Ngày 30/5, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết đã phê duyệt đề án Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, vốn đầu tư cho công nghiệp du thuyền là 5.700 tỷ đồng, dịch vụ du thuyền 1.560 tỷ đồng.
Giai đoạn từ nay đến 2025, thành phố khởi động để phát triển dịch vụ du lịch bằng du thuyền, hoàn thành giai đoạn 1 bến du thuyền quốc tế sông Hàn (khu vực đường Bạch Đằng), diện tích một ha; bến du thuyền quốc tế khu đô thị lấn biển Đa Phước, quận Hải Châu, diện tích 3a.
Đồng thời thành phố làm thêm các bến du thuyền quốc tế Thuận Phước và bến cảng Tiên Sa để tạo thành "tam giác du thuyền" kết hợp với bến tại khu đô thị Đa Phước; nâng cấp, hoàn thiện ba bến DHC Marina, bến tàu Euro Village và bến Bạch Đằng (gần cầu Nguyễn Văn Trỗi).
Ba bến du thuyền, khu neo đậu mới được xây dựng gắn với các điểm đến đang thu hút du lịch gồm: Khu chân cầu Rồng (trước Bảo tàng điêu khắc Chăm), khu du lịch Làng Vân dưới chân đèo Hải Vân và khu nghỉ dưỡng Intercontinental thuộc bán đảo Sơn Trà.
Giai đoạn 2026-3030, thành phố dự kiến đầu tư các dự án bến du thuyền còn lại như Marina Complex, Olalani Riverside Tower, DHC Marina trên sông Hàn; các bến dọc sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Hòa Quý và nhiều bến tại bờ biển các dự án du lịch; bắt đầu phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền.
Thành phố dự kiến các hoạt động công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền tạo ra khoảng 35.000 vị trí việc làm giai đoạn 2025-2030, kỳ vọng đóng góp 2-3% GRDP.
Giai đoạn sau đó, Đà Nẵng kỳ vọng tạo ra 57.000 việc làm và đến 2050 thành phố sẽ phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển đổi bến cảng biển Tiên Sa thành bến cảng biển du thuyền quốc tế, nâng mức đóng góp GRDP lên 4-5%.