng vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thực sự cho dù thành phố sẵn sàng cung cấp cho họ những điều kiện thuận lợi nhất.

Ngày 25/12, Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị chuyên đề "Tổng kết Kết luận 30-KL/TU ngày 26/4/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2016 - 2020".

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh báo cáo, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố thu hút được 163 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 76.130 tỷ đồng; 530 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới với tổng vốn đăng ký hơn 1.045,4 triệu USD. 

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, công tác thu hút đầu tư vẫn còn nhiều bất cập như thiếu quỹ đất, tác động liên kết và lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực trong nước chưa cao, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ kém hiệu quả và chưa xác định được ngành công nghiệp hỗ trợ chủ đạo...

Trên cơ sở đó, TP Đà Nẵng đề ra 6 nhóm giải pháp để thu hút đầu tư có hiệu quả thời gian tới gồm: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ sở hạ tầng; Nhóm giải pháp nâng cao nguồn nhân lực; Nhóm giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; Nhóm giải pháp về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; Nhóm giải pháp quản lý nhà nước về đầu tư.

Đà Nẵng phải nỗ lực rất nhiều mới thu hút nước ngoài đầu tư thực sự - Ảnh 1.

Trung tâm TP Đà Nẵng. (Ảnh: Sun Group).

Đề xuất loạt giải pháp thu hút đầu tư

Tại Hội nghị này, các tổ chức, doanh nghiệp đã có ý kiến thẳng thắn góp ý, đề xuất với UBND TP Đà Nẵng về việc thu hút đầu tư vào thành phố có hiệu quả.

Theo Tổng giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng Lee Sungnyung, Việt Nam đã xây dựng hình ảnh một quốc gia ổn định bằng cách kiểm soát hiệu quả đại dịch trong hai làn sóng dịch COVID-19. Hình ảnh tốt đẹp đó sẽ mang đến cơ hội lớn để thu hút đầu tư vào Việt Nam trong thời kỳ hậu dịch sắp tới, đặc biệt là thu hút đầu tư vào khu vực miền Trung mà Đà Nẵng là địa bàn trọng điểm.

Đà Nẵng có hầu hết các điều kiện cơ bản để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài như vị trí chiến lược, lực lượng lao động dồi dào được đào tạo bài bản, chi phí đầu tư cạnh tranh và điều kiện sống an toàn. 

Tuy nhiên, theo ông Lee Sungnyung, cho dù Đà Nẵng sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài những điều kiện thuận lợi nhất nhưng vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thu hút họ đầu tư thực sự. Thành phố cần tích cực sử dụng phương thức thu hút đầu tư không tiếp xúc để công việc thu hút không bị gián đoạn và ảnh hưởng; hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư; giảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư.

Ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Long Hậu kiến nghị thành phố sớm đưa Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao vào hoạt động để có thêm quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Đà Nẵng phải nỗ lực rất nhiều mới thu hút nước ngoài đầu tư thực sự - Ảnh 2.

Một dự án trung tâm ươm tạo đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. (Ảnh: Trungnam Land).

Tại Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng, tổ chức mô hình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp đầy đủ từ cơ sở vật chất đến dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời, cần có phương án giải quyết vấn đề về nguồn lao động chất lượng cao và hạ tầng xã hội hỗ trợ người lao động tại khu vực xung quanh.

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát đề xuất thành phố tái cấu trúc các ngành, tránh phụ thuộc quá mức vào ngành du lịch.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, cho biết trước mắt, thành phố sẽ hoàn thiện hệ thống logistics bằng việc nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, triển khai xây dựng ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ngoài ra, thành phố cũng tập trung phát huy và nâng cấp công suất Cảng Tiên Sa, khơi thông luồng quay tàu để đưa tàu trọng tải lớn hơn vào cảng; xây dựng bãi container tại khu vực Hòa Vang.

Thành phố cam kết nâng cao môi trường sống về giao thông, y tế, các điều kiện sản xuất kinh doanh như cung ứng điện, nước, đặc biệt là về vấn đề môi trường. Đây không chỉ phục vụ lợi ích doanh nghiệp mà còn cho người dân của thành phố.

Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng sẽ đề xuất với Trung ương về một số cơ chế chính sách đặc thù trong việc triển khai Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng để tạo ra một số lợi thế cho thành phố và các nhà đầu tư.

Thành phố cũng sẽ công khai, minh bạch và nhất quán trong các quan điểm, chủ trương và việc thực hiện kêu gọi đầu tư trên cơ sở vận dụng cụ thể hóa các quy định của pháp luật, giảm các trình tự thủ tục, thời gian để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án cũ, đưa vào hoạt động và tạo ra các nguồn lực mới cho thành phố. 

Lãnh đạo thành phố cũng sẽ trực tiếp lắng nghe, ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp về những cản trở, tiêu cực trong quá trình làm việc với đội ngũ cán bộ công chức, xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm nếu có.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.